Huy bận rộn với công việc rơm rạ của mình

Khi nói đến những tấm gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi, lan tỏa tinh thần vươn lên làm chủ kiến thức, làm ra của cải vật chất, chung tay cùng địa phương phát triển kinh tế, xây dựng quê hương Phú Vang ngày càng phát triển, chị Mai Thị Thanh Thảo, Bí thư Huyện đoàn Phú Vang dành những lời trân trọng đối với anh Tống Quốc Huy. Đây là thanh niên làm giàu từ rơm rạ với lãi ròng hàng trăm triệu đồng mỗi năm; tạo công ăn việc làm cho khoảng 25 lao động địa phương mỗi mùa thu hoạch và 6 lao động thường xuyên tại kho bãi.

Anh Tống Quốc Huy nở nụ cười mộc mạc khi chia sẻ về “nhân duyên” với rơm rạ. Sinh ra, lớn lên tại xã thuần nông Phú Lương, ngay từ khi còn là học sinh, anh Huy đã theo chân cha mẹ, các anh ra đồng ruộng để phụ giúp gia đình. Sau khi tốt nghiệp THPT, lựa chọn sẽ theo nghề nông, anh Huy quyết định phụ giúp người anh ruột đã lập gia đình riêng, sinh sống bằng nghề nông và cung cấp dịch vụ nông nghiệp.

Đến năm 2017, Huy lên đường nhập ngũ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính trong thời gian tại ngũ, sau đó anh trở về địa phương tìm hướng bứt phá trên đồng ruộng. Anh trăn trở: rơm để ủ làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi, che phủ cây trồng, làm nấm rơm rất hữu ích, mà người nông dân vẫn đốt rơm rạ ngay trên đồng (để khỏi tốn công thu gom, kịp thời cày đất, gieo cấy vụ tiếp theo), như vậy vừa lãng phí nguồn tài nguyên, vừa thoái hóa đất canh tác, gây ô nhiễm môi trường.

“Anh trai tôi từng trăn trở, muốn đầu tư mua máy cuốn rơm, cung cấp dịch vụ, nhưng vì sợ người nông dân khó thay đổi thói quen nên còn ngại ngần” - Huy nhớ lại. Song, với quyết tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông dân trẻ Tống Quốc Huy đã tìm tòi, học hỏi từ nhiều nơi, nhiều nguồn, tham gia "nhóm máy cuốn rơm” để tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm nhằm tạo thêm niềm tin, cơ sở để anh trai tự tin đầu tư 1 máy cuốn rơm 350 triệu đồng.

Thấy rõ hiệu quả từ thực tế, bà con nông dân dần hưởng ứng sử dụng dịch vụ cuốn rơm. Từ xã Phú Lương, Huy cùng máy cuốn rơm của mình “đi ra” các xã khác của huyện Phú Vang; các địa phương khác như: Quảng Điền, Hương Thủy... Không lâu sau đó, Huy đã hoàn trả toàn bộ vốn đầu tư ban đầu cho anh trai. Với chiếc máy cuốn rơm này, mỗi năm Huy thu lãi ròng khoảng 200 triệu đồng.

Tìm kiếm, mở rộng thị trường và các mối quan hệ làm ăn, công việc sản xuất, kinh doanh của Huy ngày càng phát triển bền vững. Bây giờ, ngoài máy cuốn rơm vừa nêu, Huy còn chung vốn với anh trai đầu tư mua sắm thêm 3 máy cuốn rơm, kho chứa rơm, máy nâng và nhiều máy móc thiết bị khác. Những chiếc máy cuốn rơm mấy năm qua đã “đi ra” các tỉnh Quảng Bình, Thanh Hóa… Đến các địa phương khác, nếu người dân không lấy rơm, Huy đưa về kho dự trữ để làm nấm hoặc xuất bán cho các tỉnh, thành khác và qua Lào để phục vụ chăn nuôi, ủ làm phân hữu cơ.

Huy cho biết: Mỗi mùa vụ, anh tạo công ăn việc làm cho tầm 25 lao động làm việc trên đồng ruộng, với mức thu nhập khoảng 650 nghìn đồng mỗi ngày. Riêng 6 lao động thường xuyên tại kho bãi, mức thu nhập mỗi người khoảng 400 nghìn đồng mỗi ngày. Là thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Phú Vang năm 2024, được Tỉnh đoàn (nay là Thành đoàn) tuyên dương “Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác”, đến nay, Huy tiếp tục phát huy rất hiệu quả công việc.

Theo chị Hồ Thị Thao, Bí thư Xã đoàn Phú Lương: Trong vai trò Bí thư chi đoàn thôn, Huy rất năng nổ, nhiệt huyết, trách nhiệm, chung tay đóng góp hiệu quả vào những thành tích mà xã đoàn đạt được thời gian qua. Đặc biệt, Huy là tấm gương để đoàn viên thanh niên trên địa bàn học hỏi và có động lực vươn lên trong lao động sản xuất và cuộc sống.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh

Nguồn: https://huengaynay.vn/kinh-te/lam-giau-nho-rom-ra-153893.html