Điều này không chỉ mở ra hành lang pháp lý đột phá cho khu vực tư nhân mà còn đánh dấu sự chuyển mình sâu sắc trong tư duy quản trị quốc gia: từ “quản lý” sang “kiến tạo”, từ “kiểm soát” sang “đồng hành”.
Nghị quyết gồm 7 chương, 17 điều, có hiệu lực thi hành ngay từ ngày 17/5/2025. Trong đó, nhiều nội dung nổi bật được cộng đồng doanh nghiệp (DN) và giới chuyên gia đánh giá cao như: chỉ thanh tra, kiểm tra DN tối đa một lần mỗi năm; ưu tiên hậu kiểm thay vì tiền kiểm; miễn thuế thu nhập DN cho start-up trong hai năm đầu và giảm 50% trong 4 năm kế tiếp; giảm 30% tiền thuê đất cho DN sáng tạo; hỗ trợ lãi suất 2% cho dự án “xanh” và tuần hoàn; xử lý vi phạm theo hướng ưu tiên biện pháp dân sự, hành chính trước hình sự.
Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển kinh tế tư nhân. Ảnh: quochoi.vn |
Điều đặc biệt, nghị quyết này không chỉ hướng đến một nhóm DN nhất định mà áp dụng cho mọi loại hình DN, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh - thể hiện tinh thần công bằng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế theo đúng tinh thần Điều 51 của Hiến pháp.
Kinh tế tư nhân hiện đóng góp hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 56% tổng đầu tư toàn xã hội; tạo hơn 80% việc làm… đã trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc Quốc hội thông qua nghị quyết đặc thù lần này chính là bước cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, đồng thời khẳng định mạnh mẽ: khu vực tư nhân không còn là “bộ phận bổ sung”, mà là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế quốc dân.
Khẳng định điều này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh: “Cần thay đổi tư duy, Nhà nước kiến tạo, phục vụ thay vì kiểm soát”. Đây không chỉ là một thông điệp chính trị mà là định hướng chiến lược, đòi hỏi toàn hệ thống hành chính phải chuyển động để đồng hành cùng DN, thay vì đặt rào cản.
Chế biến sản phẩm mắc ca tại Công ty Cổ phần Damaca Nguyên Phương (huyện Krông Năng). Ảnh: Nguyễn Gia |
Đón nhận nghị quyết với niềm tin lớn vào những chuyển biến tích cực mà chính sách sẽ mang lại, cộng đồng doanh nhân Đắk Lắk đặt kỳ vọng lớn vào một môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi hơn trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Đại Dương, Chánh Văn phòng Hội Doanh nhân TP. Buôn Ma Thuột, Giám đốc Công ty TNHH MTV TM & DV Viên Điện Tử đánh giá: Những điểm mới, đột phá trong Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển kinh tế tư nhân vừa được Quốc hội thông qua đã thể hiện tinh thần đổi mới mạnh mẽ trong quản lý và phát triển kinh tế tư nhân. Các nhóm chính sách lớn được đề xuất đều hướng đến tháo gỡ những điểm nghẽn kéo dài nhiều năm qua, nhất là trong tiếp cận đất đai, tín dụng, thuế, cải cách thủ tục hành chính và môi trường pháp lý.
Cụ thể, chính sách ưu đãi về đất đai sẽ giúp DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ có cơ hội ổn định mặt bằng sản xuất, đầu tư dài hạn. Chính sách tín dụng, thuế nếu được triển khai công bằng, hiệu quả sẽ giảm áp lực tài chính, thúc đẩy DN đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất. Đặc biệt, việc giảm thiểu thanh tra chồng chéo, tăng cường hậu kiểm thay vì tiền kiểm giúp DN yên tâm hoạt động, đổi mới sáng tạo và tăng khả năng đóng góp vào nền kinh tế quốc dân.
Theo ông Nguyễn Đại Dương, đây là cơ hội quý báu để DN tư nhân bứt phá, khẳng định vai trò tiên phong trong công cuộc phát triển đất nước. Tuy nhiên, chính sách tốt cần được tiếp nhận bởi cộng đồng DN có trách nhiệm và khát vọng vươn lên. Để xứng đáng với sự quan tâm và trao cơ chế thuận lợi từ Nhà nước, các DN cần chủ động nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng công nghệ số, minh bạch trong hoạt động và tài chính. Kinh doanh chính trực, tuân thủ pháp luật, giữ chữ tín với đối tác và khách hàng. Bên cạnh đó, cộng đồng DN cũng cần đoàn kết, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất kinh doanh để tạo nên sức mạnh tập thể, từ đó nâng cao vị thế của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc dân.
Chế biến mật ong ở Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ A Ma Thuột (huyện Ea H'leo). Ảnh: Nguyễn Gia |
Là DN mới khởi nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông sản, anh Đỗ Văn Linh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Ban Mê (ở xã Ea Kuăng, huyện Krông Pắc) cho rằng, giai đoạn đầu là thời điểm sống còn của DN, đặc biệt là với các start-up. Trong 3 năm đầu tiên, DN khởi nghiệp cần dồn nguồn lực tài chính vào đầu tư máy móc, thiết bị và quảng bá sản phẩm để tiếp cận khách hàng. Vì vậy chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế môn bài, thuế thu nhập cá nhân cho các DN vừa và nhỏ trong những năm đầu thành lập là điều tuyệt vời giúp DN mới thành lập giảm bớt gánh nặng tài chính. Đây không chỉ là kim chỉ nam mà còn là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho DN tư nhân phát triển.
Dưới góc độ là một DN mới thành lập, anh Đỗ Văn Linh hy vọng chính sách sớm đi vào thực tiễn giúp DN của anh có thể tiếp cận được vốn vay ưu đãi, đầu tư nâng cấp máy móc, mở rộng quy mô sản xuất phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Tuy nhiên, để nghị quyết phát huy hiệu quả cần đẩy mạnh số hóa và cắt giảm thủ tục hành chính. Chỉ khi số hóa và tự động hóa triệt để, các thủ tục rườm rà được loại bỏ mới tạo điều kiện thuận lợi cho DN.
Có thể nói, với những cơ chế, chính sách ưu đãi cùng với cải cách thanh tra, kiểm tra sẽ là điểm tựa quan trọng để DN tư nhân bứt phá. Cùng với đó, khi thể chế đã được mở rộng lối, cộng đồng DN cũng phải tự nâng mình lên. Trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, minh bạch tài chính, ứng dụng công nghệ số… không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc trong thời kỳ mới để xây dựng một khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tuân thủ pháp luật, có khát vọng, có trách nhiệm chung vì một Việt Nam hùng cường, sáng tạo và thịnh vượng.
Nguồn: https://baodaklak.vn/tin-noi-bat/202505/khoi-noi-luc-cho-kinh-te-tu-nhan-phat-trien-4881624/
Bình luận (0)