Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo; lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự chương trình tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu)
Từ đỉnh đồi A1 đến “Côn Đảo - Bàn thờ thiêng của Tổ quốc”
Dự chương trình tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài; Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu Phạm Viết Thanh…
Tại điểm cầu Nghĩa trang Liệt sĩ A1 (TP. Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Điện Biên Trần Quốc Cường…
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại điểm cầu Nghĩa trang A1 (Điện Biên). Ảnh: NAM NGUYỄN
Tham dự chương trình tại hai điểm cầu còn có lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và các địa phương; lãnh đạo tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tỉnh Điện Biên; đại diện các cựu tù Côn Đảo; các cựu chiến binh; thân nhân các liệt sĩ đang yên nghỉ tại các Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang A1.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu từ điểm cầu Nghĩa trang A1, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa của cầu truyền hình kết nối hai điểm cầu đặc biệt: Nghĩa trang Hàng Dương và Nghĩa trang liệt sỹ A1- những địa danh lịch sử, biểu tượng cho ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần chiến thắng của dân tộc.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương và các đại biểu dự chương trình tại điểm cầu Nghĩa trang A1. Ảnh: NAM NGUYỄN
Bên những “ngôi đền linh thiêng” được xây dựng từ lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay và mai sau; từ ký ức chiến tranh còn khắc ghi trong tâm trí; từ vết thương trên thân thể người cựu chiến binh; từ vết sẹo vẫn in hằn trên đất mẹ; từ Bùn, Máu và Hoa, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời thăm hỏi ân cần, tình cảm sâu nặng, lòng biết ơn sâu sắc đến các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng trong cả nước.
Ca sĩ Phạm Thu Hà và ca khúc Biết ơn chị Võ Thị Sáu mang đến nhiều cảm xúc trong chương trình
“Lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc đã viết nên bản anh hùng ca bất hủ về lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, kiên cường đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, với khát vọng tự do, hòa bình và hạnh phúc”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng chia sẻ, mỗi người Việt Nam hôm nay khắc ghi trong tim rằng, mỗi phút giây đang sống trong bình yên, hạnh phúc đã được đổi bằng sự hy sinh, xương máu của các thế hệ cha ông. Chỉ riêng trong hai cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại, 1,2 triệu người con ưu tú của dân tộc đã ngã xuống, để thân thể thành đất đai Tổ quốc; hồn bay lên hóa linh khí quốc gia.
Võ Hạ Trâm và ca khúc Huyền thoại mẹ
Đến nay, vẫn còn gần 200 nghìn liệt sĩ nằm lại đâu đó, lặng lẽ trên chiến trường xưa, để lại niềm tiếc thương và sự mong chờ được đón các anh, chị trở về của người thân, gia đình; vẫn còn đó gần 300 nghìn ngôi mộ liệt sĩ thiếu những dòng ghi tên tuổi, quê hương; hàng triệu thương binh, bệnh binh đã mất đi một phần máu thịt, sức khỏe và tuổi thanh xuân.
Và ngay trong thời khắc không còn tiếng súng, vẫn còn bao liệt sĩ đã hi sinh thầm lặng nơi biên cương, đảo xa hay trên những nhà giàn, bãi đá giữa trùng khơi... để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân.
Trong thời khắc linh thiêng này, trên đỉnh đồi A1 nơi diễn ra “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơ vắt máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn” để có “9 năm làm một Điện Biên, nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Tại Nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước, trong đó có những nhà lãnh đạo, nhiều đảng viên kiên trung, chí sĩ cách mạng như cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Anh hùng Lưu Chí Hiếu, nữ Anh hùng Võ Thị Sáu, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh... đã trở thành biểu tượng của lòng kiên trung bất tử, một thời kỳ đấu tranh hào hùng trong lịch sử dân tộc.
“Đây chỉ là hai trong số hàng ngàn, hàng vạn “địa chỉ đỏ” biểu tượng cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần yêu nước, hi sinh của các thế hệ cha anh. Từ đỉnh Đồi A1 đến “Côn Đảo - Bàn thờ thiêng của Tổ quốc”, chúng ta hãy cùng thắp lên những ngọn nến, nén nhang để tưởng nhớ, tri ân hàng triệu anh hùng, liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã hi sinh cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang.
Lịch sử và dân tộc Việt Nam mãi mãi ghi nhớ, tự hào về ý chí quật cường của các thế hệ cha ông cùng với những “Thiên anh hùng ca bất diệt” để giành lại được hoà bình, độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc ta, non sông ta, đất nước ta…”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Cũng theo Phó Thủ tướng, dù chiến tranh đã lùi xa, những vùng đất một thời mưa bom, bão đạn đã thay da đổi thịt với màu xanh, những xóm làng trù phú, bình yên. Côn Đảo không còn là “địa ngục trần gian” và trên mảnh đất Điện Biên hôm nay “Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”. Nhưng vẫn còn những nỗi đau khắc khoải của những người mẹ, người cha, người vợ, người con, những vết thương mỗi khi trở gió lại đau nhức nhối trên thân thể người chiến sĩ năm xưa, những di chứng do chất độc da cam ảnh hưởng đến nhiều thế hệ...
NSND Tạ Minh Tâm và tiết mục Linh thiêng Việt Nam
Phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” , 76 năm qua, nhiều phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công đã được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Nguồn lực to lớn đã được huy động nhằm thực hiện nhiều chương trình như: nhà tình nghĩa; quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh, bệnh binh, bố mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật ưu đãi đối với người có công đã được ban hành, thực hiện đồng bộ, nâng cao mức sống của người có công, thân nhân của người có công với cách mạng. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cùng các tổ chức, cá nhân, cộng đồng để xây dựng, tôn tạo các công trình ghi công liệt sĩ. Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được đẩy mạnh.
Nam ca sĩ Trọng Tấn xúc động khi lần đầu tiên tham gia chương trình nghệ thuật tại Nghĩa trang Hàng Dương
“Để xứng đáng với những cống hiến, hi sinh chúng ta sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa để tri ân những người có công với Tổ quốc; tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho các thế hệ mai sau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Lịch sử hào hùng cùng khát vọng phát triển, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc là nguồn lực tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Đó cũng chính sự đền đáp, tri ân có ý nghĩa cao cả, tốt đẹp nhất đối với các anh hùng, liệt sĩ.
Khúc tráng ca chưa khi nào da diết thế...
Cầu truyền hình "Bản hùng ca bất diệt" là chương trình nghệ thuật đặc biệt, lần đầu tiên được Bộ VHTTDL tổ chức từ hai điểm cầu thiêng liêng của Tổ quốc: Nghĩa trang Hàng Dương và Nghĩa trang đồi A1.
NSƯT Đăng Dương với ca khúc Tổ quốc gọi tên mình
Sau phần nghi lễ thắp nến tri ân và tiếng chuông tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; chương trình nghệ thuật diễn ra với ba chương: "Tiếng gọi non sông"; "Những cánh hoa bất tử"; "Khúc tráng ca hòa bình".
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Chỉ đạo nghệ thuật, Tổng đạo diễn chương trình cho biết, điểm khác biệt ở cầu truyền hình “Bản hùng ca bất diệt” là ý tưởng không phục dựng nỗi đau chiến tranh bằng tiếng đạn bom, cảnh thương vong nơi trận mạc mà bằng diện mạo khác. Đó chính là vẻ đẹp và sự cao quý của lòng yêu nước thiêng liêng, của lý tưởng sống cao đẹp, của sức trẻ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tình yêu ban sơ mà son sắt, tình đồng chí, đồng bào chân chất mà đậm sâu. Chương trình cũng không kể lại lịch sử theo mạch tuyến tính các sự kiện, con số từ quá khứ đến hiện tại, mà theo một góc nhìn nhân văn, lãng mạn.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải và các cựu chiến binh với ca khúc Luỹ đá bất tử
Cùng với những ca khúc đi cùng năm tháng, chương trình đã mang đến nhiều cảm xúc với những lát cắt như các phóng sự Câu hát xuyên tường thép, Trường học giữa biển khơi. Năm tháng qua đi, ký ức bi tráng vẫn luôn nhắc nhớ thế hệ hôm nay thông điệp “sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những gian khổ, hi sinh”. Nhà tù Côn Đảo là nhà tù lớn nhất, khắc nghiệt nhất, thế nhưng cũng chính nơi này đã được những người tù cộng sản biến thành trường học. “Địa ngục trần gian” đã trở thành vườn ươm của các thế hệ cách mạng Việt Nam.
