Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Lãi suất huy động giảm liên tục, lãi cho vay sắp tới ra sao?

(Dân trí) - Lãi suất huy động giảm hàng loạt tại nhiều ngân hàng từ đầu năm. Chuyên gia dự báo 6 tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm nhẹ, song sẽ diễn biến linh hoạt, có chọn lọc.

Báo Dân tríBáo Dân trí19/05/2025

29 ngân hàng thương mại trong nước đã hạ lãi suất huy động từ 0,1 đến 1,05 điểm %/năm sau chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước từ cuối tháng 2, đưa mặt bằng lãi suất tiết kiệm về vùng giá thấp nhất một năm trở lại đây. Với kỳ hạn gửi tiết kiệm 12 tháng, chỉ duy nhất một ngân hàng trên thị trường trả lãi suất 6%/năm. 

Động thái này diễn ra sau khi Thủ tướng chỉ đạo "nóng" thanh, kiểm tra các nhà băng tăng lãi suất huy động thời gian qua. Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, không thực hiện đúng chỉ đạo. Trong đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cần xem xét, quyết định sử dụng các công cụ quản lý về hạn mức tăng trưởng tín dụng và thu hồi giấy phép theo quy định.

Lãi suất giảm: Cơ hội hỗ trợ tăng trưởng nhưng cần nhìn nhận thận trọng

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa tài chính - ngân hàng, Trường Đại học Nguyễn Trãi, nhận định lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng thương mại thời gian gần đây vẫn tiếp tục xu hướng giảm nhẹ. 

Theo vị này, đây là kết quả của chủ trương nhất quán từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong việc ổn định mặt bằng lãi suất ở mức hợp lý, qua đó tạo dư địa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và phục hồi sản xuất - kinh doanh sau giai đoạn khó khăn kéo dài.

Ông nhận định sự điều chỉnh giảm này không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật, mà còn thể hiện tín hiệu tích cực về thanh khoản hệ thống, kỳ vọng kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô đang được củng cố. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng việc lãi suất huy động giảm không đồng nghĩa với lãi vay sẽ giảm ngay lập tức và đồng loạt. 

"Ngân hàng thương mại vẫn phải cân đối các yếu tố như rủi ro tín dụng, áp lực dự phòng nợ xấu, và biên độ lợi nhuận", ông cho biết. 

Lãi suất huy động giảm liên tục, lãi cho vay sắp tới ra sao? - 1

Lãi suất cho vay được kỳ vọng giảm khi lãi suất tiết kiệm giảm (Ảnh: Mạnh Quân).

Ông dự báo, 6 tháng cuối năm, mặt bằng lãi suất cho vay có thể duy trì xu hướng giảm nhẹ, song sẽ diễn biến linh hoạt, có chọn lọc. 

Mức độ giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào 3 yếu tố. Thứ nhất là chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước thông qua việc hạ chi phí vốn hợp lý để hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng không đánh đổi ổn định vĩ mô và an toàn hệ thống.

Thứ 2 là tình hình nợ xấu thực tế trong hệ thống ngân hàng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và cuối cùng là những diễn biến bên ngoài như chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), giá USD, giá dầu… có thể tạo ra những biến số khó lường trong ngắn hạn.

Tuy nhiên, với sự ổn định của vĩ mô trong nước và dư địa chính sách tiền tệ còn khá linh hoạt, ông Huy cho rằng xu hướng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục "dịu lại", đặc biệt cho nhóm khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các lĩnh vực ưu tiên.

Theo chuyên gia, mặt bằng lãi suất đã bước vào vùng "tương đối ổn định", nhưng vẫn tiềm ẩn khả năng dao động nhẹ trong ngắn hạn. Sự ổn định hiện tại là kết quả của điều hành chủ động và linh hoạt, nhưng cũng rất nhạy cảm với các cú sốc từ bên ngoài hoặc sự biến động trong nội tại hệ thống tài chính - ngân hàng.

Ông Huy cũng nhận định dư địa chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng vẫn còn. "Đó là việc hạ thêm lãi suất điều hành nếu áp lực tỷ giá không lớn; giãn nới room tín dụng linh hoạt hơn, theo hướng ưu tiên các lĩnh vực sản xuất thực, nhà ở xã hội, doanh nghiệp nhỏ và vừa…", vị này nêu.

Tuy nhiên, theo ông, Ngân hàng Nhà nước cũng thể hiện sự thận trọng và kiểm soát rủi ro rất rõ ràng, nhằm tránh lặp lại những hệ quả tiêu cực trong quá khứ khi nới lỏng quá mức. Tức là, chính sách sẽ "nới nhưng có kiểm", "mở nhưng không ồ ạt", phù hợp với từng giai đoạn phục hồi của nền kinh tế.

Xu hướng giảm lãi suất hiện nay là tín hiệu tích cực

Tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương và được kỳ vọng tiếp tục cải thiện. Theo ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý I, tăng trưởng tín dụng đạt 3,93%, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. 

PGS TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), nhận định tăng trưởng tín dụng giảm trong 2 tháng đầu năm nay chủ yếu do tính chất mùa vụ đầu vào, thời gian nghỉ Tết Nguyên Đán và do dư nợ đã tăng cao trong quý IV/2023. Thông thường, nhu cầu vốn của khách hàng sẽ tăng trở lại từ quý II và cải thiện dần trong các quý sau đó, nhất là từ đầu quý IV - mùa kinh doanh cao điểm.

Theo ông tín dụng được kỳ vọng sẽ cải thiện dần trong các tháng tới, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay đang duy trì ở mức thấp. 

"Nhưng theo quan điểm của tôi, khả năng cao tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ không đạt mục tiêu 15% đặt ra, mà chỉ ở mức 10-11% do kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu vốn của khách hàng doanh nghiệp chưa cao, sức mua thị trường còn yếu, doanh nghiệp chưa mặn mà sử dụng vốn vay mở rộng sản xuất, kinh doanh", ông nêu.

Trong khi đó, với khách hàng cá nhân, tuy nhu cầu vay vốn mua nhà, vay tiêu dùng luôn tăng cao, nhưng do thu nhập bị ảnh hưởng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nên chưa nhiều người dám nghĩ đến việc vay vốn mua nhà, cho dù lãi suất đã giảm.

Ông Huân đánh giá, tăng trưởng kinh tế đang phục hồi trở lại dù mức độ còn yếu. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng nỗ lực giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ, chia sẻ cùng khách hàng trong bối cảnh khó khăn. "Do dó, khả năng chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì nới lỏng để hỗ trợ kinh tế", ông nhận định.

Lãi suất huy động giảm liên tục, lãi cho vay sắp tới ra sao? - 2

Tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương và được kỳ vọng tiếp tục cải thiện (Ảnh: Mạnh Quân).

Với nhóm người dân có nhu cầu mua nhà để ở thật, ông Nguyễn Quang Huy đánh giá xu hướng giảm lãi suất hiện nay là tín hiệu tích cực. Các ngân hàng thương mại đang tung ra nhiều gói tín dụng với lãi suất ưu đãi kéo dài 12-24 tháng, lãi suất thả nổi sau đó cũng đã "mềm" hơn giai đoạn 2023.

Tuy nhiên, vị này cho rằng không nên quá kỳ vọng lãi suất sẽ tiếp tục giảm sâu hoặc duy trì ở mức thấp dài hạn, bởi biến động bên ngoài (tỷ giá, giá hàng hóa, chính sách toàn cầu) vẫn có thể khiến chu kỳ lãi suất quay đầu vào giai đoạn 2026-2027.

Với người có nhu cầu vay mua nhà, ông đưa ra lời khuyên vay trong khả năng tài chính có thật, không vay "đuổi theo giấc mơ sở hữu bất động sản" nếu dòng tiền không vững. Tỷ lệ vay tối đa theo ông tư vấn chỉ bằng 50% giá trị căn hộ để đảm bảo cân đối tài chính. 

Ngoài ra, người vay cần chọn gói vay có thời gian ưu đãi dài, lãi suất sau ưu đãi rõ ràng, tránh các điều khoản "ẩn".

"Bên cạnh đó là tận dụng thời điểm hiện tại để đàm phán các điều khoản tốt hơn về ân hạn nợ gốc, phí trả nợ sớm, vì ngân hàng đang chủ động thúc đẩy tăng trưởng tín dụng", ông Huy nêu. 

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/lai-suat-huy-dong-giam-lien-tuc-lai-cho-vay-sap-toi-ra-sao-20250519140035829.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Thế giới hoang dã trên đảo Cát Bà
Cảnh bình minh đỏ rực như lửa tại Ngũ Chỉ Sơn
10.000 món đồ cổ đưa bạn trở về Sài Gòn xưa
Nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm