NHIỀU TRƯỜNG THỰC HIỆN TỰ CHỦ NĂM HỌC 2025 - 2026
Sau khi Nghị quyết 77 của Chính phủ (về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập giai đoạn 2014 - 2017) được ban hành cuối năm 2014, đã có những cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động (thí điểm tự chủ). Đến hết năm 2017, có 23 trường công lập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án cho phép thí điểm cơ chế tự chủ. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, cả nước có tổng cộng 141/232 trường ĐH đủ điều kiện tự chủ theo quy định tại luật Giáo dục ĐH. Các trường còn lại chưa đủ điều kiện do nhiều nguyên nhân.
Đến đầu năm 2024, Bộ Nội vụ có văn bản về việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD-ĐT. Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Đáng chú ý trong văn bản này là phương án sắp xếp và nâng cao mức độ tự chủ về tài chính với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo thống kê, đầu năm 2024, Bộ GD-ĐT có 61 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó 3 đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, 47 đơn vị thuộc bộ, 4 đơn vị văn phòng thuộc bộ và 7 đơn vị thuộc các cục. Theo phương án đề xuất sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập đã báo cáo, Bộ GD-ĐT có trách nhiệm sắp xếp và thu gọn 6 đơn vị sự nghiệp công lập.
Về nâng cao mức độ tự chủ về tài chính, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng và thực hiện lộ trình tự chủ về tài chính. Trong đó, với đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, văn phòng thuộc bộ hoàn thành trong quý 1/2024. Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ cần xây dựng đề án sắp xếp, tổ chức lại, trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định và hoàn thành trong năm 2024.
Sinh viên Trường ĐH Đà Lạt. Đây là một trong những trường sẽ thực hiện tự chủ trong thời gian tới
ẢNH: BÁ DUY
Theo phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD-ĐT, đến hết năm 2025 có 24 cơ sở giáo dục ĐH cần thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính, từ mức đảm bảo chi thường xuyên trở lên. Cụ thể gồm các ĐH: Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên; các trường ĐH gồm: Việt Đức, Đà Lạt, Đồng Tháp, Giao thông vận tải, Kiên Giang, Mỏ - Địa chất, Mỹ thuật công nghiệp, Nha Trang, Nông lâm TP.HCM, Quy Nhơn, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm Hà Nội 2, Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, Sư phạm Nghệ thuật T.Ư, Sư phạm TP.HCM, Sư phạm TDTT Hà Nội, Sư phạm TDTT TP.HCM, Tây Bắc, Tây nguyên, Vinh, Xây dựng. Không chỉ các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD-ĐT, các cơ sở đào tạo thuộc bộ ngành khác và địa phương cũng có lộ trình thực hiện tự chủ tương tự.
Đến thời điểm này, nhiều trường trong số nói trên đã và đang trong lộ trình thực hiện tự chủ từng phần hoặc tiến tới tự chủ toàn bộ. Tiến sĩ Quách Hoài Nam, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Nha Trang, cho biết hiện nay trường đã trình phương án tự chủ tài chính giai đoạn 3 năm (2026 - 2028) cho Bộ GD-ĐT. Theo đó, trường bắt đầu chuyển sang tự chủ tài chính nhóm 2 (tự chủ chi thường xuyên) bắt đầu từ năm 2026. Theo lộ trình này, tạm thời học kỳ 1 năm học 2025 - 2026 trường vẫn thực hiện như đơn vị chưa tự chủ chi thường xuyên, từ năm 2026 chờ hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Chính phủ.
Ông Vũ Tuấn Anh, Trưởng phòng Tài chính Trường ĐH Đà Lạt, cũng cho hay trường hiện đang trong giai đoạn tự chủ một phần chi thường xuyên. Cụ thể, theo Nghị định 60 (quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập), trường đang ở mức 3 với khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên trong khoảng 90 đến dưới 100%. Theo phương án xây dựng lộ trình tự chủ giai đoạn tới, trường dự kiến đến năm 2028 có thể đạt 100% mức tự chủ chi thường xuyên. Với lộ trình này, năm học 2025 - 2026 trường xây dựng khung học phí bám theo Nghị định 97 áp dụng cho nhóm trường chưa tự chủ.
HỌC PHÍ NGÀNH SƯ PHẠM SAU KHI THỰC HIỆN TỰ CHỦ
Mới đây, Trường ĐH An Giang công bố thông tin về cơ chế tài chính và phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2026 - 2030. Đến thời điểm này, đây là trường ĐH thành viên cuối cùng của hệ thống ĐH Quốc gia TP.HCM chuyển sang thực hiện tự chủ.
