Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kiểm soát an toàn thực phẩm tại các chợ

Dù đã triển khai nhiều biện pháp nhưng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập, nhất là tại các khu chợ cóc, chợ tạm, khu vực kinh doanh tự phát chung quanh chợ. Điều này đòi hỏi sự quan tâm, giám sát quyết liệt của các ngành chức năng.

Báo Nhân dânBáo Nhân dân15/07/2025

Lực lượng chức năng kiểm tra ki-ốt kinh doanh thịt lợn "bẩn" tại khu vực chợ Phùng Khoang. (Ảnh: Công an thành phố Hà Nội cung cấp)

Lực lượng chức năng kiểm tra ki-ốt kinh doanh thịt lợn "bẩn" tại khu vực chợ Phùng Khoang. (Ảnh: Công an thành phố Hà Nội cung cấp)

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án liên quan đến việc buôn bán, tiêu thụ lợn chết, lợn bệnh ra chợ, quán ăn trên địa bàn thành phố.

Kết quả điều tra cho thấy, các đối tượng đã thu mua lợn chết, lợn nhiễm bệnh từ nhiều nguồn về để giết, mổ bán tại khu vực chợ Phùng Khoang, chợ đầu mối phía nam.

Mỗi ngày, các đối tượng này tiêu thụ hàng tấn thịt lợn bẩn. Để tránh cơ quan chức năng và người tiêu dùng phát hiện, các đối tượng còn sử dụng tiết lợn để tẩm lên các miếng thịt với mục đích làm tươi và để lẫn với thịt lợn tươi sống khác trên bàn thịt.

Đáng lưu ý, Ban quản lý chợ Phùng Khoang khẳng định, khu vực bị thu giữ thịt lợn mắc bệnh trên là các kiot tự phát nằm phía ngoài sát khuôn viên chợ, không thuộc quản lý ở chợ Phùng Khoang.

Thực tế cho thấy, khu vực chung quanh, liền kề các khu chợ trên địa bàn Hà Nội đều có các gian hàng tự phát hoặc các gánh, xe hàng rong bày bán tấp nập, thay vì vào hẳn trong khuôn viên chợ.

Bên cạnh đó, theo rà soát, trên địa bàn thành phố còn tồn tại và phát sinh 85 chợ "cóc”, điểm kinh doanh tự phát.

Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp cho biết: “Một số phường, xã chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ đáp ứng nhu cầu của nhân dân dẫn đến phát sinh các tụ điểm họp chợ trái phép gây mất an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, khó kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa. Người tiêu dùng vẫn còn có thói quen tiện đâu mua đó, không chú trọng nguồn gốc, chất lượng thực phẩm...”.

Bên ngoài cổng chợ thì khó kiểm soát, còn bên trong chợ, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng vẫn còn nhiều bất cập.

Triển khai Đề án “Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025”, Sở Công thương Hà Nội phối hợp chính quyền các địa phương đã hướng dẫn các cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố có 18.311 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong chợ thuộc đối tượng của Đề án này.

Tính đến tháng 6/2025, 17.105 cơ sở đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt tỷ lệ 93,4%.

15.566 người được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, đạt tỷ lệ 82,7%; 14.099 cơ sở có quầy, kệ trưng bày (đạt tỷ lệ 77,0%)…

Tuy nhiên, nhiều chỉ tiêu của Đề án đến nay vẫn còn rất thấp. Theo thống kê, mới có 42% số cơ sở thực hiện cấp đăng ký kinh doanh, 33,8% cơ sở có trang thiết bị bảo quản; 17,6% cơ sở có trang thiết bị giám sát; 14,8% cơ sở có sản phẩm thực phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc…

Hiện cũng mới xây dựng được 25 trạm xét nghiệm nhanh tại chợ, trong khi trên địa bàn có tới hơn 400 khu chợ.

Tính đến tháng 6/2025, 17.105 cơ sở đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm, đạt tỷ lệ 93,4%. 15.566 người được tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, đạt tỷ lệ 82,7%; 14.099 cơ sở có quầy, kệ trưng bày (đạt tỷ lệ 77,0%)…

Lãnh đạo Sở Công thương Hà Nội nhận định, việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trong thời gian qua vẫn còn một số khó khăn, bất cập.

Cơ sở hạ tầng chợ (nhất là chợ hạng 3) đã xuống cấp nên không bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm.

Phần lớn các hộ kinh doanh thực phẩm tại chợ có quy mô nhỏ lẻ, chưa có kinh phí đầu tư các trang thiết bị, dụng cụ kinh doanh, bảo quản thực phẩm theo quy định.

Nhận thức của một số hộ kinh doanh còn hạn chế hoặc chạy theo lợi nhuận nên vẫn còn trường hợp kinh doanh hàng hóa chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa bảo đảm chất lượng.

cho-coc.jpg

Chợ "cóc" tại khu tập thể Nam Đồng (phường Đống Đa). (Ảnh: HOÀI NAM)

Nguồn hàng nông sản thực phẩm cung ứng cho các chợ dân sinh trên địa bàn đa dạng, trong đó, lưu lượng thực phẩm lưu thông qua chợ đầu mối chiếm tỷ lệ lớn và là nguồn cung sản phẩm chủ yếu cho các chợ dân sinh... nên khó kiểm soát chất lượng đầu vào…

Để kiểm soát tốt công tác an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các hộ kinh doanh trong chợ chấp hành tốt các quy định của pháp luật về nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, chấp hành tốt công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, tăng cường thu hút đầu tư, bố trí nguồn vốn đầu tư xây dựng, cải tạo hệ thống chợ đáp ứng yêu cầu.

Các lực lượng thuộc Ban chỉ đạo 389 của địa phương tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại các chợ; kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa trong chợ, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Ban quản lý các chợ có kinh doanh thực phẩm nông-lâm-thủy sản bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm để chủ động kiểm soát tại chợ.

“Chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác giải tỏa, chống tái phát các tụ điểm kinh doanh trái phép, bán hàng rong trên địa bàn, dứt khoát xóa bỏ chợ “cóc”, "chợ tạm”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.

NGUYÊN TRANG

Nguồn: https://nhandan.vn/kiem-soat-an-toan-thuc-pham-tai-cac-cho-post893816.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm