Trong bối cảnh xã hội hiện đại, giới trẻ ngày càng khẳng định vai trò tiên phong của mình trong việc đóng góp cho sự phát triển cộng đồng.
Những người trẻ đầy nhiệt huyết và trí tuệ không chỉ tham gia vào các hoạt động thụ hưởng, mà còn đứng lên lãnh đạo, tổ chức và lan tỏa các sáng kiến mang lại giá trị bền vững.
Một ví dụ tiêu biểu là hai chị em Trần Thị Tường Anh và Trần Việt Bách, những người đã cống hiến không ngừng trong việc thúc đẩy tri thức và tinh thần học tập suốt đời thông qua sáng kiến Ngôi nhà Trí tuệ Malaysia, nằm trong hệ sinh thái Ngôi nhà Trí tuệ toàn cầu.
Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ là 2 chương trình nhân ái trong lĩnh vực giáo dục, tập trung vào việc tạo dựng, duy trì và phát triển những cộng đồng học tập suốt đời hoàn toàn miễn phí. Tính đến thời điểm hiện tại, 2 chương trình đã xây dựng được mạng lưới hơn 25.000 tủ sách (hơn 1,5 triệu cuốn sách) tại hơn 3.200 trường học và cộng đồng dân cư; xây dựng 300 không gian học tập suốt đời tại 17 tỉnh, thành phố của Việt Nam và 5 quốc gia khác (Malaysia, Australia, New Zealand, Nhật Bản và Mỹ). Tháng 10/2023, chương trình được Thư viện Quốc hội Mỹ trao giải thưởng Xóa mù chữ và phổ biến tri thức ở hạng mục Thực hành xuất sắc. |
Hành trình trưởng thành và phụng sự cộng đồng của những người trẻ tài
Trong suốt hành trình hơn 8 năm hoạt động của hai chương trình Tủ sách Nhân ái và Ngôi nhà Trí tuệ, ông Nguyễn Anh Tuấn, người sáng lập hai mô hình này, chia sẻ việc lan tỏa tri thức luôn là sứ mệnh và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của tổ chức.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sự khác biệt lớn nằm ở việc thế hệ trẻ không chỉ thụ hưởng mà còn là người dẫn dắt, thiết kế và triển khai các chương trình, từ đó mở ra một mô hình mới đầy năng động, sáng tạo và có giá trị bền vững.
Theo ông, những nỗ lực đóng góp của Tường Anh và Việt Bách trong những năm qua chính là minh chứng sống động cho sức mạnh tiềm tàng trong việc sử dụng trí tuệ và tâm huyết của giới trẻ để phụng sự cộng đồng.
Tháng 6/2021, khi còn học tập tại Malaysia, Trần Thị Tường Anh (nay là sinh viên năm 2 tại Đại học Wesleyan (Mỹ) và Trần Việt Bách (nay là học sinh lớp 10 chuyên Anh tại trường THPT chuyên Phan Bội Châu) đã cùng nhau sáng lập Ngôi nhà Trí tuệ Malaysia với mục tiêu mang tri thức đến cộng đồng người Việt tại Malaysia cũng như trong nước.
Dưới sự lãnh đạo của hai bạn trẻ này, Ngôi nhà Trí tuệ Malaysia phát triển thành một sáng kiến mạnh mẽ, không chỉ dừng lại ở việc dạy học, mà còn thúc đẩy giao lưu văn hóa và chia sẻ tri thức toàn cầu.
Tường Anh (thứ hai từ phải) chụp ảnh cùng ông Nguyễn Anh Tuấn, nhà sáng lập Ngôi nhà Trí tuệ, đồng sáng lập Tủ sách Nhân ái và các thành viên chủ chốt của hai chương trình khi họ đến thăm Đại học Wesleyan ở bang Connecticut (Mỹ), nơi cô đang học tập. |
Phát triển cộng đồng thông qua các hoạt động kết nối xuyên biên giới
Những chương trình mà Tường Anh và Việt Bách triển khai không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức tiếng Anh, mà còn hướng đến việc rèn luyện kỹ năng toàn cầu, giúp học sinh bước ra thế giới với sự tự tin và tinh thần học hỏi không ngừng.
Trong hơn 15 khóa học tiếng Anh miễn phí mà Tường Anh và Việt Bách đã tổ chức, các nội dung giảng dạy trải dài từ ngữ pháp, giao tiếp, tranh biện đến toán học bằng tiếng Anh, viết nhật ký song ngữ. Điều này giúp hàng nghìn học sinh từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Ngãi được tiếp cận với môi trường học tập hiện đại và chất lượng.
Không chỉ dừng lại ở các khóa học trực tuyến, mỗi mùa Hè, Tường Anh và Việt Bách trở về Việt Nam để tổ chức các buổi giao lưu trực tiếp, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng với học sinh ở nhiều địa phương. Bắt đầu từ buổi nói chuyện đầu tiên vào tháng 8/2019, tại Ngôi nhà Trí tuệ số 1, xã Thanh Tiên (Thanh Chương, Nghệ An), với chủ đề “Những câu chuyện nhỏ”, các em dần chủ động, mở rộng các chương trình chia sẻ tới nhiều làng quê và thành phố khác. Các sự kiện liên tục được tổ chức tại huyện Yên Thành, Thanh Chương (tỉnh Nghệ An); Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh trong mùa Hè năm 2022 và tại Thạch Hà, Can Lộc, Hương Sơn, Thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vào Hè năm 2023.
Tường Anh và Việt Bách trò chuyện với các em học sinh trong buổi giao lưu “Đường vui tới trường” tại Trường THCS Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An. |
Tường Anh, Việt Bách cùng em trai Anh Tùng nhận quà lưu niệm từ học sinh trường THCS Tôn Quang Phiệt (Thanh Chương, Nghệ An) trong buổi giao lưu “Toward the horizon-Chân trời rộng mở”. |
Tương tự, trong suốt hai tháng 7 và 8 của năm 2024, 2 chị em tiếp tục tổ chức nhiều chương trình giao lưu học tập tại các trường THCS trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sự kiện “Đường vui tới trường” tại trường THCS Nghi Trung (huyện Nghi Lộc) vào ngày 4/8, “Toward the horizon – Chân trời rộng mở” tại trường THCS Tôn Quang Phiệt (huyện Thanh Chương) ngày 9/8, “ Adventures near and far” ngày 16/8 tại thị trấn Quán Hành (huyện Nghi Lộc) thu hút hàng trăm giáo viên và học sinh tham dự.
Ngoài ra, chương trình trao đổi, giao lưu văn hóa với Phó giáo sư Shannon Gramse từ Đại học Alaska Anchorage (Mỹ) tại Ngôi nhà Trí tuệ Thúy Nga (huyện Tân Kỳ) và tọa đàm “Embracing tomorrow – Đón nhận tương lai” (thành phố Vinh) với thầy Ian Gardiner từ Ngôi nhà Trí tuệ New York cũng được triển khai liên tục từ ngày 21-31/8.
Những buổi giảng dạy chuyên sâu của các giáo sư từ các trường đại học danh tiếng đã giúp Ngôi nhà Trí tuệ Malaysia trở thành điểm sáng trong việc mang tri thức đến các vùng nông thôn Việt Nam.
Việt Bách tặng quà cho một học sinh có câu trả lời đúng trong phần đố vui bằng tiếng Anh. |
Thầy Ian Gardiner từ Ngôi nhà Trí tuệ New York tặng đánh dấu trang sách có logo Ngôi nhà Trí tuệ cho những người tham dự buổi Tọa đàm “Embracing tomorrow – Đón nhận tương lai” tại thành phố Vinh, Nghệ An. |
Hai bạn trẻ chủ động mở rộng hợp tác cùng các Ngôi nhà Trí tuệ ở các nước khác để xây dựng những chương trình quy mô và có tác động lâu dài. Ví dụ như, các bạn phối hợp với Ngôi nhà Trí tuệ New Zealand đào tạo về kỹ năng quản lý tài chính, với Ngôi nhà Trí tuệ Australia thực hiện các chương trình thiện nguyện ý nghĩa, với Ngôi nhà Trí tuệ Nhật Bản về hướng dẫn thích ứng văn hóa và hướng nghiệp…
Kinh nghiệm sống và học tập tại nhiều quốc gia giúp Tường Anh và Việt Bách có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về thế giới, từ đó truyền đạt những câu chuyện chân thực và sống động đến học sinh. Những trải nghiệm quốc tế không chỉ giúp họ rèn luyện kỹ năng giao tiếp, mà còn cung cấp góc nhìn mới mẻ, sáng tạo về giáo dục, xã hội và văn hóa.
Tường Anh và Việt Bách chụp ảnh cùng các em học sinh trong buổi giao lưu “Adventures near and far” tại thị trấn Quán Hành, Nghi Lộc, Nghệ An. |
Các em học sinh từ thị trấn Quán Hành và các xã lân cận thuộc huyện Nghi Lộc, Nghệ An đến tham dự buổi giao lưu “Adventures near and far”. |
Tường Anh và Việt Bách không ngừng đặt ra những mục tiêu lớn hơn cho tương lai. Từ năm 2023, Tường Anh đã trở thành giảng viên tại National Education Equity Lab (New York, Mỹ), nơi cô có cơ hội làm việc cùng các giảng viên hàng đầu và kết nối tri thức với cộng đồng du học sinh toàn cầu.
Với vai trò là một trong những lãnh đạo nhóm giảng viên từ trường Đại học Wesleyan, cô hy vọng sẽ cùng em trai tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của Ngôi nhà Trí tuệ và tạo ra những chương trình giáo dục có tác động lớn hơn nữa.
Việt Bách, với vai trò là đồng sáng lập, sẽ tiếp tục đồng hành cùng chị trong các hoạt động giáo dục. Cả hai đều hướng tới mục tiêu không chỉ cải thiện chất lượng giáo dục tại Việt Nam mà còn đưa tinh thần học tập suốt đời lan tỏa ra toàn cầu.
Việt Bách chủ trì chương trình giao lưu văn hóa trực tuyến “Du lịch và khám phá vòng quanh thế giới” với Phó Giáo sư Shannon Gramse từ Đại học Alaska Anchorage (bang Alaska, Mỹ) cùng con gái và các đồng nghiệp của ông. |
Tường Anh trò chuyện với học sinh tại xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. |
Giới trẻ – Động lực thay đổi và dẫn dắt cộng đồng
Câu chuyện của Trần Thị Tường Anh và Trần Việt Bách là minh chứng sống động cho sức mạnh của giới trẻ trong việc mang trí tuệ và tâm huyết phụng sự cộng đồng. Họ không ngừng nỗ lực, không chỉ học hỏi từ thế giới mà còn đóng góp trở lại bằng việc chia sẻ tri thức, tổ chức các hoạt động giáo dục đầy ý nghĩa. Nhờ những sáng kiến của họ, hàng nghìn học sinh ở các vùng nông thôn Việt Nam có cơ hội tiếp cận kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng toàn cầu và mở rộng tầm nhìn.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, giới trẻ không chỉ là thế hệ kế thừa, mà còn là lực lượng dẫn dắt những thay đổi tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và phát triển cộng đồng. Với trí tuệ, sự nhạy bén và khả năng kết nối vượt ra ngoài biên giới, thế hệ trẻ đang trở thành những nhà lãnh đạo tương lai góp phần vào sự phát triển của cộng đồng, không chỉ ở phạm vi địa phương mà còn trên toàn cầu.
Trần Thị Tường Anh:
Học bổng toàn phần trị giá 9 tỷ đồng từ Đại học Wesleyan (xếp hạng 11 Đại học khai phóng tại Mỹ) cho 4 năm đại học. Giải thưởng Top in the world (Xếp hạng top thế giới) môn Toán, của Hội đồng khảo thí Cambridge, Vương quốc Anh (2020). Huy chương Vàng cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật quốc tế tại Singapore (2021). Học bổng Chương trình tú tài quốc tế tại trường quốc tế Uplands, Penang, Malaysia (2021). Huy chương Bạc, bơi 100m ếch tại Giải thể thao các quốc tế Anh tại châu Á (Bangkok, 2019). Giải Nhì cuộc thi hùng biện toàn quốc Malaysia, 2019. Ba lần tham dự Hội nghị lãnh đạo sinh viên quốc tế tại Thái Lan, Malaysia và Australia. Đai đen Karate, chơi đàn violin, IELTS 8.5 Trần Việt Bách: Giảng nhì HSG tỉnh môn tiếng Anh, 2024 Giải Ba môn Bơi 100m ếch, Hội khỏe phù đổng cấp tỉnh, 2024 Huy chương Bạc chạy 100m, Giải thể thao các trường quốc tế Anh tại châu Á (Bangkok, 2019) Giải Nhì cuộc thi hùng biện Malaysia 2019. IELTS 8.0 |
Nguồn: https://baoquocte.vn/gioi-tre-mang-tri-thuc-va-tam-huyet-phung-su-cong-dong-286652.html