
Tri thức dân gian về phát hiện, khai thác cây sâm Ngọc Linh
Theo ký ức của những người lớn tuổi và có kinh nghiệm nhiều năm trồng sâm ở địa phương cho biết, các thế hệ trước của họ đã phát hiện ra tác dụng của cây sâm trong những chuyến đi rừng đặt bẫy thú, rồi lưu truyền lại cho con cháu, như: Tay chân bị thương chảy máu thì đào lấy củ sâm nhai và đắp lên vết thương thấy cầm máu nhanh, vết thương nhanh lành; khi bị đau bụng ăn củ sâm thấy hết đau ngay; khi mệt mỏi nhai củ sâm thì thấy khỏe nhanh, có khi ăn củ sâm cả ngày vẫn không thấy đói,... Vì thế, người dân đặt cho nó cái tên dân dã là “cây thuốc quý”. Khi phát hiện cây sâm trên đường đi bẫy thú, họ phát quang một khoảnh nhỏ để cho cây phát triển tốt, đồng thời đánh dấu để biết khu vực đó có cây thuốc quý khi cần thì sử dụng. Lúc ban đầu, những ai biết được tác dụng của cây sâm đều tự giữ riêng bí mật cho mình, kể cả bí mật về tác dụng và nơi có cây sâm trong rừng. Từ đó, lúc nào người dân cũng có sâm mang theo làm vị thuốc “hộ thân” để dùng cho mọi trường hợp cần thiết (nên gọi là “thuốc giấu” hàm nghĩa “giấu” thuốc quý).
Thông qua đi rừng nhiều năm, người dân địa phương đã tích lũy những kinh nghiệm nhận biết khu vực nào có nhiều cây sâm mọc. Theo đó, cây sâm mọc tốt nhất ở độ cao 1.700m đến 2.100m, mọc nhiều ở hướng Đông, vì vậy ở vùng núi Ngọc Linh thuộc địa phận huyện Nam Trà My, cây sâm mọc nhiều hơn cả. Cây sâm thích nghi tốt ở khu vực chân núi, gần khe suối, những nơi có cỏ mọc rậm rạp, có khi mọc trên tảng đá hoặc gốc cây mục. Với những kinh nghiệm thực địa nhiều năm của những cư dân bản địa về đặc điểm, sự phân bố của cây sâm trong tự nhiên nên khi áp dụng vào việc trồng, nhân bản nguồn gốc của sâm tại địa phương rất thuận lợi.
Tri thức dân gian về trồng, chăm sóc cây sâm Ngọc Linh
Không thuần túy khai thác, từ rất sớm, một số cư dân quanh dãy Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My đã biết trồng, chăm sóc cây thuốc này ngay trong tự nhiên với những cách thức giản đơn để dùng khi cần. Họ đào cây sâm tự nhiên ở những nơi có nhiều rồi trồng rải rác tại những nơi không có sâm trên đường đi bẫy thú, mục đích là để khi đi bẫy thú lúc nào cũng có sẵn sâm để sử dụng. Dần dần, kinh nghiệm trồng, nhân giống được tích lũy, cộng đồng chuyển sang phát triển trồng tập trung tại các khu vườn.
Trên địa bàn huyện Nam Trà My, từ chỗ chỉ có khoảng 110 hộ ở xã Trà Linh trồng sâm trên diện tích 65ha vào năm 2014, đến nay đã phát triển lên 7/10 xã (Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Dơn, Trà Tập, Trà Leng và Trà Don) với 533 hộ trồng sâm.
Tri thức, kinh nghiệm về nhân giống, trồng cây sâm Ngọc Linh
Thu hái quả: Thu hái quả khi cây đạt từ 5 năm tuổi trở lên đảm bảo có các đặc điểm: Quả có dạng hình quả thận; khi chín có màu đỏ, có chấm đen; chiều dài quả từ 0,5 - 1cm, đường kính quả từ 0,4 - 0,8cm; khối lượng 1.000 quả tươi từ 130 gam trở lên; quả có 1 hoặc 2 hạt; hạt có hình dạng quả thận, màu trắng ngà hay vàng nhạt, vỏ có vân dọc; không bị nhiễm sâu bệnh. Thời vụ thu hái quả thông thường vào khoảng từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm.

Thời vụ gieo và xử lý hạt giống: Có thể gieo hạt ở 2 thời vụ với 2 hình thức khác nhau tùy thuộc vào cách xử lý quả và hạt giống trước đó. Thời vụ thứ nhất, từ tháng 7 đến tháng 9 hằng năm: Sau khi thu hoạch quả, loại bỏ quả không đủ tiêu chuẩn làm giống rồi tiến hành gieo ngay (không bóc vỏ). Thời vụ thứ hai, từ tháng 12 hằng năm: Sau khi thu hoạch quả sẽ bóc vỏ lấy hạt, xử lý hạt rồi lưu giữ trong nhà từ 4 - 5 tháng sau đem gieo (gieo ngay khi hạt chuẩn bị nảy mầm). Dù gieo cách nào thì khoảng tháng 1 năm sau là cây nảy mầm.
Để xử lý hạt giống trước khi bảo quản, dùng tay chà xát để loại bỏ phần thịt quả (làm nhẹ nhàng để tránh tổn thương đến vỏ hạt), rửa bằng nước sạch, để ráo, sau đó cho vào túi lưới (từ 500 - 1.000 hạt/túi) rồi cho vào thùng bảo quản.
Tri thức, kinh nghiệm gieo trên luống ươm: Vườn ươm chọn ở nơi có độ dốc vừa phải để thoát nước tốt, không bị ứ đọng nước khi mưa to, đất đủ ẩm, giàu mùn, sạch nguồn sâu bệnh gây hại. Hạt được gieo sâu khoảng 1cm, mật độ khoảng 200 - 300 hạt/m² đất. Không gieo hạt dính sát nhau, khoảng cách giữa các hạt khoảng 5cm, nếu quả có 2 hạt thì tách làm đôi trước khi gieo. Sau khi gieo xong rải một lớp lá khô, cỏ tranh trên mặt luống để giữ ẩm cho hạt, hạn chế cỏ dại, chống xói mòn... Trong quá trình lên luống gieo ươm, tùy địa hình mà bố trí kích thước luống phù hợp, không làm ảnh hưởng đến cây rừng và cây tái sinh.
Tri thức, kinh nghiệm gieo hạt trong khay: Để chăm sóc cây giống được hiệu quả, hạn chế các đối tượng dịch hại (có nguồn gốc trong đất) nên gieo hạt giống vào khay, xếp vào vườn ươm để chăm sóc. Nên sử dụng các loại khay, rổ,... được làm từ tre, gỗ để gieo hạt, không dùng các loại khay, rổ bằng nhựa, thùng xốp hay vật liệu công nghiệp khác dễ gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ tích lũy, bùng phát dịch bệnh gây hại cây giống. Trước tiên, đào đất bên ngoài, sàn đất cho sạch rồi ủ trong bao một thời gian mới dùng để gieo hạt. Cho giá thể sạch vào khay một lớp khoảng 8 - 10cm rồi gieo hạt, sau đó rải một lớp giá thể sạch dày 1cm để lấp hạt, rải một lớp lá khô hoặc cỏ tranh băm nhỏ trên mặt khay để giữ ẩm, ấm cho hạt, hạn chế cỏ dại. Gieo hạt xong không tưới mà lấy nước mưa tự nhiên để hạt nảy mầm.
Chăm sóc sau khi gieo hạt: Kinh nghiệm của bà con cho thấy cây sâm dù thích độ ẩm cao nhưng lại không chịu được úng nên sau khi gieo hạt không để vườn ươm bị đọng nước, ngập úng khi có mưa; đồng thời thường xuyên làm cỏ, tưới nước giữ ẩm cho cây. Để đảm bảo cây giống sinh trưởng phát triển thuận lợi, tránh những tác động bất lợi của thời tiết (mưa lớn, mưa đá, sương lạnh,...), dịch hại nên dùng các loại vải màn, tấm lợp,... che cho cây giống trong vườn ươm để đảm bảo độ che bóng khoảng 70 - 80%. Ngoài ra phải thường xuyên theo dõi nhằm phát hiện kịp thời những đối tượng dịch hại cây giống để có biện pháp quản lý hiệu quả. Chăm sóc cây giống trong vườn ươm đến khoảng tháng 7 - tháng 8 trong năm là có thể xuất vườn (cây giống 1 năm tuổi).
Tri thức, kinh nghiệm về sản xuất cây giống hai năm tuổi
Thông thường, cây con 1 năm tuổi là đủ điều kiện đưa ra trồng ở vườn sản xuất (dưới tán rừng). Tuy nhiên, để có hiệu quả cao hơn, hạn chế hao hụt sau trồng do gặp phải thời tiết bất lợi, dịch hại,... nên tiếp tục để trong vườn ươm đến 2 năm tuổi mới đưa ra vườn trồng. Thời vụ sản xuất cây giống 2 năm tuổi bắt đầu tháng 8 đến tháng 9.

Trước khi trồng, tiến hành phân loại, những cây không đạt tiêu chuẩn bố trí trồng riêng để tiện chăm sóc. Sau đó cắt bỏ phần thân, lá của cây, chỉ đem trồng phần củ. Khi cắt bỏ phần thân lá chừa lại một đoạn thân cách phần củ khoảng 1cm, không cắt sát củ, trồng vào khay hoặc trên luống. Trồng thẳng hàng và cách đều, hàng cách hàng 10 - 15cm, cây cách cây 10 - 15cm, sâu từ 1 - 1,5cm. Sau khi trồng xong rải một lớp mỏng lá cây khô đã được băm nhỏ lên bề mặt để giữ ẩm, hạn chế cỏ dại,...
Tri thức, kinh nghiệm trồng cây sâm Ngọc Linh
Chọn vườn, chuẩn bị điều kiện trồng: Trồng sâm Ngọc Linh ở dưới tán rừng có độ cao từ 1.500m - 2.000m, độ tàn che từ 0,7m trở lên, đất giàu mùn, đủ ẩm. Không trồng sâm Ngọc Linh tại vùng đỉnh của đồi dốc mà phải cách xa đỉnh của đồi dốc tối thiểu từ 30m trở lên. Định dạng luống trồng bằng gỗ, tre, nứa khai thác từ rừng sản xuất hoặc tận dụng tre, đá, sắp xếp tạo dạng luống trồng.
Mật độ, khoảng cách trồng: Do chỉ được sử dụng dưới 30% diện tích rừng để trồng sâm Ngọc Linh nên mật độ trồng từ 20.000 - 25.000 cây/ha. Khoảng cách trồng, hàng cách hàng từ 35cm - 40cm, cây cách cây từ 0,3m - 0,5m.
Đào hố, trồng: Chỉ trồng cạn ngay trên mặt đất cây sẽ phát triển tốt và an toàn hơn về sau này. Sau khi trồng xong, phủ một lớp lá khô lên mặt luống để tạo mùn, giữ ẩm, thêm dinh dưỡng cho đất, hạn chế cỏ dại, chống rửa trôi đất.
Tri thức, kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ cây sâm Ngọc Linh
Trong quá trình chăm sóc, bảo vệ cây sâm, cộng đồng có nhiều kinh nghiệm thể hiện sự chu đáo, kỹ lưỡng để cây được phát triển tốt nhất. Cây sâm sau khi được trồng thường xuyên theo dõi, làm cỏ trong luống trồng, không làm cỏ trong mùa mưa, nhất là giai đoạn cây ngủ đông để hạn chế rửa trôi, xói mòn đất và ảnh hưởng trực tiếp tới cây sâm. Đồng thời, phải thường xuyên theo dõi và có biện pháp chống trôi chảy lá cây rừng trên luống sâm để duy trì được tầng mùn tự nhiên, thường xuyên kiểm tra thu nhặt các cành cây khô gác lên mặt luống để không làm gãy cây sâm…
Đối với các loại côn trùng gây hại, biện pháp hiệu quả nhất là theo dõi thường xuyên và bắt/đuổi thủ công. Đối với tác hại gây ra bởi thời tiết thì có cách che chắn để bảo vệ, thậm chí trong đồng bào có nhiều hộ không che chắn để đảm bảo nguyên tắc giữ tính tự nhiên của cây sâm. Thuốc và phân hóa học là những loại hầu như không được đồng bào sử dụng trong khâu trồng và chăm sóc.
Việc bảo vệ các vườn sâm hết sức chặt chẽ, có sự tham gia quản lý chung của cộng đồng thông qua mô hình lập chốt bảo vệ. Mỗi chốt đều rào kín bằng lưới sắt B40 cao hơn 2m, chỉ có 1 lối vào và lối ra, cách cổng có một chốt bảo vệ nhằm chống trộm và tránh thú rừng. Trong chốt đều có phân công người trực 24/24. Một chốt đều bầu ra chốt trưởng, chốt phó. Việc đi vào vườn sâm phải được chốt trưởng, chốt phó và chủ vườn đồng ý. Khi vườn nào có nhu cầu bán sâm phải báo chốt trưởng, khi khai thác sâm cũng có người trong chốt chứng kiến để xác nhận sản phẩm xuất đi là thật hay giả… Đây là mô hình bảo vệ có tính riêng của người dân địa phương dựa trên ý thức, trách nhiệm chung của cả cộng đồng; thực tế đã mang lại hiệu quả rất tốt trong thời gian qua.
Tri thức, kinh nghiệm chế biến sâm Ngọc Linh
Truyền thống của người dân địa phương trước đây chủ yếu chế biến bằng cách ngâm rượu hoặc ngâm mật ong. Gần đây, sâm Ngọc Linh được chế biến thành một số sản phẩm đặc trưng khác như Trà sâm Ngọc Linh, rượu ngâm hoa sâm Ngọc Linh, ngoài ra còn có kẹo sâm Ngọc Linh, thức uống sâm Ngọc Linh, bánh quy kem sâm Ngọc Linh, yến chưng sâm Ngọc Linh, viên sủi tăng sức đề kháng từ sâm Ngọc Linh, bánh gạo lứt sâm Ngọc Linh, cao sâm Ngọc Linh,…
Gắn liền với cây sâm, với nghề trồng sâm Ngọc Linh là truyền thống đi rừng của đồng bào các dân tộc ở huyện Nam Trà My đã có hàng trăm năm nay. Trong quá trình thực hành nghề, cư dân địa phương vẫn duy trì một số kiêng cữ của những người làm rừng, gắn bó với nền nông nghiệp nương rẫy. Kế thừa tín ngưỡng truyền thống về thờ Thần Rừng, Thần Sâm của cộng đồng cư dân địa phương, vào năm 2020, đền thờ Thần Sâm đã được khánh thành tại 2, xã Trà Linh nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của cư dân. Bên cạnh đó, những phong tục tập quán trong việc đi rừng, thực hành một số nghề truyền thống hiện vẫn được đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương lưu truyền và áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt trong nghề trồng sâm. Cùng với đó, từ năm 2017, Lễ hội sâm Ngọc Linh được duy trì tổ chức vào đầu tháng 8 hằng năm đã trở thành một hoạt động văn hóa đặc sắc được cộng đồng cư dân Nam Trà My cũng như cư dân khắp nơi trong cả nước đón đợi. Phiên chợ sâm Ngọc Linh và hàng dược liệu đầu tiên cũng được tổ chức vào tháng 10/2017 đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương và người trồng sâm, đồng thời cũng đáp ứng được nhu cầu mua sâm, các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và nhiều sản vật địa phương của du khách.
Từ những giá trị tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh, gắn với những tập quán, lễ nghi truyền thống cùng bề dày lịch sử - văn hóa lâu đời của bao lớp cư dân ở huyện Nam Trà My, “Tri thức dân gian về sâm Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 1355/QĐ-BVHTTDL, ngày 14/5/2025. Đây là vinh dự, là niềm tự hào của chính quyền và cộng đồng địa phương, đồng thời là một trong những cơ sở tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, bảo lưu những tri thức, phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào gắn với trách nhiệm giữ gìn những cánh rừng nguyên sinh đầu nguồn quý giá của vùng rừng núi phía Nam của Quảng Nam, góp phần giữ vững an ninh, trật tự xã hội của địa phương trong thời gian đến.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/hieu-them-ve-tri-thuc-dan-gian-ve-sam-ngoc-linh-o-huyen-nam-tra-my-3155045.html
Bình luận (0)