Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Học sinh lớp 12 và những nỗi lo trước kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều thay đổi

(Baothanhhoa.vn) - Chỉ còn hơn một tháng nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ chính thức diễn ra. Với học sinh lớp 12, đây không chỉ là kỳ thi đánh dấu sự kết thúc của 12 năm đèn sách, mà còn là bước ngoặt quan trọng quyết định con đường tương lai. Tuy nhiên, phía sau những nỗ lực ôn luyện miệt mài là vô vàn áp lực, lo âu đang đè nặng lên vai các sĩ tử.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa25/05/2025

Học sinh lớp 12 và những nỗi lo trước kỳ thi tốt nghiệp THPT nhiều thay đổi

Học sinh lớp 12, Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa đang tích cực ôn thi trong giai đoạn “nước rút” của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đánh dấu nhiều điểm mới so với các năm trước. Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với thí sinh theo chương trình mới, kỳ thi năm nay sẽ diễn ra trong hai ngày 26 và 27/6, với ba buổi thi, giảm một buổi so với năm 2024. Ba buổi thi sẽ bao gồm các môn: Ngữ văn (120 phút), Toán (90 phút) và một bài thi tự chọn gồm 2 môn (mỗi môn 50 phút). Đối với thí sinh theo chương trình cũ sẽ thi 5 bài thi: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp (khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội). Ngoài ra, tỷ lệ xét tốt nghiệp cũng có sự điều chỉnh, với 50% điểm học bạ và 50% điểm thi. Điểm khuyến khích từ chứng chỉ nghề bị loại bỏ và chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không còn được quy đổi thành điểm 10. Những thay đổi này buộc học sinh phải nhanh chóng thích ứng, đồng thời gia tăng áp lực trong việc ôn luyện và chuẩn bị cho kỳ thi.

Em Mai Anh (phường Điện Biên, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Kỳ thi năm nay có nhiều sự thay đổi lớn nên lượng kiến thức mà em phải ôn tập cũng nhiều hơn buộc em phải liên tục thay đổi phương pháp học. Trước đó vì mong muốn sẽ được quy đổi điểm Tiếng Anh thành 10 điểm như các năm trước nên em đã đầu tư rất nhiều thời gian để học và thi chứng chỉ IELTS nhưng giờ với quy định mới, em phải tập trung ôn thi đều các môn. Ngày nào em cũng học đến 12 giờ đêm, thậm chí có hôm đến 1 giờ sáng khiến em khá căng thẳng”. Bên cạnh đó, với việc giảm số buổi thi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và sự công bằng trong đánh giá, học sinh phải đối mặt với khối lượng kiến thức lớn trong thời gian ngắn. Nhiều em phải tham gia hàng loạt kỳ thi thử, thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các trường đại học tổ chức.

Trước những sự thay đổi lớn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hóa), cho biết: "Năm nay công tác ôn thi cho học sinh lớp 12 có nhiều thay đổi. Thứ nhất là, nhà trường phải thực hiện theo Thông tư 29, các môn chỉ được dạy 2 tiết/tuần vì thế các em sẽ khó để hiểu sâu kiến thức được học, cho nên nhà trường đã vận động các thầy cô trong trường dạy miễn phí cho học sinh và bổ sung thêm kiến thức cho những học sinh còn yếu. Thứ hai là, ngay khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cấu trúc đề thi mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Trường THPT Hàm Rồng đã nhanh chóng cho học sinh tiếp cận, làm quen với đề thi từ sớm và sẽ triển khai ôn tập cho đến sát ngày thi".

Không chỉ thay đổi trong quy chế thi mà năm nay, đề thi tốt nghiệp THPT cũng có nhiều điểm mới. Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 sẽ không đơn thuần là cuộc kiểm tra kiến thức sách vở mà chuyển mạnh sang đánh giá năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đề thi sẽ tăng cường các câu hỏi gắn liền với những tình huống cụ thể trong cuộc sống, khoa học, xã hội... từ đó giúp thí sinh nhận ra giá trị ứng dụng của tri thức, thay vì học thuộc một cách rập khuôn. Việc học và thi trở thành hành trình khám phá và hiểu sâu, chứ không còn là “cuộc chạy đua điểm số” nặng nề. Bên cạnh đó, tỷ lệ câu hỏi ở mức độ “vận dụng” và “vận dụng cao" tăng lên, trong đó khoảng 30% câu hỏi yêu cầu thí sinh phải biết phân tích, lập luận, giải quyết vấn đề thực tế. Với môn Ngữ văn, đề thi năm nay có thể sử dụng các văn bản ngoài sách giáo khoa, đòi hỏi học sinh phải có kỹ năng đọc hiểu tốt và tư duy linh hoạt.

Với học sinh lớp 12 năm nay, áp lực học tập không chỉ dừng lại ở khối lượng kiến thức mà còn phải làm quen với cấu trúc đề thi mới, thay đổi phương pháp học hoàn toàn mới trong một thời gian khá ngắn. Bạn Đăng Khôi (phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa) chia sẻ: “Điều em lo lắng nhất là những câu hỏi ở mức độ “vận dụng” và “vận dụng cao”. Những câu hỏi này hoàn toàn mới và không thể đoán hay ôn tập “tủ” trước nên đòi hỏi em phải ôn luyện kỹ hơn rất nhiều so với trước đây. Phần trắc nghiệm đúng sai cũng khiến em lo lắng vì 4 câu hỏi có 16 ý, nếu em làm sai mỗi câu 1 ý thì sẽ mất tới 2 điểm". Cô Lê Thị Hồng Hạnh, giáo viên Toán, Trường THPT Hàm Rồng, cho biết: "Năm nay với cấu trúc đề thi mới này, theo tôi thấy các thí sinh sẽ khó đạt được điểm cao. Các năm trước, trong các đợt thi thử do trường tổ chức thì số lượng học sinh đạt điểm 6 và dưới 6 khá ít nhưng năm nay thì số lượng các em đạt mức điểm này đã tăng nhiều hơn. Vì thế để giúp các em yên tâm trong kỳ thi quan trọng sắp tới, chúng tôi đang tích cực ôn thi và đồng thời cũng giúp các em ổn định tâm lý, tránh việc lo lắng quá mức sẽ ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi. Đặc biệt, chúng tôi cho các em học sinh ôn rất kỹ và nắm chắc các kiến thức, lý thuyết, dạng bài cơ bản sau đó mới hướng đến các dạng bài nâng cao cho các em để hạn chế sai sót trong quá trình thi".

Ngoài áp lực học tập, nhiều học sinh còn phải gánh chịu kỳ vọng lớn từ gia đình và xã hội. Việc so sánh với bạn bè, áp lực phải vào được trường đại học danh tiếng hay ngành học “hot” khiến nhiều em cảm thấy mệt mỏi và lo lắng. Những câu nói quen thuộc: “Con thi thử được mấy điểm? Điểm lần này sao thấp vậy? Bạn A thi thử vừa rồi được điểm cao lắm đấy!” – tưởng như vô hại nhưng lại là mũi dao vô hình khiến nhiều em mất tự tin. Đặc biệt, áp lực càng nặng nề hơn khi nhiều gia đình có những định hướng cho con đỗ vào những đại học công lập, ngành “hot”, trường “top đầu”. Có những em dù có đam mê và nguyện vọng riêng nhưng buộc phải từ bỏ trước những định hướng của cha mẹ. Cha mẹ định hướng con mình đến những ngôi trường tốt, đến những ngành nghề đang rộng mở là không sai nhưng việc định hướng cần dựa trên sự hiểu con, lắng nghe và tôn trọng lựa chọn cá nhân của con. Chị Nguyễn Thị Hồng (phường Ngọc Trạo, TP Thanh Hóa) có con học lớp 12 đang ôn thi cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới chia sẻ: "Tôi thấy con năm nay học vất vả hơn hẳn những năm trước nên gia đình cũng động viên con cố gắng học tập và giữ gìn sức khỏe. Dù cũng rất lo lắng cho kết quả thi sắp tới của con nhưng tôi cũng không quá đặt áp lực nặng nề với con, chia sẻ với con rằng chỉ cần con cố gắng hết sức là được".

Chỉ còn hơn một tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 chính thức diễn ra. Đây là thời điểm quan trọng, đòi hỏi học sinh lớp 12 phải có chiến lược học tập hợp lý để đạt kết quả cao trong kỳ thi có tính chất quyết định bước ngoặt cuộc đời. Cô Phạm Thị Lịch, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa), cho biết: "Giai đoạn cuối cấp luôn là khoảng thời gian đầy áp lực đối với các em học sinh lớp 12. Để hỗ trợ các em đạt kết quả tốt trong kỳ thi sắp tới, chúng tôi luôn xác định mình không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người định hướng, người bạn đồng hành cùng các em trong chặng đường quan trọng này. Cụ thể, trong suốt thời gian qua, chúng tôi đã tư vấn, giúp các em lựa chọn nguyện vọng ngành nghề phù hợp năng lực bản thân và xu thế thời đại, sắp xếp thời gian biểu hợp lý, phối hợp tốt với phụ huynh chăm lo sức khỏe thể chất và tinh thần cho các em, đặc biệt trong giai đoạn ôn thi nước rút". Ở giai đoạn này, học sinh cần tập trung vào việc hệ thống hóa kiến thức thay vì học dàn trải. Bên cạnh đó, việc duy trì sức khỏe tốt, tinh thần tích cực, tránh so sánh điểm số với bạn bè và tin tưởng vào bản thân là điều vô cùng cần thiết. Đặc biệt, gia đình và nhà trường cần trở thành “bệ đỡ” vững chắc cho học sinh, tạo môi trường học tập lành mạnh, giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy học sinh phát triển toàn diện. Trong hành trình vượt “cửa ải” thi cử, điều các em cần nhất không phải là sự thúc ép, mà là niềm tin, sự đồng hành và một tinh thần tích cực để vững vàng vượt qua thử thách.

Bài và ảnh: Phương Đỗ

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/hoc-sinh-lop-12-va-nhung-noi-lo-truoc-nbsp-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nhieu-thay-doi-249875.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cát Bà - bản giao hưởng của mùa hè
Đi tìm Tây Bắc cho riêng mình
Ngắm “cổng nhà trời” Pù Luông - Thanh Hoá
Lễ thượng cờ rủ Quốc tang nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương dưới mưa

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm