Ông Ngô Văn Soạn sinh năm 1947, dân tộc Nùng sinh ra và lớn lên tại thôn Nà Lù, xã Thiện Long, huyện Bình Gia cũ. Vừa tròn 19 tuổi, ông tình nguyện nhập ngũ, trở thành lính bộ binh thuộc Trung đoàn 6 – Sư đoàn 250, Quân khu Việt Bắc. Nhờ có trình độ văn hóa lớp 7, chiều cao vượt trội và thể lực tốt, ông vượt qua vòng tuyển chọn nghiêm ngặt, trở thành 1 trong 100 chiến sĩ xuất sắc được cử đi đào tạo phi công tại Liên Xô.
Tháng 5/1967, ông Soạn trở thành học viên dự bị khóa bay, khoác lên mình quân phục của Bộ đội Phòng không – Không quân, bắt đầu hành trình chạm tới bầu trời. Tháng 10/1968, ông chính thức cùng đoàn học viên sang Liên Xô (cũ) đào tạo tại Trường Không quân Liên Xô.
Tại Liên Xô, ông cùng đồng đội trải qua thời gian học tập nghiêm túc, từ tiếng Nga đến các môn lý thuyết hàng không cơ bản. Năm 1970, ông chính thức bước vào giai đoạn thực hành bay với máy bay phản lực L-29 Delfin do Tiệp Khắc sản xuất, sau đó là phi cơ tiêm kích phản lực MiG-21, tốc độ vượt 2 lần âm thanh (khoảng 2.175 km/h – 2.230 km/h), dòng máy bay chiến đấu hiện đại nhất lúc bấy giờ. Việc điều khiển dòng phi cơ này đòi hỏi độ chính xác đến từng centimet, chỉ cần chậm một giây trong thao tác cũng có thể dẫn đến tai nạn nghiêm trọng không thể sửa chữa.
Nói về những năm tháng học tập nơi xứ tuyết, ông Soạn xúc động: Hôm đó là một sáng đầu tháng 9/1969, chúng tôi đang hái nho giúp người dân tại nông trường, thì bất ngờ có một cán bộ Liên Xô chạy tới, gấp gáp nói: Các bạn ơi, về thôi! Bác Hồ của các bạn mất rồi. Cả đoàn học viên Việt Nam òa khóc nức nở, chúng tôi lập tức trở về trường, dựng bàn thờ, thắp nén hương tiễn biệt Bác trong niềm tiếc thương vô hạn.
Sau quá trình huấn luyện khắt khe, từ 100 học viên được tuyển chọn ban đầu, chỉ còn 40 người đủ điều kiện tốt nghiệp và ông Soạn là phi công người dân tộc Nùng duy nhất trong số đó.
Năm 1972, ông Soạn trở về nước với quân hàm Thiếu úy biên chế Trung đoàn Không quân tiêm kích 921, thuộc Sư đoàn Không quân 371 đóng quân tại sân bay Đa Phúc, Vĩnh Phúc (cũ). Nằm trong lực lượng dự bị sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ của ông là tập luyện, duy trì kỹ thuật bay, phối hợp tuần tra bảo vệ vùng trời biên giới (3 - 4 lần bay/tuần).
Sau năm 1975, ông được điều chuyển biên chế vào Trung đoàn tiêm kích 935, Sư đoàn Không quân 370 (tỉnh Đồng Nai), đóng quân tại sân bay Biên Hòa. Nhiệm vụ của ông cùng đồng đội là chế ngự các phương tiện bay thu giữ được của quân đội Sài Gòn như F-5, A-37, trực thăng... và tuần tra, cảnh giới, bảo vệ vùng trời phía Nam sau ngày giải phóng.
Ngày 4/2/1976, khi đang trên đường trở về từ chuyến tuần tra trên biển, khu vực đảo Trường Sa, chiếc F-5 do ông Soạn điều khiển bất ngờ mất lái, hỏng 2 động cơ, toàn bộ hệ thống điện bị sập. Bằng bản lĩnh của một phi công, ông bình tĩnh chế ngự phi cơ đáp xuống sân bay Biên Hòa, cố gắng lạng vào vùng cỏ ranh mọc rậm bên đường băng nhưng cú va chạm quá mạnh khiến chiếc phi cơ gẫy đôi, ông Soạn bị hất văng ra khỏi buồng lái, hai chân bị đè nát, chấn thương sọ não. Sau 8 ngày hôn mê và hơn 2 năm điều trị tại nhiều bệnh viện, ông may mắn giữ được sự sống.
Năm 1978, sau khi phục viên, ông trở về quê hương (huyện Bình Gia cũ), lập gia đình và sinh được hai người con gái. Là thương binh hạng 1/4, loại A, ông luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, cùng gia đình vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, hai con gái ông được xét cử tuyển ngành sư phạm, đến nay đều là giáo viên, công tác ổn định tại địa phương.
Dù trở về với thương tật nặng, không thể lao động sản xuất, nhưng người lính già chẳng hề bi quan. Ông tâm sự: Đến tận bây giờ, điều mà tôi tiếc nuối nhất là không được phục vụ Tổ quốc lâu hơn, vì để đào tạo một phi công như tôi, trung bình nhà nước mất khoảng 60kg vàng thời đó.
Chị Ngô Thị Xuân, con gái cả ông Soạn chia sẻ: Những chuyện thường ngày, ông hay bị lẫn, nhưng từng loại phi cơ, từng nút bấm trong buồng lái, từng chuyến tuần tra trên bầu trời vẫn được ông kể rất chi tiết. Tôi tự hào vì bố đã từng là người lính, người phi công dân tộc Nùng duy nhất lái MiG-21 thời đó.
Một cuộc đời dâng hiến cho bầu trời Tổ quốc, ông Soạn là nhân chứng sống cho ý chí kiên cường và lòng trung thành sắt son với Đảng, với Nhân dân. Tên ông được ghi danh trong cuốn “Kỷ yếu Phi công tiêm kích Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1964 – 1973)".
Nguồn: https://baolangson.vn/ky-uc-cuu-phi-cong-nguoi-nung-5053978.html
Bình luận (0)