Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ký ức của mẹ (Bài 3):

(Baothanhhoa.vn) - Khi chúng tôi viết những dòng này, là khi chỉ còn 44 Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) còn sống trong tổng số hơn 4.500 Mẹ của xứ Thanh. Song, rất ít Mẹ còn minh mẫn - ký ức cuộc đời mảng còn, mảng mất. Nhưng thẳm sâu trong tâm trí các mẹ luôn là bóng dáng của những người chồng, người con đã hoá thân mình vào dáng hình non sông, đất nước. Chúng tôi ghi lại những câu chuyện, có khi chỉ còn là những ký ức lặng lẽ, chắp vá và chắt chiu từ lời kể, từ ánh mắt và từ cả sự im lặng, như một sự ngưỡng vọng các Mẹ và như một nén tâm hương dành cho những người đã mãi mãi tuổi xanh.

Báo Thanh HóaBáo Thanh Hóa15/07/2025

Nhà Mẹ Việt Nam Anh hùng Trịnh Thị Vụ nằm nép mình trong con ngõ nhỏ, yên bình, mộc mạc ở thôn Mậu Thịnh, xã Ba Đình. Nhà mẹ những ngày tháng 7 lịch sử luôn thoang thoảng mùi khói hương. Cũng dễ hiểu, bởi trong những ngày cả nước thành kính tri ân người có công, nỗi nhớ chồng, con trai lại ùa về trong ký ức đứt quãng của người vợ, người mẹ 103 tuổi với hơn nửa thế kỷ đau đáu ước nguyện tìm và đón con trở về!

Ký ức của mẹ (Bài 3): 17 tuổi, Hội giấu tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ... rồi đi mãi không về

Cán bộ phòng Văn hoá, xã Ba Đình trò chuyện, động viên mẹ VNAH Trịnh Thị Vụ.

Ở ngoài bách niên, lẽ dĩ nhiên sức khoẻ mẹ Vụ đã mòn vẹt tựa như ký ức cuộc đời. Tai mẹ nghe không còn rõ, gương mặt buồn và cũng ít nói, ít cười, nhiều chuyện không còn nhớ rõ. Nhưng, mỗi khi khi nhắc tới chồng và người con trai duy nhất đã hy sinh vì sự trường tồn của quê hương, đất nước, mẹ lại nhớ rất rành rọt. Dường như, đó là tất cả “tài sản” nhân sinh mà mẹ dành dụm, gom góp, giữ cho riêng mình trong một đời lam lũ.

Ký ức của mẹ (Bài 3): 17 tuổi, Hội giấu tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ... rồi đi mãi không về

Mẹ VNAH Trịnh Thị Vụ kể về chồng, con bằng những ký ức chắp vá.

Ngước mắt nhìn lên phía bàn thờ, không có di ảnh, chỉ có 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công, mẹ kể: “Chồng tôi là dân công hoả tuyến, hy sinh khi ấy tôi mới sinh con trai thứ 2 được chừng 7 tháng. Nỗi đau lại chồng chất khi đứa con thứ cũng bị ốm bệnh, qua đời. Nhưng vì thằng Hội - đứa con trai lớn, giờ là con duy nhất, nên tôi nén lại nỗi đau để làm lụng những mong nuôi con nên người.

Thế rồi, 17 tuổi, Hội giấu tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Ngày con đi, tôi không đành lòng, nhưng con nói: “Con nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc và trả thù cho cha”... Tôi như đứt từng khúc ruột, nén nỗi đau để tiễn con lên đường. Và từ lần ấy, Hội đi mãi đến nay không về”.

Ngày con đi, tôi không đành lòng, nhưng con nói: 'Con nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc và trả thù cho cha'... Tôi như đứt từng khúc ruột, nén nỗi đau để tiễn con lên đường. Và từ lần ấy, Hội đi mãi đến nay không về.

Câu chuyện mẹ Vụ kể về chồng, về con trai không đầu không cuối... Đó là những đoạn ký ức chắp vá mà mẹ nhớ được sau những đoạn trường.

Mẹ Vụ có chồng là liệt sĩ Hoàng Văn Hối (1922-1952) - dân công hoả tuyến tham gia vận chuyển lương thực cho chiến dịch Điện Biên Phủ, hy sinh tại khu vực huyện Quan Hoá (cũ), tỉnh Thanh Hoá. Tiếp bước cha, 17 tuổi, người con trai duy nhất của mẹ là liệt sĩ Hoàng Văn Hội (1950-1969) xung phong ra trận và anh dũng hy sinh ở mặt trận phía Nam.

Năm 2008, khắc ghi, tri ân những hy sinh, mất mát lớn lao của mẹ, mẹ Trịnh Thị Vụ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Sau khi con trai hy sinh, mẹ Vụ sống một mình trong căn nhà nhuốm màu thời gian, với những ký ức không bao giờ ngủ yên. Mẹ luôn giữ tấm bằng Tổ quốc ghi công và giấy báo tử của chồng, con trai như những kỷ vật thiêng liêng nhất cuộc đời. Thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát lớn của người chị, em gái ruột của mẹ Vụ đã đồng ý đưa đứa con trai nhỏ của mình là Hoàng Văn Bình (khi ấy mới 9 tuổi) sang sống cùng bác cho thêm người, thêm tiếng.

Và bởi tình cảm, sự yêu thương, kính trọng với người phụ nữ đã lặng thầm hy sinh cho quê hương, đất nước, người cháu ấy đã trở thành con, yêu thương, chăm sóc mẹ Vụ với đúng nghĩa bổn phận người con.

Ký ức của mẹ (Bài 3): 17 tuổi, Hội giấu tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ... rồi đi mãi không về

Ông Hoàng Văn Bình yêu thương, chăm sóc mẹ Vụ với đúng nghĩa bổn phận người con.

Ông Bình chia sẻ: "Tôi thương mẹ như mẹ đẻ của mình, nên từ bé đã sống cùng mẹ. Mẹ là người thiệt thòi, nhưng với tôi chưa bao giờ thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc nên tôi nguyện dành cả đời mình để yêu thương, chăm sóc mẹ. Vợ, các con cháu của tôi cũng kính trọng, săn sóc mẹ như mẹ, bà, cố ruột thịt vậy”.

Đối với ông Bình, những ngày mới về sống cùng mẹ Vụ là những ngày gian khó, bởi trước những mất mát lớn, mẹ ấy đã không còn tỉnh táo, mỗi ngày đều thấm đẫm nước mắt. Ông Bình bộc bạch: "Sau khi anh Hội mất, mẹ Vụ như hoá điên. Ban ngày thì âm thầm đi làm đồng nhưng đêm đến chỉ ôm những kỷ vật của chồng, con trai khóc. Những ngày Tết Nguyên đán của rất nhiều năm sau đó, khi nhà nhà quây quần đoàn tụ, là những ngày mẹ đau đớn, suy sụp nhất. Có những năm, mẹ ôm kỷ vật của chồng, con trai khóc, từ sáng sớm đến tận giao thừa... Lúc ấy tôi còn nhỏ, chưa cảm nhận được hết nỗi đau này nhưng sau này tôi đã hiểu, mẹ đã kiên cường vượt qua nỗi đau, nỗ lực bước tiếp trên cuộc đời và dành phần tình cảm đó để yêu thương, chăm sóc tôi. Nên tôi càng thương mẹ, mẹ là động lực, tấm gương để tôi và con cháu noi theo, cống hiến sức mình cho Tổ quốc”.

Lúc ấy tôi còn nhỏ, chưa cảm nhận được hết nỗi đau này nhưng sau này tôi đã hiểu, mẹ đã kiên cường vượt qua nỗi đau, nỗ lực bước tiếp trên cuộc đời và dành phần tình cảm đó để yêu thương, chăm sóc tôi. Nên tôi càng thương mẹ, mẹ là động lực, tấm gương để tôi và con cháu noi theo, cống hiến sức mình cho Tổ quốc
Ông Hoàng Văn Bình - người cháu đã như con của mẹ Vụ

Được biết, trong nhiều năm sau ngày hoà bình, mẹ Trịnh Thị Vụ cùng gia đình, họ hàng đã phối hợp với cơ quan, đơn vị, các địa phương tìm mộ liệt sĩ Hoàng Văn Hội nhưng không có thông tin gì.

“Suốt hàng chục năm đằng đẵng, năm nào giỗ anh và kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7) mẹ cũng thắp nén hương gọi anh, nhớ mong anh như là anh đang hiện hữu trong gia đình này. Rồi có nhiều đêm mẹ khóc một mình. Trong giấc mơ vẫn hỏi “Hội ơi con ở đâu, có linh thiêng thì báo mộng để mẹ đón con trở về quê hương, bên gia đình, họ hàng” - ông Bình chia sẻ.

Ký ức của mẹ (Bài 3): 17 tuổi, Hội giấu tôi viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ... rồi đi mãi không về

Mẹ VNAH Trịnh Thị Vụ vẫn đau đáu ước mong tìm và đưa mộ người con trai duy nhất - Liệt sĩ Hoàng Văn Hội về với quê hương Ba Đình.

Những ngày tháng 7 lịch sử này, chúng ta học cách sống chậm lại, lắng lòng để chiêm nghiệm về lòng biết ơn, đức hy sinh. Trân trọng biết mấy những người mẹ đã chắt đau thương thành nhựa sống cho đời và ở đây - trong câu chuyện của mẹ Vụ, còn thấy cuộc đời này đẹp biết bao khi có những người như anh Bình đã tự nguyện thay thế lớp cha anh - đã hiến dâng tuổi xuân cho hoà bình, trở thành những người con bên các mẹ.

Đây cũng là câu chuyện mà chúng tôi sẽ trở lại trong bài cuối của mạch bài, ở một nơi yên bình miền sơn cước. Còn tiếp sau đây sẽ là một câu chuyện khác.

Lê Hoà

Bài 4: Mẹ là cô giáo làng, người làng gọi "mẹ Thanh"

Nguồn: https://baothanhhoa.vn/ky-uc-cua-me-bai-3-17-tuoi-hoi-giau-toi-viet-don-tinh-nguyen-len-duong-nhap-ngu-roi-di-mai-khong-ve-254685.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm