Dạy và học hiệu quả hơn nhờ "sức mạnh" công nghệ
Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ, công nghệ đã trở thành một nhân tố then chốt giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Việc ứng dụng hiệu quả các công nghệ mới không chỉ đổi mới phương pháp giảng dạy mà còn mở ra cơ hội học tập rộng lớn, linh hoạt hơn cho người học.
Thay vì phương pháp giảng dạy truyền thống chỉ sử dụng sách giáo khoa và bảng đen, giáo viên ngày nay đã sử dụng nhiều công cụ công nghệ như bảng tương tác, phần mềm dạy học trực tuyến, trí tuệ nhân tạo (AI)... Điều này không chỉ giúp bài giảng trở nên hấp dẫn, sống động hơn mà còn kích thích khả năng tư duy, sáng tạo và sự tương tác của học sinh trong mỗi tiết học.
Theo ghi nhận của PV tại Trường THPT Trần Phú (Vĩnh Yên), việc ứng dụng công nghệ trong giảng dạy đã và đang tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong cả chất lượng và hình thức học tập.
Cô Nguyễn Thị Bích Ngọc, giáo viên của trường cho biết: “Công nghệ số không chỉ giúp học sinh dễ dàng tiếp cận kiến thức mới mà còn hỗ trợ các em chủ động khai thác thông tin đa chiều từ nhiều nguồn khác nhau”.
Cô Bích Ngọc chia sẻ thêm, các ứng dụng công nghệ như Azota và Quizizz đã được triển khai hiệu quả, thiết thực trong việc giao bài tập, đánh giá học sinh. Những công cụ này cung cấp phản hồi đáp án tức thì, giúp học sinh tự đánh giá kết quả học tập, đồng thời tạo thuận lợi để giáo viên quản lý, theo dõi quá trình học tập một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó thúc đẩy tinh thần tự giác học tập và rèn luyện của học sinh.
Các phần mềm tương tác trong các hoạt động ngoại khóa tại trường cũng góp phần tăng tính tương tác, kích thích sự chủ động, hứng thú của học sinh.
Em Nguyễn Hồng Quân, học sinh Trường THPT Trần Phú bày tỏ: “Em rất thích học phần mềm Quizizz. Khi trả lời các câu hỏi qua ứng dụng này, em cảm thấy hứng thú hơn so với việc chỉ nghe giảng và ghi chép thông thường. Mỗi lần trả lời đúng đáp án là em lại có cảm giác như đang chơi trò chơi nhưng vẫn học được những kiến thức rất thú vị và bổ ích”.
Em Trần Lan Anh cũng chia sẻ tiện ích khi áp dụng công nghệ số vào học tập: “Trước đây, em khá ngại việc ôn luyện vì lượng kiến thức quá nhiều. Nhưng khi thầy cô sử dụng các công cụ như Azota để giao bài, em cảm thấy việc học trở nên nhẹ nhàng và có định hướng rõ ràng hơn. Mỗi lần làm bài, em đều nhận được đáp án ngay lập tức, từ đó, em có thể biết mình cần cải thiện ở đâu và ôn luyện thêm những kiến thức chưa nắm chắc”.
Trong bối cảnh ngành Giáo dục đang đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những tín hiệu tích cực từ việc ứng dụng công nghệ tại các trường học cho thấy, nếu được triển khai đúng cách, công nghệ không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là động lực đổi mới phương pháp dạy và học. Đặc biệt, khi học sinh với vai trò là những "công dân số" tương lai, được tiếp cận sớm với môi trường học tập linh hoạt, sáng tạo, thì chính các em cũng sẽ trở thành chủ thể kiến tạo tri thức trong thời đại mới.
Những thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến tích cực, việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục hiện đối mặt với không ít thách thức.
Kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin là rào cản đầu tiên, đòi hỏi cả giáo viên và học sinh phải đầu tư thời gian và sự quyết tâm cao để vượt qua. Việc sử dụng hiệu quả công nghệ không chỉ cần kỹ năng mà còn yêu cầu tư duy rõ ràng, logic và phù hợp với nội dung giảng dạy.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật không đồng bộ, đặc biệt là với học sinh có điều kiện kinh tế hạn chế, cũng gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ vào học tập. Một số học sinh không có hứng thú hoặc e ngại các vấn đề kỹ thuật cũng là một trở ngại không nhỏ.
Mặt khác, ý thức sử dụng công nghệ của học sinh cũng là yếu tố cần quan tâm. Một số em có xu hướng sử dụng thiết bị điện tử để truy cập thông tin ngoài mục đích học tập, dẫn đến mất tập trung trong giờ học. Việc quản lý thiết bị cá nhân và hướng dẫn học sinh khai thác công nghệ một cách hiệu quả, đúng định hướng vẫn là bài toán cần lời giải đồng bộ giữa gia đình và nhà trường.
Dù còn những khó khăn, cô Bích Ngọc nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo viên trong việc khơi gợi động lực học tập qua công nghệ ở học sinh. Giáo viên cần là người tiên phong, trở thành tấm gương để học sinh thấy rõ lợi ích và giá trị thực sự của việc ứng dụng công nghệ vào học tập.
Cùng với đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành công cụ không thể thiếu, thúc đẩy giáo viên liên tục học hỏi để theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và tránh bị tụt hậu trong môi trường giáo dục số hiện nay. Qua đó, việc dạy và học không chỉ hiệu quả hơn mà còn giúp học sinh chuẩn bị tốt các kỹ năng cho tương lai, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và xã hội hiện đại.
Có thể nói, trước những thách thức đang hiện hữu, việc nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ số vào giáo dục tại Vĩnh Phúc đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ nhiều phía, từ ngành giáo dục, nhà trường, giáo viên đến học sinh và cả phụ huynh.
Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà là yêu cầu tất yếu của giáo dục hiện đại. Khi cả thầy và trò cùng sẵn sàng thích ứng, chủ động học hỏi và sáng tạo, công nghệ sẽ thực sự trở thành chìa khóa mở ra cánh cửa tri thức trong kỷ nguyên số.
Giáo dục Vĩnh Phúc đang đi đúng hướng nhưng chặng đường phía trước vẫn cần nhiều nỗ lực để giáo dục số phát triển bền vững, toàn diện hơn.
Quỳnh Anh
(Học viện Báo chí và Tuyên truyền)
Nguồn: http://baovinhphuc.com.vn/Multimedia/Images/Id/126747/Hoc-tap-thong-minh-nho-cong-nghe-so
Bình luận (0)