Chia sẻ với PV Báo Thanh Niên, PGS-TS Võ Văn Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang, cho biết trường dự kiến sẽ tự chủ chi thường xuyên vào năm 2026. Tuy nhiên, trong năm đầu tự chủ, nhà trường chỉ bắt đầu thí điểm tăng học phí đối với 4 ngành đã được đánh giá kiểm định theo tiêu chuẩn AUN. Các ngành sư phạm và các ngành ngoài sư phạm khác trong năm 2026 vẫn giữ mức học phí theo quy định. Bắt đầu từ năm học 2026 - 2027 (tức vào cuối năm tài chính 2026 và đầu năm tài chính 2027), trường sẽ tiến hành tăng học phí đồng loạt đối với tất cả các ngành nhằm đảm bảo nguồn tài chính cho lộ trình tự chủ của trường. Cụ thể, các ngành có mức tăng từ mức 1,8 lần so với quy định, riêng các ngành sư phạm tăng 1,2 lần so với quy định. Từ năm học 2027 - 2028 trở về sau, mức tăng bình quân từ 15 - 20%/năm và có thể điều chỉnh mức tăng nhằm phù hợp với chiến lược phát triển của ĐH Quốc gia TP.HCM và có sự so sánh, cạnh tranh với các trường ĐH lớn ở khu vực ĐBSCL.
Sinh viên sư phạm trong một giờ học
ảnh: Nhật Thịnh
Về tác động của việc tăng học phí đối với sinh viên sư phạm, PGS-TS Võ Văn Thắng thông tin: "Trường vẫn áp dụng mức tăng theo quy định, cao nhất là 20% ở năm đầu và bình quân từ 15% ở những năm tiếp theo. Theo lộ trình tự chủ giai đoạn 2026 - 2030, trường sẽ có sự điều chỉnh cho phù hợp với quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM và quy định của nhà nước". Do đó, PGS Thắng khẳng định: "Sinh viên sư phạm không bị ảnh hưởng đáng kể từ việc tự chủ của nhà trường. Đối với sinh viên các ngành ngoài sư phạm, sẽ có sự gia tăng học phí đáng kể từ năm học 2026 - 2027. Tuy nhiên, những năm học tiếp theo lộ trình tự chủ giai đoạn 2026 - 2030 trường sẽ giữ mức tăng ổn định, nhằm đảm bảo tự chủ và có sự cạnh tranh với các trường ĐH có uy tín". "Hiện tại cũng như những năm sắp tới, học phí của Trường ĐH An Giang có thể bằng hoặc thấp hơn một số trường có uy tín của khu vực tùy ngành", Hiệu trưởng Trường ĐH An Giang nói thêm.
Trong khi đó, tiến sĩ Nguyễn Kế Bình, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM, cho biết trường hiện đã tự chủ chi thường xuyên và có lộ trình thực hiện tự chủ cả chi thường xuyên và chi đầu tư vào năm học 2025 - 2026. Trong nhiều sự thay đổi khi bước sang giai đoạn tự chủ toàn bộ, có lộ trình tăng học phí. "Tuy nhiên, sinh viên học sư phạm có hưởng chế độ theo Nghị định 116, sẽ không bị tác động về chính sách tăng học phí. Nhưng 2 ngành mới ngoài sư phạm (huấn luyện thể thao và quản lý thể dục thể thao) trường bắt đầu tuyển sinh trong năm học tới, sẽ có mức thu học phí phù hợp với mức độ tự chủ theo Nghị định 97", tiến sĩ Bình thông tin.
Trường ĐH Sài Gòn dự kiến tăng học phí khoảng 50% các ngành không đào tạo giáo viên
Trường ĐH Sài Gòn đã công bố mức học phí dự kiến năm học 2025 - 2026 theo đề án tự chủ đang trình UBND TP.HCM phê duyệt. Theo đề án, học phí nhóm ngành đào tạo giáo viên vẫn áp dụng theo Nghị định 97/2023/NĐ-CP ngày 31.12.2023 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, học phí dự kiến toàn khóa với các ngành đào tạo giáo viên trên 73,7 triệu đồng/khóa (khoảng 18,4 triệu đồng/năm áp dụng với khóa học 4 năm). Các ngành thuộc nhóm đào tạo giáo viên được thực hiện chính sách hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Học phí các ngành không đào tạo giáo viên dự kiến tăng khoảng 50% tùy theo ngành học (đã gồm lộ trình tăng học phí từng năm học). Cụ thể, chương trình đại trà học phí toàn khóa dự kiến từ 92,8 - 150 triệu đồng/khóa (khoảng 23,2 - 37,5 triệu đồng/năm); Chương trình chất lượng cao từ 143,8 - 193,4 triệu đồng/khóa (khoảng 36 - 48 triệu đồng/năm).
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-phi-nganh-su-pham-co-thay-doi-khi-truong-chuyen-sang-tu-chu-185250507190856887.htm
Bình luận (0)