Thành viên nhóm nghiên cứu dự án Green AIoT kiểm tra thiết bị cảm biến đo nồng độ oxy trong ao nuôi tôm. |
AI kiểm soát môi trường nước
Tại sự kiện do Sở Khoa học-Công nghệ tổ chức cuối tuần qua về ứng dụng AI trong sản xuất và đời sống, Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, BTEC FPT và Melbourne Polytechnic Việt Nam đã giới thiệu đến nông dân dự án Green AIoT-giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát, tối ưu môi trường nước nuôi tôm.
Hệ thống Green AIoT vận hành thông qua mạng lưới cảm biến IoT, liên tục thu thập dữ liệu về pH, độ mặn, oxy hòa tan, nhiệt độ và độ kiềm. Đây là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến sinh lý tôm, chu kỳ lột xác, khả năng trao đổi chất và nguy cơ dịch bệnh.
Theo ông Vũ Phan Minh Hải, đại diện dự án, điểm đáng chú ý là AI được tích hợp để xử lý dữ liệu theo thời gian thực, nhận diện sớm các biến động bất lợi. Khi phát hiện bất thường, hệ thống có thể tự động kích hoạt thiết bị như máy tạo oxy siêu mịn (UFB) để điều chỉnh môi trường, hỗ trợ tôm phát triển ổn định.
AI trong Green AIoT còn có khả năng dự báo, thông qua việc học lịch sử dữ liệu môi trường để chủ động đề xuất các biện pháp can thiệp sớm. Quá trình này được hỗ trợ của tàu tự hành (ASV), cho phép AI thu thập và phân tích dữ liệu tại nhiều điểm trong ao, từ đó đưa ra cái nhìn toàn diện, chính xác và linh hoạt cho nông dân.
“Green AIoT không chỉ là một hệ thống công nghệ, đó là hình ảnh rõ nét về tương lai nông nghiệp thông minh. AI sẽ quản lý và can thiệp, giúp nông dân nâng cao năng suất, giảm rủi ro và hướng ngành thủy sản đến sự bền vững trong kỷ nguyên số”, ông Hải nhận định.
Trang trại nuôi tôm của ông Phan Đức Đạt (xã Phước Hội, huyện Long Đất) đang áp dụng nhiều công nghệ quản lý môi trường nuôi tôm. |
Áp dụng nhiều công nghệ nuôi hiện đại
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, trên địa bàn tỉnh hiện có 527 cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Các công nghệ áp dụng có nhà màng, nhà lưới, hệ thống cho ăn, điều tiết dinh dưỡng tự động; công nghệ theo dõi, điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ theo cảm biến; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, kiểm soát, ứng dụng vi sinh trong xử lý chất thải, môi trường nước...
Trong nuôi trồng thủy sản, có hệ thống xử lý nước cấp, nước thải hiện đại. Nước được xử lý và tái sử dụng tuần hoàn khép kín không xả thải ra môi trường. Hình thức nuôi chủ yếu trong ao nổi, hồ tròn lót bạt có mái che với mật độ 250-500 con/m2, nuôi 3-4 vụ/năm, sản lượng đạt 30-50 tấn/ha/vụ.
Trang trại của ông Phan Đức Đạt tại xã Phước Hội, huyện Long Đất đang nuôi tôm thẻ chân trắng theo mô hình CPF Combine trên tổng diện tích 21ha. Trong đó, 3ha dành cho 21 ao nuôi tôm; 18ha còn lại bố trí 20 ao lắng và ao xử lý nước, hình thành quy trình nuôi khép kín nhằm kiểm soát chặt môi trường, kịp thời phát hiện và xử lý khi tôm có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Ông Đạt còn đầu tư máy sục ôxy, quạt gió và thiết bị đo pH hiện đại nhằm bảo đảm chất lượng nước và vệ sinh ao nuôi. Nước trong ao được thay mỗi ngày sau khi xử lý qua ao lắng, giúp kích thích tôm lột xác, mau lớn và duy trì môi trường sống ổn định.
Thời tiết nắng gắt xen mưa bất chợt như những ngày gần đây dễ gây sốc nhiệt cho tôm nên ông Đạt phủ nhà màng cho toàn bộ hệ thống ao nuôi và nâng mực nước lên tối đa 1,5m để ổn định môi trường. Ông Đạt cũng áp dụng thêm công nghệ mới vi sinh Vibot, tạo một lớp “màng giả” màu nâu trên bề mặt nước, nhằm giảm thiểu nắng nóng, tia cực tím và mưa ảnh hưởng đến tôm.
Công nghệ Vibot sử dụng hai dòng vi sinh Bacillus subtilis và Bacillus lateosporus, giúp ức chế vi khuẩn gây bệnh mờ đục trắng gan (TDP) trên tôm, đồng thời làm chậm quá trình phát triển và phân hủy của tảo.
Tôm ít dịch bệnh, môi trường nước ổn định giúp việc thay nước cho ao ít hơn, người nuôi tôm cũng giảm bớt các chi phí mua thuốc kháng sinh, vôi, vitamin tăng sức đề kháng cho tôm. Thêm vào đó, khi tôm khỏe mạnh, sức ăn tốt đã làm tăng năng suất hơn 20%.
“Tôi áp dụng thử nghiệm công nghệ vi sinh Vibot tạo màng giả này cho 7 ao nuôi trên diện tích 5.000m2, vừa thu hoạch được 27 tấn tôm loại 25 con/kg, tăng hơn 5 tấn so với trước”, ông Đạt cho biết.
Bài, ảnh: NGỌC MINH
Nguồn: https://baobariavungtau.com.vn/kinh-te/202505/khi-ai-nuoi-tom-1042954/
Bình luận (0)