Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Hội thảo về văn học và xây dựng quốc gia ở Đông Nam Á

Ngày 28/7, Viện Văn học tổ chức hội thảo khoa học "Văn học và xây dựng quốc gia ở Đông Nam Á: Các vấn đề lý thuyết và ứng dụng" với sự góp mặt của đông đảo học giả, nhà nghiên cứu đến từ nhiều cơ sở học thuật trong nước và quốc tế.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân28/07/2025

Toàn cảnh hội thảo "Văn học và xây dựng quốc gia ở Đông Nam Á: Các vấn đề lý thuyết và ứng dụng".
Toàn cảnh hội thảo "Văn học và xây dựng quốc gia ở Đông Nam Á: Các vấn đề lý thuyết và ứng dụng".

Hội thảo thuộc đề tài cấp quốc gia "Văn học Đông Nam Á hậu thuộc địa và các hoán dụ dân tộc" (mã số 602.04-2023.01), do PGS,TS Phạm Phương Chi chủ nhiệm, Viện Văn học chủ trì, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) tài trợ.

Trong báo cáo đề dẫn, PGS,TS Phạm Phương Chi đề cập, với các học giả Việt Nam, sự hiện diện của một nền văn học độc lập - không bị chi phối hay bị đô hộ bởi các nền văn hóa, chính trị bên ngoài - ở các quốc gia Đông Nam Á dường như là câu hỏi nghiên cứu đau đáu và trăn trở nhất.

Một luận điểm thống nhất trong các công trình này là khẳng định văn học dân gian, cùng với văn hóa bản địa, được khẳng định là có vai trò nền tảng, hay như lời của nhà nghiên cứu Lưu Đức Trung (1998), là tấm màng lọc, định hướng quá trình tiếp nhận, tương tác với lực văn hóa, văn học đến từ bên ngoài.

z6848256440890-70c5c788a7a78b1b679b232ef991e15f-5966.jpg
Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu, lý luận phê bình văn học.

Trong khi đó, văn học cổ đại, trung đại, cận hiện đại ở các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á thường được khắc họa trong sự va chạm và thậm chí là chiếm ưu thế so với các lực ngoại lai (cả phương Đông và phương Tây) nhờ những nỗ lực của các nghệ sĩ bản địa trong việc tiếp thu cái mới, vận dụng truyền thống để tạo nên một phong cách viết riêng, những chủ đề riêng của nền văn học dân tộc mình.

Xu hướng nghiên cứu văn học Đông Nam Á như vậy phản ánh trách nhiệm của các nhà khoa học Việt Nam đối với nền văn học dân tộc của mình, và đó cũng là trách nhiệm đối với nền văn hóa dân tộc.

"Hội thảo tiếp cận văn học Đông Nam Á như là những biểu đạt và hình ảnh mang tính văn học có khả năng tham gia vào các vấn đề hiện đại hóa, phân chia giai cấp, xung đột chủng tộc, mâu thuẫn tôn giáo, các định kiến về giới, và các phê bình về môi trường, sinh thái ở các nước Đông Nam Á trong quá trình xây dựng quốc gia hậu thuộc địa", PGS,TS Phạm Phương Chi chia sẻ.

Theo bà, với cách tiếp cận này, hội thảo hy vọng góp phần khiến cho bộ phận văn học Đông Nam Á - một bộ phận văn học vẫn bị coi là ngoài lề - hiển thị rõ nét hơn trên bản đồ văn học thế giới.

z6848256546433-f492ca941be723f377241a0aa95ee358-1209.jpg
Hội thảo được chia làm hai phiên trao đổi với nhiều vấn đề thú vị.

Bên cạnh đó, hội thảo có thể gợi dẫn người đọc ra khỏi ý niệm "dân tộc" như một phạm trù thuần chính trị hay thuần túy thuộc địa hạt cảm xúc để khơi dậy những tò mò trí tuệ về lý do tại sao chúng ta có thể cảm thấy gắn bó, thân thuộc với những người tình cờ sống trên cùng một đất nước hơn là những người sống ở nơi khác; tại sao chúng ta có thể cảm thấy đồng điệu về tư tưởng với những người sinh ra trên cùng một đất nước hơn là những người sinh ra ở nơi khác; tại sao có những người sẵn sàng hy sinh bản thân cho những người thuộc cùng về một dân tộc cho dù họ chưa từng gặp mặt.

Hội thảo hứa hẹn đưa lại những phương diện, những khoảnh khắc của bức tranh văn học Đông Nam Á vốn đa dạng và không ngừng được tạo nghĩa nhờ những cách tiếp cận khác nhau. Những nghiên cứu trường hợp trong Hội thảo có thể xác nhận hoặc có thể đối thoại với lý thuyết văn học và dân tộc mà các nhà lý luận và phê bình phương Tây đã đề xuất.

Đây là hội thảo khoa học quy mô, mang tính liên ngành và khu vực, quy tụ các hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu văn học Đông Nam Á, đặc biệt là trong mối tương tác giữa văn chương, căn tính, chính trị và tiến trình kiến tạo quốc gia.

Hội thảo khoa học được chia làm 2 phiên. Phiên đầu tiên với sự chủ trì của Tiến sĩ Hoàng Tố Mai có nội dung nổi bật là các công trình nghiên cứu khai thác vấn đề di cư, đô thị hóa và giải thuộc địa từ góc nhìn văn học.

Tham luận của Đỗ Thị Hường (Viện Văn học), với trường hợp tiểu thuyết "Người đàn bà có 2 cái rốn" của nhà văn Nick Joaquin (Philippines), cho thấy cách nhân vật nữ trở thành một biểu tượng xuyên quốc gia, phản ánh những xung đột trong bản sắc và quyền năng của trí nhớ lịch sử.

Hội thảo cũng làm nổi bật một vấn đề đang rất được quan tâm: đô thị như một cấu trúc biểu tượng trong văn học hiện đại Đông Nam Á. Các nghiên cứu của Hán Thị Thu Hiền và Lê Thị Nga (Đại học Hùng Vương) về truyện ngắn đương đại Lào, của Đặng Lê Tuyết Trinh về các tác phẩm của Alfian Sa’at (Singapore) và Nguyễn Thị Thu Huệ (Việt Nam), đã cho thấy hình ảnh đô thị không còn là bối cảnh tĩnh mà trở thành công cụ ngữ nghĩa để văn học chất vấn các chuẩn mực giới, chế độ hôn nhân và sự dịch chuyển của bản sắc cá nhân trong xã hội hậu thuộc địa.

z6848256440164-e3760db168f6dfafb80c62d2be16ecc9-1626.jpg
Các vấn đề được trao đổi trong không khí học thuật nghiêm túc.

Một điểm thú vị khác đến từ Đỗ Hải Ninh (Viện Văn học) khi đặt vấn đề về "ý thức dân tộc trong văn học Việt Nam 50 năm sau thống nhất". Nghiên cứu cho thấy những thay đổi sâu sắc trong diễn ngôn dân tộc, từ hình ảnh anh hùng tập thể sang những tiếng nói riêng tư, phân mảnh và mang tính phản tư cao hơn đặc biệt trong văn học hậu chiến và văn học đương đại.

Phiên thứ hai với sự chủ trì của Tiến sĩ Đỗ Hải Ninh mở rộng bình diện nghiên cứu sang lý thuyết dân tộc chủ nghĩa, truyền thống lịch sử và văn học tiền hiện đại. Tham luận của Trần Đức Dũng (Đại học Sư phạm Hà Nội) bàn về "phương thức chính danh hóa" trong văn học Lý-Trần, cho thấy văn chương trung đại không đơn thuần là công cụ tuyên truyền mà còn là kênh kiến tạo chuẩn mực đạo đức, trật tự và quyền lực văn hóa. Nhà phê bình văn học Đoàn Ánh Dương đặt vấn đề lại về Nguyễn Văn Vĩnh đầu thế kỷ 20 với nhiều nỗ lực hiện đại hóa ngôn ngữ và xuất bản.

Trong mảng nghiên cứu văn học cận-hiện đại, tham luận của Lưu Ngọc An về Nam Phong tạp chí, và cách tạp chí này tiếp nhận E. Renan hay A. Fouillée, chỉ ra mối liên hệ phức tạp giữa dịch, viết lại và kiến thiết dân tộc với quá trình chuyển ý thức hệ.

Chọn hướng tiếp cận về ký ức và biểu tượng dân tộc trong văn học hiện đại. Nguyễn Thị Hồng Hạnh khai thác hình tượng con trâu như một hoán dụ dân tộc trong truyện ngắn của Lê Quang Trạng, trong khi Lê Thị Hương Thủy lại đặt vấn đề từ mái tóc phụ nữ – tưởng như thuần mỹ học nhưng lại ẩn chứa các tầng lớp căn tính và giới tính trong văn hóa Việt.

Một số tham luận mang đậm tính liên văn hóa và liên ngành, như của Nguyễn Phương Anh-Phạm Phương Chi (đối sánh Ayu Utami-Nguyễn Khắc Ngân Vì), hoặc Mai Thị Thu Huyền-Lê Thị Dương, đặt trọng tâm vào cộng đồng cảm xúc trong thơ kháng chiến Việt Nam. Họ cho thấy nước mắt là biểu tượng của một tập thể đau thương, kiên cường và tưởng niệm - yếu tố không thể thiếu trong hành trình xây dựng bản sắc dân tộc qua văn học.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu về văn học Campuchia, văn học Lào và Nhật Bản từ góc nhìn so sánh (Tăng Văn Thòn, Khương Việt Hà…) cũng góp phần mở rộng bản đồ lý luận văn học Đông Nam Á, nhấn mạnh tới những liên hệ nội khối và tầm quan trọng của liên ngành trong các nghiên cứu hiện đại.

Hội thảo góp phần nêu bật vai trò của văn học trong việc xây dựng một quốc gia ở khía cạnh ký ức, cảm xúc và biểu tượng. Dù các quốc gia Đông Nam Á có những đặc điểm lịch sử, ngôn ngữ và địa chính trị khác nhau, song, đều chung một thực tại hậu thuộc địa phức tạp, đòi hỏi văn học phải liên tục tái định nghĩa chính nó trong sự va đập với hiện thực.

Sự kiện mở ra không gian trao đổi học thuật sôi nổi, góp phần khẳng định một điều: Văn học không nằm ngoài lịch sử, mà chính là cách chúng ta viết lại lịch sử bằng tâm huyết, tư duy và tình cảm sâu sắc.

Nguồn: https://nhandan.vn/hoi-thao-ve-van-hoc-va-xay-dung-quoc-gia-o-dong-nam-a-post896943.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm