>>
>>
Khi thăm Yên Bái năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc: "Phải làm cho rừng xanh lại”. Khắc ghi lời dạy thiêng liêng ấy, Đảng bộ huyện Văn Yên đã cụ thể hóa trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và xác định quế là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế lâm nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Từ lời dặn của Bác, từ nghị quyết của Đảng, hành trình "vàng xanh” của Văn Yên được bắt đầu. Đó là hành trình của biết bao người nông dân chân chất, chai sạn nắng mưa nhưng giàu nghị lực, ngày ngày vun trồng từng mầm xanh giữa đất trời.
Gia đình ông Triệu Tiến Bảo, thôn Khe Lợ, xã Phong Dụ Thượng là một trong những hộ dân gắn bó lâu đời với cây quế. Từ đời ông cha để lại, đến nay ông Bảo và vợ con vẫn bền bỉ trồng mới 1 - 2 ha quế mỗi năm, tận dụng mọi khoảng đất có thể canh tác.
Ông hồ hởi chia sẻ: "Năm nào nhà tôi cũng trồng thêm quế, đến nay đã có hơn 15 ha, trong đó có 10 ha đang cho khai thác, thu đều đặn trên 300 triệu đồng/năm. Nhờ quế mà gia đình tôi có cuộc sống đủ đầy hơn”.
Không chỉ ở Phong Dụ Thượng, xã Viễn Sơn cũng đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ cây quế với tổng diện tích trên 2.700 ha quế, mỗi năm xã trồng mới từ 150 - 200 ha.
Đồng chí Lý Hữu Quan - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Cây quế đã trở thành nguồn thu ổn định, giúp hơn 200 hộ trong xã có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đây thực sự là "của để dành” cho tương lai”.
Tại xã Ngòi A, Quỹ Hỗ trợ nông dân năm 2024 đã tiếp thêm động lực cho 10 hộ hội viên với số vốn 400 triệu đồng. Những mầm quế non đang lớn lên từng ngày, hứa hẹn một vụ mùa bội thu trong vài năm tới.
Chị Hoàng Thị Vui - hội viên Hội Nông dân xã Ngòi A phấn khởi chia sẻ: "Được hỗ trợ vốn, chúng tôi càng vững tin hơn vào cây quế. Hy vọng 5 năm nữa, những gốc quế này sẽ giúp chúng tôi đổi đời”.
Phong Dụ Thượng - 1 trong 8 xã trọng điểm trồng quế của huyện đang viết nên một chương mới với mô hình trồng quế sạch, hữu cơ. Hơn 200 hộ đã chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất theo quy trình hữu cơ, bảo đảm chất lượng và đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Những thành công bước đầu mở ra cơ hội lớn cho người dân địa phương.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Dụ Thượng - Siều Văn Đồng phấn khởi chia sẻ:"Toàn xã hiện có hơn 2.850 ha quế, trong đó 300 ha đã đạt chuẩn hữu cơ. Người dân không chỉ bớt nghèo mà còn dần vươn lên làm giàu. Có những gia đình mỗi năm thu về cả tỷ đồng từ quế”.
Câu chuyện ấy không còn là giấc mơ mà đang trở thành hiện thực trên khắp các thôn, bản. Từng khóm quế, từng sườn đồi xanh thẳm đang là biểu tượng cho sự hồi sinh và phát triển bền vững. Ở hầu khắp 25 xã, thị trấn của Văn Yên, màu xanh của cây quế đã lan tỏa mạnh mẽ với diện tích trồng toàn huyện đạt khoảng 60.000 ha.
Hàng năm, người dân cùng hội viên nông dân trồng mới từ 2.000 - 3.000 ha quế, không chỉ phủ xanh đất trống đồi trọc mà còn mang lại nguồn thu ổn định cho hàng nghìn hộ dân. Trong đó các vùng trọng điểm thuộc khu vực chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên đã trở thành "thủ phủ quế” của tỉnh như: Phong Dụ Hạ (2.112 ha), Xuân Tầm (3.371 ha), Châu Quế Hạ (4.789 ha), Mỏ Vàng (4.695 ha)…
Cùng với việc mở rộng vùng trồng, nông dân Văn Yên còn đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng thương hiệu. Năm 2010, chỉ dẫn địa lý "Quế Văn Yên” được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam công nhận; đến năm 2020, sản phẩm này tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ Thái Lan công nhận và chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ với trên 10.730 ha quế hữu cơ.
Nguồn thu từ cây quế hàng năm đã vượt ngưỡng 1.000 tỷ đồng, mang lại đời sống ấm no, ổn định cho người dân, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động nông thôn. Quế không chỉ đơn thuần là cây trồng mà đã trở thành biểu tượng phát triển kinh tế bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Những nương quế bạt ngàn như những vệt son xanh trên tấm bản đồ kinh tế nông nghiệp của huyện.
Văn Yên, với "vàng xanh” phủ khắp đồi núi, đang ngày một rạng rỡ hơn trong bức tranh phát triển "xanh - hài hòa - bản sắc - hạnh phúc”, đúng như mục tiêu mà Đảng bộ huyện đã đề ra. Hành trình ấy không chỉ là hành trình phát triển kinh tế mà còn là hành trình gìn giữ thiên nhiên, bảo tồn văn hóa và nuôi dưỡng ước mơ của hàng vạn con người nơi núi rừng Yên Bái.
Trần Ngọc
Nguồn: https://baoyenbai.com.vn/12/349870/Hanh-trinh-vang-xanh.aspx
Bình luận (0)