Heo Vân Pa-một loại heo đặc sản là giống heo bản địa của người dân huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Giống heo này chỉ ăn rau, cỏ tươi, chất lượng thịt tuyệt ngon, trở thành đặc sản được khách hàng “săn đón”, đặc biệt là mỗi độ tết đến xuân về.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, chúng tôi có mặt tại hợp tác xã nông nghiệp Hướng Hiệp (thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, Quảng Trị) để tìm hiểu về heo đặc sản Vân Pa.
Heo Vân Pa - đặc sản Quảng Trị đắt khách dịp Tết nhờ chất lượng thịt thơm ngon. Ảnh: Ngọc Vũ.
Tiếp chúng tôi với nụ cười tươi, anh Đỗ Văn Ánh (SN 1980) – Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hướng Hiệp cho biết, dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này, hợp tác xã đã xuất bán hơn 200 con heo Vân Pa cho khách hàng.
"Nhiều vị khách đặt hàng muộn, chúng tôi không có heo Vân Pa để bán, họ tiếc nuối…, nói chung là đắt khách lắm" – anh Ánh chia sẻ.
Anh Ánh cho biết, heo Vân Pa là giống heo bản địa của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở huyện Đakrông. Xuôi dòng chảy của thời gian, có thời điểm giống heo Vân Pa gần như tuyệt chủng.
Nhờ những nỗ lực của chính quyền địa phương, các nhà khoa học, giống heo này được phục hồi, đến nay vẫn đang trong quá trình gây đàn, phát triển trở lại.
Heo Vân Pa ăn rau, cỏ tự nhiên, có sức để kháng cao nên dễ nuôi. Ảnh: Ngọc Vũ.
Riêng với anh Ánh, năm 2021 anh bắt đầu nuôi heo Vân Pa quy mô tập trung. Để làm được việc này, anh Ánh mua và thuê được 2ha đất, đầu tư xây dựng chuồng trại, khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới tiêu… chăn nuôi.
Năm 2023, anh Ánh cùng 6 thành viên khác là người đồng bào Vân Kiều thành lập hợp tác xã nông nghiệp Hướng Hiệp.
Từ một vài con giống sinh sản ban đầu, đến nay hợp tác xã nông nghiệp Hướng Hiệp thường xuyên nuôi 150 đến 200 con heo Vân Pa. Không chỉ vậy, hợp tác xã này còn cung cấp con giống cho người dân trên khắp huyện Đakrông.
Anh Ánh cho biết, heo Vân Pa chỉ thực hiện giao phối tự nhiên, sinh sản mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 8 đến 12 con.
Heo Vân Pa có sức đề kháng rất tốt nhưng tốc độ sinh trưởng chậm. Heo công nghiệp khoảng 3 tháng có thể xuất chuồng với cân nặng lên tới 80kg/con. Heo Vân Pa phải nuôi 6 tháng mới xuất bán, trọng lượng chỉ từ 25kg – 30kg.
Cây chè khổng lồ là thức ăn rất tốt cho heo Vân Pa. Ảnh: Ngọc Vũ.
Theo anh Ánh, nuôi heo Vân Pa khá đơn giản vì giống heo này chỉ ăn rau, cỏ tự nhiên. Trên diện tích hơn 1ha đất, anh Ánh trồng rau khoai, cỏ voi, chè khổng lồ. Các loại cây này được anh Ánh và các xã viên cắt, xay nhỏ cho heo ăn.
Nhờ tiêu thụ thức ăn tự nhiên nên heo Vân Pa có chất lượng thịt vô cùng thơm ngon. Cũng chính vì vậy mà Vân Pa trở thành đặc sản của tỉnh Quảng Trị, được thực khách "săn đón".
"Biết số lượng có hạn nên 2 tháng trước Tết Nguyên đán hàng năm thực khách đã đặt hàng heo Vân Pa. Với giá bán 150.000 đồng mỗi kg heo hơi, thực khách vẫn không ngần ngại chi tiền, nhiều người còn giận hờn khi bị hết hàng" – anh Ánh chia sẻ.
Mỗi xã viên của hợp tác xã nông nghiệp Hướng Hiệp có thu nhập 7,5 triệu đồng/tháng nhờ nuôi heo Vân Pa và dê. 2 loại vật nuôi này đều thích ăn cây, cỏ tự nhiên, dễ nuôi. Ảnh: Ngọc Vũ.
Anh Lê Văn Cương (trú tại phương 1, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cho biết, năm 2022 gia đình anh mua một con heo Vân Pa về ăn tết. Mê mẩn mùi thơm và vị ngọt của thịt heo Vân Pa, những năm sau anh Cương tiếp tục đặt hàng từ sớm.
Trước tình hình cung không đủ cầu, anh Ánh mong muốn tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi để hợp tác xã nông nghiệp Hướng Hiệp có thể mở rộng quy mô chăn nuôi, đưa thương hiệu heo Vân Pa đi xa hơn, nâng cao thu nhập cho người dân đồng bào Vân Kiều – Pa Kô.
Ông Lê Đại Lợi – Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết, đặc sản heo Vân Pa có cơ hội trở thành thương hiệu, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Trị nếu được đầu tư phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi, tăng sản lượng để cung cấp cho thị trường.
Nguồn: https://danviet.vn/heo-van-pa-con-dong-vat-ban-dia-la-dac-san-quang-tri-dan-san-lung-mua-ve-an-tet-2025012510564124.htm
Bình luận (0)