Sự trưởng thành qua “lăng kính” hạ tầng
Từ một chuyến bay hạ cánh giữa mây trời Vân Đồn đến những chiếc xe container chở thủy sản đông lạnh lao vun vút trên cao tốc miền Tây hay dòng xe bon bon hối hả trên đường Vành đai 2 trên cao giữa lòng Thủ đô Hà Nội trong giờ tan tầm - hạ tầng Việt Nam đang thay đổi từng ngày. Điều đặc biệt là sự đổi thay ấy góp phần không nhỏ từ các nguồn lực tư nhân.
Khi ngân sách nhà nước không còn là nguồn duy nhất rót vốn cho các công trình hạ tầng, một làn gió mới đã thổi vào bức tranh xây dựng các công trình “nghìn tỷ”: Tư nhân bước vào cuộc với vai trò không chỉ thể hiện ở những công trình quy mô, mà còn mau chóng góp phần giải quyết nút thắt mang tính chiến lược.
Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, từng bị đình trệ gần một thập kỷ, đã được “hồi sinh”, rút ngắn thời gian di chuyển từ miền Tây về thành phố Hồ Chí Minh, tạo cú hích phát triển cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long trù phú.
Tại Hà Nội, đoạn Vành đai 2 trên cao từ Ngã Tư Sở đến Minh Khai - công trình thi công phức tạp giữa lòng đô thị - được triển khai và hoàn thành nhanh chóng nhờ mô hình xây dựng - chuyển giao (BT), với vốn đầu tư từ một tập đoàn tư nhân. Còn ở Quảng Ninh, sân bay quốc tế Vân Đồn không chỉ là biểu tượng về hạ tầng hiện đại, mà còn là minh chứng cho việc tư nhân hoàn toàn có thể đảm đương xây dựng một cảng hàng không quốc tế.

Những dự án trên cho thấy một chuyển động quan trọng đang diễn ra ở khu vực kinh tế tư nhân: Nếu được trao cơ hội và hành lang pháp lý rõ ràng, họ không chỉ xây dựng và hoàn thiện những công trình quy mô lớn mà còn mở ra không gian phát triển, đánh thức tiềm năng phát triển của một vùng đất trong một thời gian ngắn kỷ lục.
Sức mạnh và tham vọng của khối kinh tế tư nhân Việt Nam còn đang vươn tới lĩnh vực từng được xem là độc quyền của Nhà nước: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Các tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam cũng đã đề xuất, mong muốn tham gia đầu tư phát triển mô hình tàu cao tốc. Điều đáng chú ý phương án của họ không chỉ đề xuất về kỹ thuật hay tài chính mà mang đến một cách tiếp cận hoàn toàn khác so với Nhà nước: Linh hoạt, thị trường và thần tốc.

Kinh tế tư nhân Việt Nam: Dấu ấn bốn thập niên
Theo Niên giám thống kê 2023, giai đoạn 2020-2023, kinh tế tư nhân đóng góp trung bình 50,3% GDP, cao hơn khu vực kinh tế nhà nước (20,87%) và khu vực FDI (20,3%1). Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế tư nhân giải quyết vấn đề việc làm cho 82% lực lượng lao động trong nền kinh tế, đóng góp 30% tổng thu ngân sách, chiếm 60% vốn đầu tư toàn xã hội.
Phát biểu tại tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy kinh tế tư nhân”, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, khi đề cập đến vai trò của kinh tế tư nhân, theo cách thông thường sẽ nghĩ đến các con số như tỷ trọng GDP, xuất khẩu, đóng góp ngân sách... nhưng các con số thống kê này chưa phản án đúng thực lực của thành phần này. Đây là nền tảng phát triển của đất nước.
Với kinh tế tư nhân, khi có cơ hội bằng sức mạnh nội sinh, bằng sự linh hoạt, họ đã vươn lên, dẫn đầu trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Một trong các ví dụ thuyết phục nhất, khối tư nhân để lại dấu ấn đậm nét trong lĩnh vực bất động sản. Các tập đoàn tư nhân lớn như Masterise Group, Bitexco… đã xây dựng các công trình mang tính biểu tượng, thay đổi hoàn toàn chất lượng và dịch vụ của ngành. Họ góp phần chỉnh trang và thay đổi bộ mặt đô thị tại các thành phố lớn. Sự khác biệt lớn nhất mà “làn gió” tư nhân thực hiện cuộc cách mạng trong lĩnh vực bất động sản là tinh thần triển khai thần tốc, chất lượng, tính hiện đại, bền vững và thẩm mỹ của công trình.
Tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu nhận xét, ở thời điểm hiện tại, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam thể hiện ba đặc trưng của sự đột phá. Thứ nhất, chạm đến các khát khao của xã hội, chạm đến những trăn trở nhiều năm để kinh tế tư nhân thực sự phát triển thành lực lượng chủ đạo. Thứ hai, phản ánh xu thế thời đại vì chỉ có kinh tế tư nhân mới đủ nhạy bén, quyết đoán nắm bắt những thay đổi về công nghệ, cấu trúc thị trường để tạo ra các thay đổi mang tính bước ngoặt. Thứ ba, thành phần kinh tế tư nhân có khả năng cộng hưởng và phát triển nội sinh rất cao, có sự biến hóa sáng tạo, họ có khả năng tạo ra phản ứng dây chuyền, lan tỏa ảnh hưởng đến toàn nền kinh tế.

Kinh tế tư nhân đã chứng minh năng lực kiến tạo và sức bật nội sinh qua những đóng góp rõ nét cho nền kinh tế quốc dân. Trong 40 năm qua, từ vai trò mờ nhạt, từng bước được thừa nhận, đến nay khu vực này đã trở thành lực lượng tiên phong dấn thân trong nhiều lĩnh vực mang tính nền tảng như hạ tầng. Trong kỷ nguyên mới vươn mình của dân tộc, kinh tế tư nhân có đủ sức bật đưa Việt Nam phát triển thành quốc gia hùng cường vào năm 2045 hay không, điều này phụ thuộc vào không gian phát triển với kiến tạo từ Chính phủ.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/kinh-te-tu-nhan-vung-vang-trong-ky-nguyen-vuon-minh-709168.html
Bình luận (0)