Nếu ví chiều dài lịch sử Việt Nam như một trường thi anh hùng ca thì chắc chắn những chương huy hoàng, chói sáng nhất là chương ca ngợi những người anh hùng. Nhớ về quá khứ là chúng ta biết nghiêng mình trước những hy sinh gian khổ của thế hệ cha ông đi trước, để chúng ta cảm nhận sự quý giá của độc lập tự do hôm nay. Bởi lịch sử được viết nên bởi chiến công của những anh hùng.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đi vào lịch sử tròn 70 năm. Nhưng ký ức về một thời khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, những ngày phá đá mở đường dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù để đảm bảo con đường giao thông vận tải, tiếp tế từ hậu phương lên chiến trường đến những trận đánh khốc liệt giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn hào trên các cứ điểm, hay cảm xúc hân hoan trong ngày vui chiến thắng vẫn còn hằn sâu trong trái tim của những người từng tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Ở tuổi 90, cựu thanh niên xung phong Hồ Ngọc Toàn mắt đã mờ, chân đã yếu nhưng những ký ức về những ngày tháng làm nhiệm vụ tại Ngã ba Cò Nòi vẫn vẹn nguyên trong tâm trí ông.
CCB HỒ NGỌC TOÀN, Chiến sĩ Điện Biên “Thời kỳ Chiến dịch Điện Biên chiều 5h bắt đầu hành quân ra giải quyết cho thông tuyến, nếu mà tắc làm thế nào có đường để xe đi qua, anh phải lấp hết hố bom cho các đoàn xe khác đi”
Mùa hè năm 1973, ông Lù Quốc Quân là một trong hơn 12 nghìn thanh niên của mảnh đất Sơn La lên đường nhập ngũ với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ. Lớp lớp thanh niên như ông Quân khi ấy đã dâng hiến tuổi thanh xuân đẹp nhất của mình lên đường bảo vệ Tổ Quốc.
CCB LÙ QUỐC QUÂN, thành phố Sơn La “Khi vào đến chiến trường là người con của dân tộc thái Sơn La đã quen với địa hình rừng các thủ trường giao nhiệm vụ đưa đoàn đi trinh sát. Lính trinh sát có nhiều đặc thù người ta thường nói lính trinh sát đi không dấu, nấu không khói, đi không to không tiếng, bí quyết giữ bí mật. Lính trinh sát thì hay đi trước về sau tại vì để chuẩn bị cho 1 trận đánh lính trinh sát phải đi trước từ nhiều tháng để cho các thủ trưởng cấp trên xây dựng kế hoạch và hạ quyết tâm chiến đấu”.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Cũng như nhiều địa phương khác, mảnh đất Sơn La đã tiễn đưa hàng chục ngàn con em lên đường bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường trở về quê hương cùng những ký ức mãi không bao giờ quên.
CCB NGUYỄN ĐÌNH TƯ, Chiến sĩ Điện Biên “Gian khổ thiếu ăn thiếu nước cả một tháng trời, thế nhưng mà tinh thần thì tuyệt vời, trong trận chiến, bắn nhau nó ngã mình cũng ngã, thế nhưng mà bên ta không ai lùi bước, ai là người cộng sản thì xông lên…”.
CCB HỒ NGỌC TOÀN, Chiến sĩ Điện Biên “Lúc mà đang làm có trường hợp hy sinh có lực lượng giải quyết. Còn mình vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ chính của mình làm sao để đảm bảo giao thông thông suốt”
Chiến tranh qua đi, những anh hùng về với đời thường, họ là những người ông, người bà nhân hậu và là những người hàng xóm quanh ta, cơ thể dẫu không còn lành lặn những những năm tháng tuổi trẻ nơi chiến trường với họ luôn là những năm tháng tự hào.
CCB LÙ QUỐC QUÂN, thành phố Sơn La “Tôi cũng đã từng là thế hệ trẻ, ở tuổi 18 tham gia quân đội bảo vệ tổ quốc xin gửi gắm đến các cháu thế hệ trẻ thường xuyên tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn góp phần xây dựng đất nước chúng ta ngày càng giàu đẹp và ổn định”
“Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó san sẻ/Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời...”
Thực hiện: Quốc Hưng - Đình Đức
Nguồn: https://sonlatv.vn/ky-uc-nhung-nguoi-linh-25226.html
Bình luận (0)