Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hà Nội: Người dân cần cảnh giác cao độ, chủ động ứng phó với cơn bão số 3

(Chinhphu.vn) - Bão số 3 (tên quốc tế Wipha) tiếp tục diễn biến phức tạp, hoàn lưu rộng, gây ảnh hưởng sớm đến khu vực Bắc Bộ, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia khuyến cáo người dân Thủ đô chủ động ứng phó với các tình huống bất thường về gió mạnh, mưa lớn, ngập úng đô thị và nguy cơ lũ trên các sông.

Báo Chính PhủBáo Chính Phủ21/07/2025

Hà Nội: Người dân cần cảnh giác cao độ, chủ động ứng phó với cơn bão số 3- Ảnh 1.

Người dân Thủ đô cần chủ động ứng phó với các tình huống bất thường về gió mạnh, mưa lớn, ngập úng đô thị và nguy cơ lũ trên các sông. Ảnh minh họa

Từ chiều tối nay (21/7), Hà Nội bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão số 3 với gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 7-8, mưa to đến rất to; nguy cơ ngập úng, sạt lở trên diện rộng.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, hồi 16h ngày 21/7, bão số 3 cách tỉnh Quảng Ninh khoảng 100km, cách Hà Nội khoảng 240km. Bão di chuyển hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/giờ, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 9-10 (75-102km/giờ), giật cấp 12.

Dự báo đến 4h ngày 22/7, tâm bão nằm trên khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, mạnh cấp 10-11, giật cấp 14. Đến 16h ngày 22/7, bão đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa, tiếp tục di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu dần trong ngày 23/7.

Do ảnh hưởng của bão nên từ tối và đêm 21/7, khu vực phía Nam và trung tâm Hà Nội, như: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm, Ba Đình, Từ Liêm… có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8. Các xã Xuân Mai, Sơn Tây, Hòa Lạc, Quốc Oai, Ba Vì... gió mạnh cấp 4-5, giật cấp 6.

Về mưa, từ chiều tối 21 đến 23/7, toàn thành phố có mưa vừa, mưa to đến rất to. Lượng mưa phổ biến 100-200mm, các khu vực: Chương Mỹ, Phú Xuyên, Vân Đình có thể đạt 150-250mm, cá biệt vượt 300mm.

Từ đêm 23 đến ngày 25/7, thành phố vẫn tiếp tục có mưa vừa đến mưa to. Trên các sông nội địa như sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ, sông Đáy có khả năng xuất hiện lũ với biên độ 1,5-3,5m. Mực nước có thể vượt báo động 2 tại một số khu vực, gây ngập úng tại các xã ven sông, như: Trần Phú, Quảng Bị, Xuân Mai, Mỹ Đức, Hòa Xá...

Cơ quan khí tượng cảnh báo, với nhiều nhà cao tầng tại Hà Nội, hiệu ứng tăng tốc gió khi luồng gió lùa qua các khu vực này có thể khiến thực tế gió mạnh hơn nhiều so với ghi nhận tại trạm quan trắc. Người dân được khuyến cáo hạn chế ra ngoài trong thời điểm gió mạnh để bảo đảm an toàn.

Theo phân tích của Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, tại khu vực nội đô, độ sâu ngập úng có thể phổ biến từ 0,2m–0,5m, có nơi sâu hơn; thời gian ngập cục bộ kéo dài từ 30 phút đến 1 tiếng trước khi nước rút. Các khu vực ven sông, nền đất yếu, địa hình dốc, các cống tiêu nước xung yếu cần được đặc biệt lưu ý.

Liên quan đến nguy cơ ngập úng, cô lập cục bộ, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết: đến thời điểm hiện tại, lượng mưa ghi nhận tại Hà Nội chưa lớn, chưa xác định có khu vực nào xảy ra tình trạng ngập nặng. Tuy nhiên, cần đặc biệt cảnh giác với hiện tượng mưa lớn bất thường sau bão. Đây là thời điểm đầu đến giữa mùa mưa bão, độ ẩm trong khí quyển cao, dễ hình thành dải hội tụ nhiệt đới sau khi bão tan, có thể tiếp tục gây mưa lớn trên diện rộng.

Trước dự báo trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh có công điện yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động triển khai đồng bộ phương án "4 tại chỗ"; kiểm tra, rà soát toàn bộ các điểm xung yếu, khu vực có nguy cơ cao. Các đơn vị phải hoàn thành kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp xã, đặc biệt tại các xã sau sáp nhập, bảo đảm không để trống vị trí chỉ huy tại chỗ trong tình huống bão đổ bộ và mưa lớn kéo dài.

Để bảo vệ tính mạng và tài sản, người dân Thủ đô cần lưu ý, kiểm tra mái tôn, mái fibro xi măng, cửa sổ, cửa ra vào; chằng chống chắc chắn nhà ở, lều lán tạm, chuồng trại chăn nuôi; cắt tỉa cành cây lớn, kiểm tra hệ thống thoát nước quanh nhà, tránh tắc nghẽn gây ngập cục bộ; đưa xe máy, ô tô vào nơi an toàn; che chắn đồ đạc dễ bị ướt, hư hỏng...

Khi có gió mạnh, mưa lớn, người dân nên tránh đi qua khu vực có cây cổ thụ, công trình đang thi công, biển quảng cáo; hạn chế đi lại tại vùng trũng thấp, các đoạn đường thường xuyên úng ngập. Người dân sống gần sông, đê bao, khu vực có nguy cơ sạt lở cần theo dõi sát cảnh báo và sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình nên chuẩn bị đầy đủ thuốc men, đèn pin, nước sạch, thực phẩm thiết yếu. Tránh để trẻ nhỏ, người già ra ngoài khi thời tiết nguy hiểm. Không sử dụng thiết bị điện khi nhà bị ngập; cẩn trọng với nguy cơ rò rỉ điện. Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin thời tiết từ cơ quan chức năng, tuyệt đối không chủ quan, để cùng thành phố vượt qua đợt mưa bão an toàn.

Thùy Chi

Nguồn: https://baochinhphu.vn/nguoi-dan-can-canh-giac-cao-do-chu-dong-ung-pho-voi-con-bao-so-3-103250721222400809.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ
Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm