Đề thi thử môn ngữ văn của Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1, TP.HCM), theo như nhận xét của nhóm học sinh lớp 12A3 trường này, gắn kết chủ đề xã hội và thời sự, khơi gợi cảm xúc tự hào. Trong đó, Phần đọc hiểu sử dụng văn bản thơ "Nơi tôi sinh - Hoàng Sa" của tác giả Nguyễn Trọng Văn, nói về tình cảm gắn bó với biển đảo, qua hình ảnh người con sinh ra ở Hoàng Sa. Các câu hỏi yêu cầu học sinh phân tích hình ảnh thơ và cảm xúc trữ tình gợi nhắc đến chủ quyền quốc gia, tình yêu quê hương từ góc nhìn cá nhân.
Nhen lên một ngọn lửa khát khao đóng góp, yêu thương và sống đẹp
Phần nghị luận xã hội được dẫn dắt bằng một trích đoạn trong ca khúc "Viết tiếp câu chuyện hòa bình" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đặt ra vấn đề: "Người trẻ cần phải làm gì để viết tiếp câu chuyện hòa bình?". Đây là một câu hỏi mở, khuyến khích học sinh bày tỏ quan điểm cá nhân gắn với các giá trị nhân văn và trách nhiệm công dân.
Chia sẻ với phóng viên Thanh Niên lý do chọn chủ đề "Viết tiếp câu chuyện hòa bình", giáo viên Đỗ Đức Anh, người phụ trách biên soạn đề thi thử tốt nghiệp THPT môn ngữ văn của Trường THPT Bùi Thị Xuân, nói: "Tôi tin rằng hòa bình không chỉ là một cụm từ khô cứng xuất hiện trong sách giáo khoa hay những bài học lịch sử. Nó là nhịp đập trong lòng mỗi người Việt Nam, là mạch nguồn chảy qua biết bao thế hệ đã ngã xuống và cũng là niềm hy vọng cháy bỏng trong từng trái tim người trẻ hôm nay".
"Khi tôi nghe những ca từ trong bài hát 'Viết tiếp câu chuyện hòa bình', những giai điệu cất lên từ trái tim một nhạc sĩ trẻ, hàng triệu bạn trẻ trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày đất nước thống nhất, tôi thực sự xúc động. Và tôi chợt nghĩ: Phải chăng đây chính là cách mà người trẻ hôm nay đang viết tiếp câu chuyện hòa bình, không chỉ bằng sách vở, mà bằng âm nhạc, bằng đam mê, bằng chính những hành động đầy yêu thương giữa đời thường?", giáo viên Đỗ Đức Anh cho hay.
Thầy Đức Anh chia sẻ: "Đề thi này ra đời từ khát khao ấy. Tôi muốn các em học sinh không chỉ nhớ về lịch sử bằng lòng biết ơn, mà còn thấy được vai trò của mình trong việc làm cho đất nước tốt đẹp hơn, để hòa bình không chỉ là ký ức, mà là một điều gì đó rất sống động, rất thực, được tiếp nối mỗi ngày qua từng nỗ lực nhỏ nhất".
Giáo viên biên soạn đề thi môn ngữ văn cho rằng, chọn chủ đề này, bởi tin vào thế hệ trẻ. "Với tình yêu thương, với khát vọng sáng tạo, với niềm tin vào giá trị tốt đẹp, các em sẽ biết cách viết tiếp câu chuyện hòa bình ấy bằng trái tim nóng và bàn tay hành động", thầy Đức Anh chia sẻ.
"Chọn đề này, tôi cũng muốn gửi đến các em một thông điệp lặng thầm: Các em không chỉ là thế hệ của hôm nay. Các em là người viết tiếp ước mơ của những người đã đi trước, là những trang mới trong cuốn sách dài mang tên Tổ quốc Việt Nam.
Và tôi hy vọng, sau khi làm đề này, dù chỉ là vài trăm chữ trên trang giấy thi, trong lòng các em sẽ nhen lên một ngọn lửa khát khao đóng góp, yêu thương và sống đẹp, để câu chuyện hòa bình mãi mãi được tiếp nối", thầy Đức Anh nhắn gửi.
Với đề thi thử môn ngữ văn này, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Bùi Thị Xuân, nói rằng các thầy cô đã không chọn những dạng đề an toàn, lặp lại, mà dám đi vào vùng "giáo dục cảm xúc", nơi những rung động chân thành có thể gieo mầm cho nhân cách, lý tưởng, và hành vi đạo đức. Khi học sinh ngồi trước đề thi thử tốt nghiệp THPT và tự hỏi: "Hòa bình hôm nay đến từ đâu?", "Nếu không có chiến tranh, thì mình cần sống như thế nào để giữ gìn hòa bình ấy?", đó là lúc các em đang trưởng thành trong suy nghĩ, đang học cách yêu nước không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động thiết thực và đời thường nhất.
Vị hiệu trưởng này nói, giáo dục không chỉ là dạy kiến thức, mà là dạy người. Và đôi khi, việc gieo một mầm lý tưởng sống lại bắt đầu từ chính một bài kiểm tra tưởng chừng rất bình thường.
Đừng "sợ hãi" với đề mở
Được biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra vào tháng 6 là kỳ thi đầu tiên áp dụng theo Chương trình GDPT 2018 với nhiều thay đổi về cấu trúc đề thi. Trong đó, môn ngữ văn sẽ không sử dụng ngữ liệu trong sách giáo khoa. Việc các trường tổ chức thi thử cũng là cách để học sinh lớp 12 làm quen với cấu trúc và định dạng của đề thi mới.
Vì vậy, việc sử dụng ngữ liệu là ca từ cũng là cách để học sinh tiếp cận với dạng đề mở, ngữ liệu mới. Do đó, thầy Đức Anh đưa ra lời khuyên: "Các em đừng vội sợ hãi hay lo lắng. Hãy coi đó như một cơ hội được lắng nghe một câu chuyện, được sống trong những xúc cảm, và được bày tỏ chính mình.
Đầu tiên, hãy đọc kỹ ngữ liệu, không chỉ để hiểu nghĩa, mà để cảm nhận tinh thần, thông điệp ẩn sâu trong từng câu chữ. Đề bài là "chìa khóa", nhưng ngữ liệu mới chính là "cánh cửa" dẫn lối cho suy nghĩ của các em.
Khi viết, đừng quá chú trọng vào việc "trả bài" hay "hợp khuôn", hãy viết bằng trái tim mình, bằng trải nghiệm của bản thân. Hãy để bài viết của các em không chỉ là những câu chữ trên giấy, mà là tiếng nói của một người trẻ đang sống trong thời đại này, biết ơn quá khứ, yêu thương hiện tại, và khát khao dựng xây tương lai.
Và cuối cùng, nhớ rằng: Một bài văn hay không nằm ở những câu cú trau chuốt nhất, mà ở cảm xúc chân thành nhất. Hãy để trái tim mình lên tiếng trên trang giấy".
Nguồn: https://thanhnien.vn/hoc-sinh-xuc-dong-khi-viet-tiep-cau-chuyen-hoa-binh-vao-de-thi-thu-tot-nghiep-185250527173952788.htm
Bình luận (0)