Ca sĩ Tùng Dương hát Vết chân tròn trên cát giữa những hàng mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương
“Từ hai điểm cầu Côn Đảo, Điện Biên, người xem được nhìn lại quá trình đấu tranh kiên cường, anh dũng, hi sinh vì độc lập tự do của thế hệ cha anh năm xưa; cùng với những quyết tâm của thế hệ hôm nay đang chung sức dựng xây quê hương, với tinh thần tự hào quá khứ, hướng tới tương lai”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Tham dự cầu truyền hình “Bản hùng ca bất diệt” cũng là dịp để những người lính, những cựu tù chính trị được trở về ký ức, được thăm lại đồng đội xưa. Người còn, người mất, những cựu tù chính trị ở Côn Đảo hay những cựu chiến binh trên chiến trường Điện Biên Phủ năm cũ khi đến với hai điểm cầu đều rưng nghẹn. Bà Nguyễn Thị Ni, nữ cựu tù duy nhất còn sống tại Côn Đảo rưng rưng nước mắt khi nhớ về đồng đội, về những năm tháng chiến đấu gian khổ và hào hùng. “Nhục hình, đói khát, bệnh tật…, tất cả những đòn roi khắc nghiệt nhất ở chốn địa ngục trần gian này đã không thể khiến cho chúng tôi bị khuất phục”, nữ cựu tù Nguyễn Thị Ni nhớ lại. Nặng tình với hòn đảo, sau ngày giải phóng, nữ cựu tù chính trị Nguyễn Thị Ni đã chọn ở lại Côn Đảo, ở lại với những đồng chí, đồng đội đã hi sinh vì đất nước.
Tại chương trình "Bản hùng ca bất diệt", những cựu tù Côn Đảo đến từ các địa phương trong cả nước cũng đã có mặt để cùng dâng nén hương thơm tưởng nhớ đồng đội, nhớ về những ngày tháng bị giam cầm tại đây. Ông Chu Cấp, cựu tù chính trị Côn Đảo từ năm 1971- 1974 bần thần khi nhắc nhớ về đồng đội. Quay lại Côn Đảo lần thứ 3 kể từ sau khi được trở về từ cuộc trao trả tù binh tháng 3.1974, khi nào cũng vậy, xúc động đến nghẹn ngào, Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo hôm nay là nơi lưu giữ nhiều ký ức mà ông Cấp không thể nào quên. Ở đó, có máu, có nước mắt, có gian khổ hi sinh, và có cả những tấm gương sẵn sàng quên mình vì Tổ quốc.
Những cảm xúc ấy đã được êkip thực hiện chương trình gói ghém và thể hiện trong những giai điệu, những khúc tráng ca bất tử. Một dòng chảy xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, với sợi dây kết nối là niềm tự hào dân tộc, truyền thống lịch sử hào hùng, lòng biết ơn sự hi sinh vĩ đại của các thế hệ cha ông và sự trân quý những giá trị của hoà bình. “Vượt qua mọi khó khăn do thời tiết khắc nghiệt trong những ngày qua, Bộ VHTTDL đã phối hợp chặt chẽ với UBND hai tỉnh Điện Biên, Bà Rịa- Vũng Tàu để nỗ lực đưa lực lượng hùng hậu các nghệ sĩ, diễn viên và gần 600 tấn thiết bị ra đảo, cùng một ê kip truyền hình để tập trung thực hiện chương trình. Chúng tôi mong rằng đó là lời tri ân đẹp đẽ nhất gửi đến các anh hùng liệt sĩ”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo, lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên sân khấu tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo)
Tham gia chương trình với các nghệ sĩ tại những không gian thiêng liêng này cũng có nhiều cảm xúc thật đặc biệt. Cất lên những giai điệu bất tử giữa những hàng mộ ở Nghĩa Trang Hàng Dương, với ca sĩ Tùng Dương, gọi tên là cảm xúc thôi có lẽ là không đủ. Trước cả ngàn nấm mồ liệt sĩ có tên và cả không tên, một lần nữa “Vết chân tròn trên cát” của Tùng Dương đã khiến biết bao khán giả có mặt ở Hàng Dương đêm nay rưng rưng rơi lệ.
Những tình cảm đặc biệt của người dân cả nước và đặc biệt là nhân dân ở Côn Đảo với người nữ anh hùng Võ Thị Sáu cũng đã khiến cho những ca từ “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” mà nữ ca sĩ Phạm Thu Hà cất lên giữa Nghĩa trang Hàng Dương, bên sóng gió biển khơi lại trở nên thiết tha đến thế, ngọt ngào đến thế.
NSƯT Đăng Dương cũng bộc bạch, tham gia chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” có lẽ là một kỷ niệm khó quên, không chỉ bởi đây là lần đầu tiên anh ra Côn Đảo mà còn vì ý nghĩa của chương trình, là lời tri ân từ trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam hôm nay gửi đến thế hệ tiền nhân, các anh hùng liệt sĩ.
PHƯƠNG ANH; ảnh: TRẦN HUẤN
Nguồn
Bình luận (0)