Ông Lê Sỹ Diện-Giám đốc HTX cho biết: Hợp tác xã Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Toàn Diện được thành lập năm 2021 và hiện có 7 thành viên. Những năm qua, HTX tập trung trồng, thu mua và chế biến các sản phẩm nông sản và lâm sản trên địa bàn như: mướp đắng rừng (hay còn gọi là khổ qua rừng-P.V), măng le rừng, hoa đu đủ, mãng cầu xiêm, chuối sứ. Để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, HTX liên kết với người dân trong xã trồng gần 20 ha chuối sứ, đu đủ và mướp đắng rừng; đồng thời, thu mua theo mùa đối với lúa dẻo và các sản phẩm do người dân thu hái từ rừng như: măng le, chuối. Ngoài ra, các thành viên của HTX cũng trồng hơn 3 ha mướp đắng rừng cùng một số diện tích hoa đu đủ đực và áp dụng kỹ thuật cho ra hoa trái vụ để đảm bảo nguồn nguyên liệu.

Cũng theo Giám đốc HTX, để các sản phẩm đạt chất lượng cao sau chế biến và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng, HTX hướng dẫn thành viên và hộ liên kết canh tác cây trồng theo hướng hữu cơ. Trong đó, ưu tiên sử dụng phân chuồng ủ hoai hoặc các loại phân bón hữu cơ và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc cây trồng. Bên cạnh nguồn nguyên liệu do thành viên HTX trồng, trung bình mỗi năm, HTX thu mua gần 20 tấn măng tươi, gần 20 tấn chuối, 6,5-7 tấn mướp đắng rừng tươi, 3,5-4 tấn hoa đu đủ tươi và một số gạo của các hộ liên kết và người dân trên địa bàn.
"Ngoài đảm bảo nguyên liệu đầu vào an toàn, HTX cũng đầu tư xây dựng 2 lò sấy để sấy sản phẩm ngay sau khi thu mua nhằm đảm bảo độ tươi, ngon; xây dựng chứng nhận OCOP để nâng cao giá trị sản phẩm. Đến nay, HTX đã cung cấp ra thị trường 8 sản phẩm gồm: mướp đắng rừng sấy, măng le sấy, hoa đu đủ sấy, hoa đu đủ tươi, hoa đu đủ ngâm mật ong, chuối sấy dẻo, trà mãng cầu và gạo dẻo Đê Ar. Tất cả các sản phẩm này đều đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và được phân phối tại 12 đại lý trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi năm, HTX bán hơn 4 tấn sản phẩm các loại với doanh thu hơn 800 triệu đồng/năm”-Giám đốc HTX cho biết thêm.
Ông Klê-Chủ tịch Hội Nông dân xã Đê Ar-cho hay: Thời gian qua, Hội thường xuyên vận động hội viên, nông dân trên địa bàn trồng và thu hái các sản phẩm từ rừng để bán cho HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Toàn diện có thêm thu nhập. Trên cơ sở đó, Hội cũng phối hợp với HTX và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho các hội viên. Đến nay, toàn xã có 250 hội viên đang liên kết và cung cấp nguyên liệu cho HTX. Hầu hết các hộ đều có thêm thu nhập đáng để cải thiện cuộc sống”.

Còn anh Đinh Bun (làng Ar Bơ Tôk, xã Đê Ar) phấn khởi chia sẻ: "Từ khi HTX đi vào hoạt động, tôi liên kết trồng 5 sào hoa đu đủ đực và 3 sào chuối sứ. Trung bình mỗi năm, tôi bán hơn 1 tấn chuối tươi, 1 tạ hoa đu đủ đực tươi. Ngoài ra, đến mùa, gia đình lên rừng thu hái mướp đắng rừng về bán nên cũng có thu nhập. Trung bình mỗi tháng, vợ chồng tôi thu hơn 3 triệu đồng".
Trao đổi với P.V, bà Đỗ Thị Thanh Vân-Chủ tịch UBND xã Đê Ar-thông tin: Tuy còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động nhưng HTX Nông lâm nghiệp và Dịch vụ Toàn Diện đi vào hoạt động đã góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động và bao tiêu nông sản cho nông dân trên địa bàn. Do đó, thời gian qua, UBND xã đã hỗ trợ HTX trong quá trình xây dựng chứng nhận OCOP cho các sản phẩm nhằm tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm. Qua đó, góp phần hỗ trợ HTX trong quá trình hoạt động cũng như thúc đẩy kinh tế trên địa bàn phát triển.
Nguồn: https://baogialai.com.vn/hop-tac-xa-toan-dien-gop-phan-bao-tieu-san-pham-cho-nong-dan-tren-dia-ban-post324811.html
Bình luận (0)