ĐAM MÊ SÁNG TẠO
Ông Thiện xuất thân trong gia đình có truyền thống làm nghề cơ khí, chế tạo máy nông cụ. Trong đó, máy gặt đập liên hợp mang thương hiệu “Tư Sang” là một trong những sản phẩm đã làm nên tên tuổi, được cả nước biết đến.
Kỹ sư Thiện (bìa phải) không ngừng mài mò, sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ sản xuất nông nghiệp. |
Sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, ông Thiện thi vào Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, chuyên ngành Chế tạo máy. Tốt nghiệp ra trường, ông trở về quê nối nghiệp cha phát triển xưởng cơ khí thành Công ty TNHH MTV Tư Sang chuyên cải hoán, chế tạo máy nông cụ.
Với kiến thức tích luỹ được từ băng ghế nhà trường, kết hợp với kinh nghiệm của người cha và thực tế từ việc “bám” đồng ruộng, kỹ sư Thiện đã cùng các cộng sự không ngừng mài mò, sáng chế, cải tiến nhiều loại máy móc cơ giới hữu ích cho nghề trồng lúa trên khắp cả nước.
Một trong những dấu ấn nổi bật là nghiên cứu, cải tiến chiếc máy gặt đập liên hợp truyền thống. Đó là chiếc máy chạy bánh xích bằng bánh cao su để tăng khả năng chống lún khi di chuyển trên ruộng. Máy có thể thu họạch được lúa đổ ngã, ngay trong mưa. Sau khi tuốt lúa thì đưa lúa sạch lên thùng chứa mà không bị ảnh hưởng và lệ thuộc vào việc lúa có bị ướt hay không.
Theo kỹ sư Thiện, nghề cơ khí, nhất là chế tạo máy nông cụ tốn nhiều công sức và trí tuệ để nghiên cứu, tạo ra sản phẩm phù hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương. Do đó, trong quá trình sáng tạo, ông không chỉ áp dụng kiến thức mà còn phải trực tiếp bám sát thực tế trên đồng ruộng, sát cánh cùng nông dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để sáng chế ra các sản phẩm phù hợp.
Trải qua nhiều năm hoạt động, từ những nền tảng đạt được, công ty tiếp tục nghiên cứu để sản xuất ra các thiết bị cơ giới, máy móc ngày càng hiện đại phục vụ nông dân. Trước hết là giảm công lao động trước tình trạng khan hiếm lao động nông thôn hiện nay. Mặt khác, khi áp dụng các thiết bị mới sẽ tăng lợi nhuận cho nông dân.
Từ năm 2018 đến nay, ông đã sáng chế nhiều loại máy mới như: Máy gieo sạ, máy cuốn rơm, máy trộn phân… Đặc biệt, máy cuốn rơm tự hành do ông sáng chế có khả năng thu gom rơm trên diện tích 5 ha/ngày, thay thế khoảng 50 lao động thủ công.
Đây là một thiết bị rất được nông dân ưa chuộng. Bởi những năm gần đây, nông dân đẩy mạnh tận dụng nguồn rơm để chăn nuôi và phục vụ trồng trọt. Đến nay, công ty đã sản xuất hơn 500 chiếc máy cuốn rơm. Các loại máy khác như gieo sạ, trộn phân, xới vùi phân… cũng được sản xuất hàng trăm chiếc, phục vụ khắp các vùng miền trong cả nước.
Chia sẻ về hành trình gần 30 năm gắn bó với nghề cơ khí, kỹ sư Thiện tâm sự: “Tôi thấy nhu cầu cơ giới hóa ngày càng tăng cao, phải có nhiều loại máy giúp cho sản xuất đạt hiệu quả hơn, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân - từ làm đất, thu hoạch, xử lý rơm rạ đến gieo sạ… Nhiều lúc tôi rất trăn trở vì chưa giải quyết được vấn đề. Song khi làm được, tôi rất phấn khởi, vừa giúp công ty phát triển, vừa đáp ứng nhu cầu thực tế của bà con”.
KHÔNG NGỪNG CẢI TIẾN
Thực tế cho thấy, hiện nay, hầu hết các loại máy do kỹ sư Thiện cải tiến, sáng chế đều phù hợp thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm chi phí cho nông dân. Trong đó, máy gặt đập liên hợp đã đạt nhiều giải thưởng cao.
Máy gieo sạ hàng kết hợp vùi phân bón do Công ty TNHH MTV Tư Sang sáng chế tham gia Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp. |
Theo đó, công ty đã đạt giải Nhất Hội thi Máy gặt đập liên hợp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Hội thi Máy gặt đập liên hợp các tỉnh phía Bắc. Sản phẩm của doanh nghiệp đã được khách hàng tín nhiệm. Đây là động lực của công ty để phát triển.
Kỹ sư Thiện cho biết, xu hướng hiện nay của nước ta là tập trung triển khai Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Điều này có ý nghĩa rất quan trọng là sẽ đưa sản phẩm lúa - gạo của chúng ta chất lượng hơn, giảm chi phí và tăng lợi nhuận cho nông dân. Đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính để góp phần bảo vệ môi trường.
Trong Đề án này có nhiều công việc phải làm, trong đó có khâu cơ giới hoá. Theo đó, sau thời gian nghiên cứu, công ty đã phát triển được sản phẩm mới như máy gieo sạ kết hợp vùi phân bón. Công ty đã đi trình diễn tại rất nhiều mô hình và nhiều nơi để nhân rộng.
Kết quả đạt được khi sử dụng máy gieo sạ kết hợp vùi phân bón là giảm lượng giống gieo sạ khoảng 50%, giảm phân bón từ 10% - 20%; hiệu suất sử dụng phân bón tốt hơn; giảm thuốc bảo vệ thực vật từ 1 - 3 lần; năng suất tăng có thể từ bằng đến 15%. Từ đó, giúp giảm chi phí trong sản xuất lúa, tăng lợi nhuận.
Ông Châu Minh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại HK (phường Mỹ Phong, tỉnh Đồng Tháp) nhận xét: “Doanh nghiệp của anh Thiện đã hỗ trợ công ty chúng tôi thực hiện chuỗi giá trị sản xuất bằng việc sử dụng máy gieo sạ hàng kết hợp vùi phân bón để xây dựng mô hình chuẩn giảm phát thải. Nông dân lúc đầu có phần bỡ ngỡ, nhưng kết quả rất khả quan - giảm được lượng giống, tiết kiệm chi phí và hiệu quả kinh tế cao. Máy thì hoạt động rất tốt”.
Hiện nay, kỹ sư Thiện cùng cộng sự tại công ty đang tiếp tục nghiên cứu, cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nông dân, đặc biệt là trong Đề án Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp.
Kỹ sư Thiện chia sẻ thêm: “Chúng tôi luôn nghiên cứu từ máy móc, thiết bị đến thực nghiệm trên đồng ruộng tại nhiều nơi. Điều này nhằm đảm bảo máy hoạt động tốt ở nhiều địa hình khác nhau. Mục tiêu cuối cùng là hiệu quả kinh tế phải cao nhất. Lúc nào cũng phải cải tiến để sản phẩm hoàn thiện hơn”.
T. ĐẠT
Nguồn: https://baoapbac.vn/kinh-te/202507/ky-su-nguyen-hong-thien-voi-nhieu-san-pham-thuc-day-co-gioi-hoa-nong-nghiep-1047466/
Bình luận (0)