Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Kỷ luật học sinh: 3 câu chuyện cho nghỉ học 'chẳng đặng đừng'

Dự thảo thông tư quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh, thay hình thức kỷ luật cao nhất, đuổi học, bằng yêu cầu viết bản tự kiểm điểm.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên14/05/2025




Nhiều ý kiến tranh luận xung quanh quy định này trong dự thảo thông tư quy định khen thưởng và kỷ luật học sinh. Có người bạn tôi chia sẻ: "Từ trải nghiệm của bản thân, em thấy những học sinh "ngỗ nghịch" đa phần đều thiếu tình thương. Điều cần làm đối với các em là sự yêu thương, vỗ về, cảm thông của thầy cô. Kỷ luật là giải pháp cuối cùng, sau khi thầy cô đã trao đổi một cách kỹ càng với các em. Em tin, nếu thầy cô lắng nghe các em chia sẻ, có khi, thầy cô nhận ra sự vô tâm của chính mình". Tuy nhiên, cũng có người bạn nhận định: "Câu 'thương cho voi cho rọt' e là không còn thầy nhỉ!", "Và sau khi … viết bản tự kiểm điểm thì đâu lại vào đấy thôi ạ"…

Là nhà giáo và trải qua nhiều năm quản lý ở một trường THPT, tôi có nhiều câu chuyện xung quanh việc kỷ luật học sinh.

 - Ảnh 1.

Học sinh đánh nhau ngày càng trở nên phổ biến trong trường học

ảnh: CẮT TỪ CLIP

Chuyện thứ nhất

Năm đó, là hiệu trưởng một trường THPT, tôi nhận tin báo từ học trò, có nhóm nữ sinh lớp 10 của trường đánh nhau, một bạn nam ghi hình rồi đưa lên YouTube (lúc đó TikTok, Facebook chưa được học sinh dùng mấy).

Xem clip, tôi và thầy cô ai nấy đều sốc. Lần đầu các nhà giáo chúng tôi thấy trực tiếp nữ sinh lao vào đánh nhau, xé áo, dùng mũ bảo hiểm xuống tay. Lãnh đạo địa phương, phụ huynh, giáo viên yêu cầu tôi mạnh tay xử lý. Tôi băn khoăn, đuổi học một tuần thì "nhẹ", mà đuổi học một năm - tôi lại không muốn. May thay, lúc đó trường đang dạy học theo chương trình phân ban, quy chế cho phép "buộc thôi học có thời hạn". Bám "phao cứu sinh đó", tôi ra quyết định cho các em ngừng học 30 ngày. Trong thời gian nghỉ học, các em đến trường nhưng không được vào lớp mà tập trung ở văn phòng Đoàn để lao động vệ sinh trường lớp, viết thu hoạch, chép bài học (các bạn cùng lớp mang xuống)…

Có tiết kiểm tra, tôi nhờ giáo viên hướng dẫn thêm, cho phép các em kiểm tra cùng các bạn ở lớp. Với hình thức kỷ luật đó dù có một bộ phận giáo viên không đồng ý, đến giờ tôi vẫn cho rằng là quyết định đúng. Và kết quả là những em này được tiếp tục học tập, lên lớp 12 và ra trường.

Chuyện thứ hai

Có năm, vừa khép lại lễ khai giảng, tôi nhận tin một nam sinh lớp 11 làm clip "post" lên YouTube với lời lẽ tục tằn, hình ảnh phản cảm, nói xấu một ban nhạc tiếng tăm thế giới. Hộp thư điện tử của trường lúc đó liên tục nhận thư của các fan hâm mộ của ban nhạc. Lúc bấy giờ tôi thấm thía áp lực từ mạng xã hội. Tôi có suy nghĩ nếu lúc này vẫn để học sinh đó đến trường, em có an toàn không vì có quá nhiều lời hăm dọa. Tôi tạm thời cho em nghỉ học vài hôm vừa an toàn cho em, nhà trường có thời gian giải quyết vụ việc sao cho "trong ấm, ngoài êm".

Chuyện thứ ba

"Mày ngồi xuống đây, bố mày nói chuyện với mày!", đó là câu nói của một học sinh ngay tại lớp, trong giờ học, khi bị giáo viên "hỏi dồn" nội dung liên quan bài học.

Thử hỏi, hôm sau để em ấy đến trường, giáo viên - học sinh gặp nhau sẽ như thế nào? Cần thiết phải có khoảng lặng nên dẫu chẳng đặng đừng, tôi quyết định cho học sinh này ngừng học một, hai ngày để đôi bên lắng đọng. "Liều thuốc" cứ đi học, viết bản tự kiểm điểm e không hợp lý trong trường hợp này.

Kỷ luật học sinh: Cần sự phối hợp của gia đình, xã hội

Nhà trường luôn cần sự phối hợp của gia đình, xã hội trong việc giáo dục học sinh. Bất đắc dĩ nếu phải cho học sinh nghỉ học một thời gian, đây là lúc địa phương vào cuộc. Thôn, tổ dân phố, đoàn, hội tích cực xắn tay giúp nhà trường, học sinh bị kỷ luật dần được cảm hóa, tự mình thay đổi. 

Cùng với đó là trách nhiệm gia đình. Con ốm đau, cha mẹ xin nghỉ làm (và được nghỉ) để chăm sóc. Vậy, con bị kỷ luật cho thôi học mấy ngày, phụ huynh sao không xin nghỉ để cùng con em lúc đó? Nếu có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh, địa phương lúc học sinh bị đuổi học, chuyện tuy đắng, song cho cái kết nhân văn.

Cho nên dạy người có lúc phải "roi vọt" và kiên trì. Thách thức âm tính mỗi em mỗi khác, có em thích nói ngọt, có em thích được khen, có em muốn thể hiện, lại có em phải mạnh tay mới chịu vâng lời thầy cô. Tôi tin, và qua thực tế hơn 40 năm dạy học, không phải học sinh nào, bằng cách viết bản tự kiểm điểm, đều tiến bộ.

 - Ảnh 2.

Nhà trường luôn cần sự phối hợp của gia đình, xã hội trong việc giáo dục học sinh

ảnh: cắt từ clip

Kỷ luật học sinh: "Lấy ngắn nuôi dài"

Có tâm lý lo lắng rằng đuổi học học sinh có em không trở lại trường. Nhưng, điều đó có dẫn đến các em thất học? Khi có sự tác động sâu sắc đến học sinh, dẫu không trở lại trường (sau thời gian bị đuổi học), các em còn những cơ hội học tập khác.

Tự học, theo học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, địa phương (xã, phường) nào cũng có trung tâm học tập cộng đồng. Khi trẻ biết tự đứng lên, làm lại, trong sự giúp đỡ của mọi người thì tiếp tục việc học là chuyện có thể làm được.

Giáo dục từ xưa đến nay là sự nhuần nhuyễn giữa khen - chê, thưởng - phạt, ngọt ngào - trách cứ, bao dung - nghiêm khắc. Vận dụng "cặp phạm trù" đó, đòi hỏi nhà trường luôn tự học hỏi, ban giám hiệu giỏi quản trị trường học và thầy cô vừa có năng lực vừa trách nhiệm, tâm huyết.

Kỷ luật mức nào trước vi phạm học sinh đã khó, song khó hơn là sự phối hợp giáo dục như thế nào. Nếu buông lỏng, vô tâm, thì sau những lần viết bản tự kiểm điểm (khi bị kỷ luật) là đơn "tự nguyện" xin nghỉ học. Kỷ luật học sinh không thể xuất phát từ áp đặt chủ quan, thiếu cơ sở thực tiễn và khoa học. Thế nên, quy định các hình thức kỷ luật học sinh, trong bối cảnh hiện nay cũng nên xem xét "lấy ngắn nuôi dài".

Thăm dò ý kiến

Bạn có ủng hộ việc bãi bỏ hình thức đuổi học với học sinh vi phạm kỷ luật?

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Không nên kỷ luật học sinh bằng cách đuổi học các em

Vẫn nên giữ mức kỷ luật nặng nhất là đuổi học nếu học sinh vi phạm kỷ luật

Không nên đuổi học, nhưng cần cho học sinh vi phạm kỷ luật đi lao động công ích, dọn dẹp nhà vệ sinh công cộng. Hành vi bạo lực học đường, tùy mức độ nặng nhẹ, cần xử lý theo quy định của pháp luật

Bình chọnXem kết quả



Nguồn: https://thanhnien.vn/ky-luat-hoc-sinh-3-cau-chuyen-cho-nghi-hoc-chang-dang-dung-185250514105616509.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Mê mệt với loài chim dụ dỗ bạn tình bằng thức ăn
Bạn cần chuẩn bị gì khi du lịch Sapa vào mùa hè?
Vẻ đẹp hoang sơ và câu chuyện kỳ bí của mũi Vi Rồng tại Bình Định
Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm