Từ ngày 18/7, khi bão bắt đầu hình thành trên Biển Đông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN&PTDS tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức 6 đoàn kiểm tra do các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó tại các địa bàn trọng điểm như: Tuần Châu, Bãi Cháy, Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Uông Bí, Hoành Mô, đặc khu Vân Đồn.. Các xã, phường và đặc khu tổ chức 124 cuộc kiểm tra công tác ứng phó bão số 3 và mưa lũ trên địa bàn.
Công tác chuẩn bị nhân lực, phương tiện được triển khai quyết liệt. Toàn tỉnh huy động hơn 1.200 CBCS và lực lượng xung kích cùng hàng chục ô tô, xuồng, tàu các loại. Các đơn vị của Quân khu 3 hiệp đồng với trên 1.400 CBCS, sẵn sàng cơ động khi có yêu cầu. Hệ thống hồ đập, đê điều, trạm bơm được theo dõi sát sao, đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các lực lượng chức năng như bộ đội biên phòng, kiểm ngư, giao thông, xây dựng, y tế… được phân công ứng trực 24/24h.
Từ 14h ngày 20/7 toàn tỉnh tổ chức cấm biển. Toàn bộ 111 tàu khách và 375 tàu du lịch, hơn 4.280 tàu cá được kêu gọi về nơi tránh trú an toàn. Đặc biệt, tỉnh đã chủ động di dời gần 7.600 người tại các khu nuôi trồng thủy sản (NTTS), tàu cá lên bờ; 513 hộ dân sinh sống ở những khu vực có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở đất cũng được sơ tán kịp thời.
Các địa phương kịp thời gia cố các điểm xung yếu như đê Kim Sơn (phường Đông Triều), khu vực Cái Rồng (đặc khu Vân Đồn), xử lý cây xanh có nguy cơ gãy đổ, gia cố biển hiệu, cột viễn thông… đảm bảo hạn chế tối đa thiệt hại do gió mạnh gây ra. Hệ thống giao thông, đặc biệt là cầu Bãi Cháy và tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, được giám sát chặt chẽ.
Nhờ sự vào cuộc sớm và đồng bộ, đến sáng 22/7, khi bão số 3 suy yếu, Quảng Ninh không ghi nhận thiệt hại về người, chỉ có một số cây xanh tại Hạ Long, Vân Đồn, Cô Tô bị gãy đổ, các thiệt hại khác không đáng kể.
Ngay sau khi bão tan, toàn tỉnh lập tức chuyển trọng tâm từ ứng phó với gió mạnh sang đối phó với hoàn lưu bão để giảm nguy cơ gây mưa lớn kéo dài, ngập úng, sạt lở đất, lũ quét. UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tuyệt đối không để người dân quay lại các khu NTTS, lồng bè, vùng nguy hiểm khi chưa đảm bảo an toàn. Đồng thời siết chặt công tác trực ban, kiểm soát lưu lượng nước tại các sông suối, hồ đập.
Các địa phương vùng cao như xã Tiên Yên, xã Đầm Hà, xã Quảng Tân… thực hiện tốt phương châm “phòng ngừa từ xa”, chủ động rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Các lực lượng chức năng được bố trí chốt trực tại các điểm giao thông dễ bị chia cắt như các ngầm tràn, cầu tạm.
Tại khu vực miền Tây như phường Đông Triều, phường Hoàng Quế, nơi có nhiều khu dân cư nằm dọc các sông và tuyến đê xung yếu, công tác kiểm tra sau bão được triển khai ngay trong đêm 21/7. Phường Đông Triều huy động cán bộ và người dân khơi thông rãnh thoát nước, gia cố các điểm đê bao, sử dụng cọc tre và bao cát để giữ chân đất tại các đoạn có nguy cơ sạt trượt. Cùng với đó, địa phương tổ chức tuyên truyền qua loa phát thanh và nhóm Zalo khu phố, nhắc nhở người dân cảnh giác với mưa lớn sau bão, không tụ tập ở suối hoặc vùng trũng thấp. Cầu cống, trạm bơm, hồ chứa được theo dõi sát sao, các máy bơm tiêu úng sẵn sàng vận hành ngay khi có mưa lớn.
Tại đặc khu Vân Đồn, địa bàn ven biển có nhiều khu NTTS và tàu thuyền tránh trú bão, lực lượng biên phòng và chính quyền địa phương tiếp tục kiểm soát nghiêm ngặt hoạt động của ngư dân sau bão. Các tàu thuyền chỉ được phép hoạt động trở lại khi có thông báo chính thức từ cảng vụ và đảm bảo điều kiện an toàn. Công tác hỗ trợ người dân gia cố lại lồng bè, khơi thông các lạch thoát nước, thu gom rác thải sau bão cũng được triển khai ngay từ sáng sớm 22/7.
Các phường Hồng Gai, Hạ Long, Cẩm Phả… nơi có hệ thống cây xanh, hạ tầng đô thị dày đặc, lực lượng chức năng của các phường và tổ dân phố tập trung thu dọn cây gãy, dọn rác trên vỉa hè, khơi thông hố ga, đảm bảo đường thông hè thoáng. Những điểm bị úng cục bộ được bố trí máy bơm tiêu thoát nước kịp thời.
Sau khi tâm bão đi qua, do hoàn lưu, trên địa bàn đặc khu Cô Tô có triều cường, nước dâng cao kết hợp gió mạnh và sóng lớn, dự báo vùng ven biển, khu vực cầu cảng, các tuyến đường bao biển, các khu dân cư gần mép nước có khả năng ngập sâu, sạt lở và hư hại hạ tầng. Với tinh thần không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, đặc khu đã yêu cầu người dân tuyệt đối không ra biển trong thời gian này, không tụ tập tại các khu vực bờ kè, bến tàu trong thời gian triều dâng, chủ động biện pháp ứng phó. Đồng thời chủ động di chuyển người và tài sản ra khỏi vùng trũng thấp, nhất là các khu vực có nguy cơ bị cô lập; theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết và thông báo từ chính quyền địa phương.
Trong bối cảnh mưa lớn vẫn có thể kéo dài do hoàn lưu, tỉnh yêu cầu các địa phương duy trì chế độ trực ban nghiêm túc, kịp thời báo cáo về UBND tỉnh khi có tình huống xuất hiện. Mọi diễn biến về thời tiết, lượng mưa, mực nước sông được tỉnh cập nhật liên tục, truyền tải nhanh chóng qua các kênh thông tin chính thống để người dân nắm bắt và chủ động phòng tránh.
Với tinh thần chủ động, không chủ quan trước mọi diễn biến bất lợi của thời tiết, Quảng Ninh đang nỗ lực tối đa để hạn chế thấp nhất thiệt hại do hoàn lưu bão số 3 gây ra, bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/khong-lo-la-chu-quan-voi-hoan-luu-bao-wipha-3367984.html
Bình luận (0)