Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Giữ nghề xưa nơi làng quê Vĩnh Thuận

Giữa nhịp sống ồn ào, tấp nập, ở xã Vĩnh Thuận (tỉnh An Giang) vẫn còn những người kiên trì “giữ lửa” nghề truyền thống. Với họ, nghề ông bà để lại không chỉ là kế sinh nhai mà còn là niềm tự hào, là cách để giữ hồn quê giữa thời cuộc nhiều đổi thay.

Báo An GiangBáo An Giang27/07/2025

Sống với nghề

Ghé thăm xưởng sản xuất kẹo chuối Nhật Hào ở ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận, tôi ấn tượng bởi mùi thơm nồng nàn của những mẻ kẹo chuối nóng hổi chuẩn bị ra lò. Ông Nguyễn Văn Minh - chủ cơ sở sản xuất kẹo chuối Nhật Hào cho biết gia đình ông bắt đầu làm kẹo chuối từ năm 2014. Đến năm 2021, nghề làm kẹo chuối tại xã Vĩnh Thuận được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận nghề truyền thống.

Hiện sản phẩm của gia đình ông Minh được chứng nhận OCOP 3 sao. “Khoảng 2 - 3 ngày, tôi làm một mẻ được khoảng 25kg kẹo, bán giá 65.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận còn khoảng 5.000 đồng/kg. Vợ chồng tôi là lao động tự do, không có việc làm ổn định. Dù thu nhập không cao nhưng nghề này đã nuôi sống cả gia đình, giúp tôi có tiền xây nhà mới”, ông Minh bộc bạch.

Các công đoạn sản xuất kẹo chuối tại cơ sở Nhật Hào, ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận

Nhìn những thuận lợi hiện tại, ít ai biết vợ chồng ông Minh từng trải qua giai đoạn rất khó khăn để giữ nghề. Trước kia, tất cả công đoạn đều làm thủ công, mất nhiều thời gian và phải thuê nhân công, chưa có đầu ra ổn định, chi phí tăng cao, lợi nhuận gần như không có. Nhiều tháng vợ chồng ông phải vay tiền để duy trì xưởng. Thậm chí, ông Minh từng nghĩ đến việc bỏ nghề lên TP. Hồ Chí Minh làm công nhân để có thu nhập ổn định hơn.

Bà Phạm Trúc Ly - vợ ông Minh xúc động kể: “Địa phương đã hỗ trợ vốn để mua máy móc sản xuất. Giờ các công đoạn như cắt kẹo, đóng gói, dán nhãn… đều được làm bằng máy, nên vừa nhanh vừa hợp vệ sinh, lại tiết kiệm được chi phí thuê nhân công, từ đó lợi nhuận tăng lên. Những dịp lễ, tết, nhu cầu đặt hàng rất cao, chúng tôi phải làm kẹo mỗi ngày mới kịp giao”.

30 năm giữ nghề đan đát

Rời cơ sở của vợ chồng ông Minh, tôi ghé thăm gia đình bà Trần Thị Duyên, một trong số ít những hộ còn duy trì nghề đan đát ở ấp Vĩnh Trinh, xã Vĩnh Thuận. Sân trước nhà được tận dụng làm nơi phơi các sản phẩm đan đát. Trong nhà, bà Duyên đang cặm cụi chẻ từng cây trúc dài để chuẩn bị cho các sản phẩm tiếp theo.

Vừa chẻ trúc, bà Duyên vừa kể: “Nghề này, gia đình tôi truyền ba đời. Tính đến nay đã hơn 30 năm gìn giữ, từ bà ngoại, đến mẹ và giờ là tôi. Trước đây, cả xóm sống bằng nghề đan đát, nhà nào cũng làm, nên người ta gọi là làng đan đát. Nhưng giờ, sản phẩm đan không còn được chuộng nên nhiều người bỏ nghề. Nghề này lại cực, thu nhập không cao và không ổn định”.

Theo bà Duyên, để tạo ra sản phẩm bền, đẹp cần chọn cây trúc bóng, già và chắc, vì vậy khâu chọn nguyên liệu phải kỹ lưỡng. Công đoạn chẻ và vót nan cũng rất khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo, nếu không sản phẩm dễ bị méo, không đúng dáng.

Hiện, sản phẩm của gia đình bà Duyên được đặt hàng nhiều nhất là cần xé. Một số công ty ở tỉnh Cà Mau đặt hàng với số lượng có khi lên đến hơn 1.000 cái/lần. Mỗi tháng, bà đan từ 200 - 300 cái, bán giá hơn 30.000 đồng/cái, thu nhập dao động 5 - 6 triệu đồng/tháng. Thời điểm bận rộn nhất là tháng 10 đến tháng 11 âm lịch, khi các cơ sở kinh doanh chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết.

Với mong muốn duy trì nghề truyền thống, bà Duyên thường nhận đơn hàng lớn rồi phân chia và hướng dẫn lại cho các lao động nữ nhàn rỗi, trung niên chưa có việc làm tại địa phương. Bà còn tìm nguồn cây trúc chất lượng, đặt mua với số lượng lớn rồi mang đến tận nhà cho nhân công. Ai khéo tay, siêng năng thì mỗi ngày có thể làm được 3 - 4 sản phẩm, thu nhập hơn 200.000 đồng/ngày.

Theo bà Hoàng Thị Hường - Bí thư Chi bộ ấp Vĩnh Trinh, nghề truyền thống không chỉ mang lại nguồn thu nhập cho người dân mà còn là nét đẹp, nét đặc trưng gắn với bản sắc địa phương. Thời gian tới, ấp sẽ khảo sát, đề xuất cấp thẩm quyền thực hiện chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị và tìm đầu ra cho sản phẩm nhằm góp phần gìn giữ và phát triển nghề truyền thống trong tương lai.

Bài và ảnh: TƯỜNG VI

Nguồn: https://baoangiang.com.vn/giu-nghe-xua-noi-lang-que-vinh-thuan-a425160.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm