Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hàng trăm sinh viên học hệ từ xa bị dừng vô thời hạn, hiệu trưởng và hiệu phó xin nghỉ việc

Những ngày qua, hàng trăm sinh viên học hệ đào tạo từ xa Trường cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội từ khắp nơi đang 'đứng ngồi không yên' vì bị dừng học không thời hạn.

Báo Tuổi TrẻBáo Tuổi Trẻ27/05/2025

Hàng trăm sinh viên học hệ từ xa bị dừng vô thời hạn, hiệu trưởng và hiệu phó xin nghỉ việc - Ảnh 1.

Trường cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội - nơi xảy ra sự việc - Ảnh: NGUYÊN BẢO

Theo các sinh viên, trong quá trình học đã được hướng dẫn chuyển toàn bộ học phí vào tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Bích Vượng - phó hiệu trưởng nhà trường thời điểm này.

Phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường nhưng "tin tưởng hiệu phó"

Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, chị N.T.T.D., (32 tuổi, Hà Nội) - cho biết đã trúng tuyển ngành công nghệ thông tin hình thức đào tạo trực tuyến của Trường cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội từ cuối năm 2022 (khóa 13).

Lý do theo học, vì tin tưởng lời quảng cáo "đây là trường công lập thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội". Lúc đăng ký xét tuyển đầu vào chỉ cần nộp điểm tốt nghiệp THPT, không cần thi tuyển.

Tuy nhiên, chị D. cho biết ngay từ học kỳ đầu năm nhất đã thấy nhiều dấu hiệu bất thường khi quá trình học không có giáo viên giám sát, không giảng viên giảng bài, không ai quy định một tuần phải học bao nhiêu buổi… Sinh viên tự học theo giáo trình nhà trường đã cấp phát. Đến lúc thi cũng sẽ thi trực tuyến và có giám thị giám sát online.

"Khi thắc mắc về những điểm bất thường thì cô Nguyễn Thị Bích Vượng - phó hiệu trưởng nhà trường - phủ đầu chúng tôi non trẻ, thiếu kiến thức, cô phát ngôn phản cảm, tắt cả chế độ nhắn tin trong nhóm. Vì lỡ học 1 kỳ rồi nên học nốt, chứ nếu học 4 năm đã bỏ ngang", chị D. nói.

Chị D. cho biết đã học 3 học kỳ, và một khóa học giáo dục quốc phòng. Tổng học phí khoảng 20 triệu đồng, tất cả đều chuyển vào số tài khoản cá nhân của bà Nguyễn Thị Bích Vượng. Đến tháng 11-2024, khi đang học học kỳ thứ 3, chị D. nhận được thông tin khóa học trực tuyến phải dừng hoạt động.

"Cô Nguyễn Thị Bích Vượng gọi trực tiếp cho tôi và nhờ thông báo với các sinh viên trong lớp rằng trường dính tới pháp luật, các em bị liệt vào danh sách mua bán bằng, phải chuyển trường. Khi giới thiệu sang trường khác thì chúng tôi phải học lại từ đầu", chị D. nói.

Hàng trăm sinh viên học hệ từ xa bị dừng vô thời hạn, hiệu trưởng và hiệu phó xin nghỉ việc - Ảnh 2.

Sinh viên B.M.K. dù có e ngại khi chuyển tiền học phí vào tài khoản cá nhân của bà Vượng, nhưng khi nhận được hóa đơn có dấu của nhà trường nên vẫn làm theo hướng dẫn - Ảnh: NVCC

Mặc dù đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản, thế nhưng anh B.M.K. (31 tuổi, quê Vĩnh Long), cho biết tháng 6-2022 đã xét tuyển trực tuyến và trúng tuyển ngành tiếng Nhật theo hình thức đào tạo trực tuyến của Trường cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội.

Anh cho biết suốt thời gian qua chỉ học trên hệ thống với các bài giảng dạng video đã quay sẵn. Người học học đủ tiến trình video là được thi kết thúc học phần trực tuyến. Đến tháng 11-2024 thì được nhận thông báo phải dừng học vô thời hạn.

Cũng giống nhiều sinh viên khác, toàn bộ học phí, anh K. đều chuyển khoản về số tài khoản của bà Nguyễn Thị Bích Vượng theo hướng dẫn.

"Về phía nhà trường hiện tại không chấp nhận các loại hóa đơn học phí mà trước kia do cô Nguyễn Thị Bích Vượng thu, có đóng dấu của nhà trường. Nhà trường đổ lỗi cho việc cô Vượng không phải là kế toán mà đứng ra ký tên các khóa học phí đó. Nên không công nhận các giấy tờ học phí đó dù đầy đủ con dấu và mộc.

Ban đầu ông Nguyễn Đình Tân - hiệu trưởng nhà trường - hẹn các sinh viên đến đầu tháng 3 sẽ có câu trả lời cho các bạn, nhưng hiện tại hiệu trưởng chưa đưa ra bất kỳ câu trả lời chính thức nào cho vụ việc này, và có tiến triển hay không", anh K. nói.

Chị B.T.K.C. (quê Nghệ An) bức xúc nói: "Sau khi sự việc vỡ lở ra tôi mới biết lãnh đạo nhà trường không biết đến sự tồn tại của chúng tôi - những sinh viên học hệ từ xa - trong khi tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ và có cả thẻ sinh viên của trường".

Hiệu phó và hiệu trưởng phụ trách đã nghỉ việc

Ngày 27-5, ông Nguyễn Xuân Hùng - trưởng phòng hành chính tổng hợp Trường cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội - cho biết hiện tại nhà trường không có hiệu phó và hiệu trưởng, ông Nguyễn Đình Tân đã có quyết định thôi giữ chức vụ hiệu trưởng từ ngày 26-5.

Hiện đã có quyết định bổ nhiệm ông Đào Đức Nghiệp, nhưng ông Nghiệp chưa chính thức nhận nhiệm vụ, "chưa tiếp cận sự việc".

Ông Hùng cho biết thêm, hiện nhà trường đang chuẩn bị thành lập tổ công tác giải quyết các tồn tại, vướng mắc trong công tác đào tạo từ xa. Dự kiến, tổ công tác sẽ có sự tham dự của ông Đào Đức Nghiệp và bà Nguyễn Thị Bích Vượng.

Hiện Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết đã nhận được phản ánh liên quan đến Trường cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội, đang giao cho đơn vị chức năng xem xét, kiểm tra sự việc, đồng thời yêu cầu nhà trường có báo cáo.

Trả lời Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Bích Vượng cho biết hiện tại bà không làm việc tại trường, đã bàn giao tất cả mọi việc liên quan và từ chối trả lời các thông tin.

Thực hư quảng cáo tuyển sinh là trường công lập?

Theo thông tin quảng cáo trên trang tuyển sinh, Trường cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội cho biết đây là trường công lập trực thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội được thành lập theo quyết định số 594/QĐ-LĐTBXH năm 2010, có chức năng đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp và trình độ sơ cấp.

Tuy nhiên Cục Giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) khẳng định Trường cao đẳng Kinh tế Công nghệ Hà Nội là trường tư thục từ thời điểm bắt đầu thành lập.

NGUYÊN BẢO

Nguồn: https://tuoitre.vn/hang-tram-sinh-vien-hoc-he-tu-xa-bi-dung-vo-thoi-han-hieu-truong-va-hieu-pho-xin-nghi-viec-20250527133416921.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Hành trình bền bỉ trên cao nguyên đá
Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm