Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Học Bác từ những vần thơ lay động lòng người

Chất 'thép' và chất 'tình' trong thơ cũng như phong cách sống chuẩn mực, nghiêm túc, giữ gìn đạo đức cách mạng của Bác Hồ luôn đi liền nhau xuyên suốt cuộc đời.

Báo Hải DươngBáo Hải Dương18/05/2025

Đọc thơ Bác

Ngục tối, trái tim càng cháy lửa
Xích xiềng không khóa nổi lời ca
Trăm sông nghìn núi chân không ngã
Yêu nước yêu người yêu cỏ hoa.

Đọc lời thơ Bác tâm hồn Bác
Một tấm gương trong chẳng bụi mờ
Bóng cây đại thụ trùm xanh mát
Cánh rộng chim bằng bay tự do.

Tự do! Gươm súng nào ngăn được
Biển rộng sông dài ý chí cao
Thân ở trong tù, lòng ở Nước
Bay quanh hồn mộng ánh vàng sao.

Khi chim rừng ca rộn núi
Khi nhìn khóm chuối ánh trăng soi
Lao lung vẫn giữ lòng thư thái
Nắm chắc trong tay cả cuộc đời.

Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác, vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

5-1960


HOÀNG TRUNG THÔNG

Hoàng Trung Thông là nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Cách mạng Việt Nam. Thơ Hoàng Trung Thông nhẹ nhàng, trong sáng, pha chút thâm trầm. Ông có các tác phẩm chính như: Đường chúng ta đi (1960), Những cánh buồm (1964), Mời trăng (1992)…

Trong thời gian nghiên cứu tập thơ Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù) của Hồ Chí Minh, nhà thơ Hoàng Trung Thông đã thể hiện cảm xúc của mình qua bài thơ Đọc thơ Bác giàu sức khái quát. Đọc thơ Bác, trích từ tập thơ Đường chúng ta đi (1960) cho đến nay vẫn được xem là tác phẩm có sức lay động lớn đến nhiều thế hệ độc giả yêu thơ.

Khi đọc tập thơ Nhật ký trong tù, thi sĩ đã không kìm nén được xúc động. Sự xúc động ấy được đánh thức từ những gì mà Bác phải trải qua và vượt lên mạnh mẽ. Trong ngục tối của sự tù đày, kìm kẹp, trái tim Người “càng cháy lửa”, càng cất cao lời ca và khát vọng “độc lập cho Tổ quốc tôi, tự do cho đồng bào tôi”. Vì thế, không có gian khổ nào có thể chuyển lay, không có nguy nan nào làm Người ngã gục. Nhà thơ Hoàng Trung Thông học Bác ở ý chí kiên cường, tấm lòng yêu nước, yêu thương con người và một tình yêu thiên nhiên thiết tha, mãnh liệt. Vậy nên bốn câu thơ mở đầu của tác phẩm cũng chính là sự khơi mở khái quát cho toàn bộ vẻ đẹp tâm hồn Bác xuyên suốt tập thơ:

Ngục tối, trái tim càng cháy lửa
Xiềng xích không khóa nổi lời ca
Trăm sông nghìn núi chân không ngã
Yêu nước, yêu người, yêu cỏ hoa.

Bằng thể thơ bảy tiếng, giọng điệu rắn rỏi, chắc khỏe, Hoàng Trung Thông đã chuyển đến người đọc một thông điệp tư tưởng mà bản thân mình đã rút ra trong quá trình học tập, nghiên cứu thơ văn của Bác, đặc biệt là tập Nhật ký trong tù. Trái tim cháy lửa vì nỗi khát khao độc lập, tự do ấy đã khiến cho bao nguy nan nơi tù ngục không thể sờn lòng, bao khó khăn trên cuộc đời này không hề nao núng.

Sau khổ thơ mở đầu mang tính khái quát về thơ Bác, nhà thơ chuyển mạch cảm xúc sang cảm nhận cụ thể hơn ở vẻ đẹp sáng trong, niềm khát khao tự do mãnh liệt trong tâm hồn Bác. Cuộc đời Người như “tấm gương trong chẳng bụi mờ”, như dòng sông “gương sáng” phản chiếu trong ngày đầu tiên khi Bác “mới ra tù, tập leo núi”. Ba hình ảnh ẩn dụ liên tiếp trong khổ thơ thứ hai là tấm gương trong, bóng cây đại thụ, chim bằng có sức mạnh nghệ thuật to lớn khi nhà thơ biểu đạt vẻ đẹp tâm hồn Bác:

Đọc lời thơ Bác tâm hồn Bác
Một tấm gương trong chẳng bụi mờ
Bóng cây đại thụ trùm xanh mát
Cánh rộng chim bằng bay tự do.

Như để nhấn mạnh hơn về giá trị tư tưởng của tập thơ Nhật ký trong tù, đồng thời giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn niềm ham muốn tột bậc của Người, Hoàng Trung Thông đã dành khổ thơ thứ ba để khắc họa đậm nét khát vọng tự do, ý chí kiên cường tỏa ra từ tâm hồn Bác. Tự do của Người không có “gươm súng nào ngăn được”, ý chí của Người như “biển rộng sông dài”. Tuy thân ở trong tù mà hồn vẫn hướng về cố quốc với ánh sao vàng năm cánh trong mơ.

Tự do! Gươm súng nào ngăn được
Biển rộng sông dài ý chí cao
Thân ở trong tù, lòng ở Nước
Bay quanh hồn mộng ánh vàng sao.

Tình yêu thiên nhiên, lòng yêu đời và tinh thần lạc quan cách mạng là những nét đẹp cao quý của tâm hồn Bác trong thơ. Đọc thơ Bác, đặc biệt là tập Nhật ký trong tù, chúng ta làm sao quên được các thi phẩm Trên đường đi, Đêm lạnh, Ngắm trăng… đã thể hiện sâu sắc điều ấy. Giữa chốn lao tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nắm chắc quy luật cuộc đời “hết mưa là nắng hửng lên thôi” nên vẫn giữ tinh thần ung dung, thư thái. Có được tinh thần “thép” và cái tình sáng trong lan tỏa rộng lớn dường kia chỉ có thể là nhà cách mạng, nhà yêu nước Hồ Chí Minh vậy:

Khi lắng chim rừng ca rộn núi
Khi nhìn khóm chuối ánh trăng soi
Lao lung vẫn giữ lòng thư thái
Nắm chắc trong tay cả cuộc đời.

Tác phẩm khép lại bằng khổ thơ cuối bài giàu giá trị tư tưởng, biểu đạt nhất quán vẻ đẹp trong thơ và tâm hồn Bác giữa cuộc đời. Đó cũng chính là sự đánh giá của nhà thơ Hoàng Trung Thông về tập thơ Nhật ký trong tù.

Thơ Bác “đẹp” bởi giúp cho mỗi chúng ta rèn luyện thêm đạo đức của người cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước, khát vọng tự do và tinh thần kiên cường trước gian lao, thử thách. Bài thơ nào trong Nhật ký trong tù cũng có nét đẹp riêng nhưng vẫn trên tinh thần chung tỏa ra từ một tâm hồn và nhân cách vĩ đại Hồ Chí Minh:

Tôi đọc trăm bài trăm ý đẹp
Ánh đèn tỏa rạng mái đầu xanh
Vần thơ của Bác, vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình.

Quả vậy, chất “thép” và chất “tình” trong thơ cũng như phong cách sống chuẩn mực, nghiêm túc, giữ gìn đạo đức cách mạng của Bác luôn đi liền nhau xuyên suốt cuộc đời.

Đọc thơ Bác là bài thơ giàu sức khái quát, tổng hợp từ những cảm nhận của một nhà thơ cách mạng suốt đời đã sống, chiến đấu và học tập theo gương Bác. Từ tập thơ Nhật ký trong tù được Người sáng tác trong hoàn cảnh lao tù tăm tối, qua sự đánh giá để khơi mở các giá trị bổ ích từ thi sĩ Hoàng Trung Thông, chúng ta càng cảm nhận sâu sắc hơn những bài học thật ý nghĩa, những vẻ đẹp cao quý tỏa ra từ tư tưởng và nhân cách Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc Việt Nam.

LÊ THÀNH VĂN

Nguồn: https://baohaiduong.vn/hoc-bac-tu-nhung-van-tho-lay-dong-long-nguoi-411462.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập
Nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm