Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Làm sao để chuyển đổi xanh không phải là gánh nặng với doanh nghiệp?

(Dân trí) - Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững. Làm sao để hành trình này không trở thành gánh nặng?

Báo Dân tríBáo Dân trí28/07/2025

Chuyển đổi xanh đang trở thành yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, hành trình này không hề dễ dàng, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Nhiều doanh nghiệp e ngại không đủ năng lực tài chính để áp dụng công nghệ sạch, cải tiến quy trình hay thay đổi mô hình sản xuất theo hướng phát thải thấp. Trong khi đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật, chứng chỉ xanh, yêu cầu đo lường và báo cáo phát thải lại khá mới mẻ, khó tiếp cận với phần lớn doanh nghiệp.

Không ít doanh nghiệp cũng chia sẻ họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn xanh. Thiếu thông tin, thiếu cơ chế phù hợp và thiếu sự hỗ trợ đồng bộ từ các tổ chức tài chính là những rào cản hiện hữu.

Doanh nghiệp nhỏ vẫn xem chuyển đổi xanh là “việc của công ty lớn”

Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Xanh TPHCM - nhận định chuyển đổi xanh hiện nay không còn là vấn đề đạo đức hay thiện chí tự nguyện của doanh nghiệp, mà đã trở thành một "rào cản kỹ thuật" rõ ràng trong thương mại quốc tế.

Chuỗi tọa đàm trực tuyến “Talk GreenBiz - La bàn tăng trưởng xanh” do báo Dân trí phối hợp Quỹ Vì tương lai xanh (thuộc Tập đoàn Vingroup) tổ chức thực hiện.

Mục tiêu của chuỗi nhằm góp phần thúc đẩy các hành trình xanh trong cuộc sống hàng ngày, nâng cao nhận thức cộng đồng và kêu gọi mỗi cá nhân hành động ngay hôm nay để bảo vệ môi trường cho các thế hệ tương lai.

Theo ông, các thị trường lớn như Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đang áp dụng hàng loạt quy định khắt khe như thuế carbon, chứng chỉ môi trường, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn tái chế và phát thải. "Doanh nghiệp không đáp ứng được sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu - không có ngoại lệ và cũng không có thương lượng", ông Kỳ nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông thừa nhận hiện chỉ có chưa đến 20% doanh nghiệp Việt Nam nhận thức đầy đủ về tính chất bắt buộc của xu hướng này. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, vẫn xem chuyển đổi xanh là "việc của công ty lớn". Ngay cả với những sản phẩm tưởng như đơn giản như áo thun, đinh vít hay gạo, nếu muốn xuất khẩu, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ các tiêu chuẩn xanh quốc tế.

Làm sao để chuyển đổi xanh không phải là gánh nặng với doanh nghiệp? - 1

Không ít chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn nghĩ chuyển đổi xanh là hoạt động "mỹ miều", tốn kém và khó sinh lời (Ảnh: FreePik).

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI và tập đoàn lớn đã chủ động đầu tư vào kiểm soát môi trường, số hóa quy trình, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn và tham gia các sáng kiến ESG hay cam kết Net Zero. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp vừa và nhỏ - chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam - vẫn đang ở giai đoạn nhận thức sơ khai, hoặc chưa coi đây là yêu cầu bắt buộc.

Ông Kỳ cho biết không ít chủ doanh nghiệp nhỏ vẫn nghĩ chuyển đổi xanh là hoạt động "mỹ miều", tốn kém và khó sinh lời. Song theo ông, đó là sự ngộ nhận. Ông chia sẻ, bản thân hiểu và cảm thông với những lo lắng này, bởi nhiều doanh nghiệp thực sự thiếu thông tin, không đủ nguồn lực và chưa có một hệ sinh thái hỗ trợ phù hợp.

Về các rào cản lớn nhất, ông Kỳ chỉ ra 3 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhận thức chưa đúng, nhiều doanh nghiệp vẫn xem chuyển đổi xanh là một dạng “từ thiện môi trường” thay vì một chiến lược sống còn.

Thứ 2, thiếu nguồn lực cả về tài chính lẫn công nghệ, trong khi các giải pháp xanh đạt chuẩn quốc tế thường cần chi phí đầu tư cao. Thứ 3, thiếu cơ chế hỗ trợ đồng bộ từ chính sách, chuyên gia, công nghệ đến hệ thống ngân hàng xanh, khiến doanh nghiệp lúng túng không biết bắt đầu từ đâu.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm học tập và làm việc tại Mỹ và 2 năm làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ông Hoàng Quốc Bảo, Giám đốc điều hành SPACE ASEAN, Đại học Southern Arkansas (Mỹ) nhận định doanh nghiệp đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi xanh (green transition) của một quốc gia. 

"Các nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới chỉ ra các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng thải ra gần 75% khí nhà kính toàn cầu, chưa kể các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác. Vì thế quá trình chuyển đổi xanh của một quốc gia phải bắt đầu từ doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.

Theo ông Bảo, thời gian qua, chính quyền Việt Nam đã làm tương đối tốt việc cổ vũ các doanh nghiệp ý thức về việc chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung đang vướng phải một số trở ngại. 

Trở ngại đầu tiên là sự e ngại trong việc áp dụng công nghệ sạch vào sản xuất - vốn vẫn còn khá mới, kể cả tại các nước phát triển như Mỹ và châu Âu. “Chi phí đầu tư cho các công nghệ này còn khá cao so với khả năng của nhiều doanh nghiệp Việt. Ngoài ra việc chuyển giao công nghệ cho các công nghệ này vẫn khá e dè từ các nước phát triển”, ông Bảo cho biết.

Làm sao để chuyển đổi xanh không phải là gánh nặng với doanh nghiệp? - 2

Các nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới chỉ ra các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng thải ra gần 75% khí nhà kính toàn cầu (Ảnh: Reuters).

Một thách thức khác là khả năng tiếp cận tín dụng xanh. Dù đây là nguồn lực quan trọng để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, nhưng phần lớn doanh nghiệp Việt chưa đáp ứng đủ điều kiện. “Nhiều doanh nghiệp chưa chứng minh được lộ trình và chiến lược giảm phát thải rõ ràng, khiến họ không đủ tiêu chuẩn vay vốn xanh”, ông nói.

Ngoài ra, để đạt được các tiêu chí tín dụng xanh, doanh nghiệp phải thay đổi nhiều khâu trong mô hình kinh doanh. Ông cho rằng những hoạt động này cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thu nhập của doanh nghiệp trong thời gian trước mắt.

Cần chiến lược đột phá nào?

Từ góc độ Hiệp hội Doanh nghiệp Xanh TPHCM, ông Đinh Hồng Kỳ cho biết chiến lược đột phá nên bắt đầu từ gốc rễ là nâng cao nhận thức và xây dựng lòng tin. Hiệp hội hiện đang triển khai các khóa đào tạo thực tiễn, cung cấp kiến thức chuẩn xác về ESG, lan tỏa các mô hình thành công, bài học kinh nghiệm để truyền cảm hứng. 

“Khi doanh nghiệp hiểu đúng, có niềm tin và thấy được hiệu quả cụ thể, chuyển đổi xanh sẽ không còn là nỗi lo, mà trở thành động lực phát triển”, ông nói.

Một điểm quan trọng khác mà ông Kỳ nhấn mạnh là chuyển đổi xanh không chỉ là bài toán kỹ thuật hay công nghệ, mà còn là sự thay đổi trong tư duy lãnh đạo. Theo ông, điều tiên quyết là người đứng đầu phải thay đổi cách nhìn về trách nhiệm và giá trị của phát triển. 

Theo ông, sự “tỉnh thức” ấy là nền tảng của sự chuyển hóa. Khi người lãnh đạo hiểu rằng làm ăn đúng nghĩa là làm ăn có trách nhiệm, chuyển đổi xanh không còn là gánh nặng, mà là con đường đúng đắn và bền vững. Để đi được con đường này, họ cũng cần từ bỏ tư duy “một mình gánh vác”.

Làm sao để chuyển đổi xanh không phải là gánh nặng với doanh nghiệp? - 3

Ông Đinh Hồng Kỳ cho rằng nếu nắm bắt đúng thời điểm, doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và nâng cao uy tín với đối tác toàn cầu (Ảnh: HGBA).

Vị chuyên gia cho rằng chuyển đổi xanh là hành trình dài và phức tạp, đòi hỏi sự cộng tác với chuyên gia, tinh thần học hỏi liên tục và sẵn sàng thay đổi từ bên trong. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ vẫn cho rằng “mình quá bé để xanh” hoặc “đợi người khác làm trước”. 

Nhưng ông Kỳ khẳng định, chuyển mình chỉ xảy ra khi người đứng đầu dám mở lòng, truyền tinh thần xanh cho đội ngũ - không phải để đối phó, mà để thay đổi thực chất. "Điều quan trọng là phải nhìn nhận chuyển đổi xanh như một cơ hội. Nếu nắm bắt đúng thời điểm, doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường, thu hút đầu tư và nâng cao uy tín với đối tác toàn cầu", ông nói. 

Trên thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam nhờ quyết tâm xanh hóa mà trở thành đối tác của các tập đoàn quốc tế - phần thưởng xứng đáng cho những người dám đi trước.

"Tóm lại, lãnh đạo doanh nghiệp không cần biết hết về chuyển đổi xanh, nhưng phải dám xanh hóa chính mình. Khi tư duy thay đổi, công nghệ và giải pháp sẽ theo sau. Và khi trái tim đã "xanh", mọi quyết định kinh doanh sẽ tự nhiên hướng đến sự bền vững", ông Đinh Hồng Kỳ nhấn mạnh.

Để giúp doanh nghiệp Việt Nam trong việc giảm phát thải, TS Hoàng Quốc Bảo cho rằng doanh nghiệp nên tập trung vào thay đổi hành vi. Cụ thể, doanh nghiệp có thể áp dụng các biện pháp như không dùng điện, đèn khi không có nhu cầu; nhân viên lái xe hạn chế tăng tốc nhanh và thắng gấp; chọn những đoạn đường ngắn nhất khi vận chuyển hoặc đi lại. 

"Một số công ty tại Mỹ đã tổ chức các lớp dạy cho nhân viên những kỹ năng sử dụng năng lượng hiệu quả nêu trên", vị chuyên gia chia sẻ. 

Làm sao để chuyển đổi xanh không phải là gánh nặng với doanh nghiệp? - 4

Chuyển đổi xanh không chỉ là bài toán kỹ thuật hay công nghệ, mà còn là sự thay đổi trong tư duy lãnh đạo (Ảnh: FreePik).

Bên cạnh đó, ông Bảo cho rằng doanh nghiệp cũng cần thay đổi mô hình kinh doanh. Trong thời gian qua, nhiều nhà nghiên cứu cũng như lãnh đạo doanh nghiệp đề cập mô hình kinh doanh mới với hàm lượng carbon thấp (low-carbon business model). 

"Ví dụ, doanh nghiệp nông nghiệp có thể áp dụng mô hình nông nghiệp bền vững - sử dụng ít phân hóa học, áp dụng kỹ thuật canh tác giảm carbon. Doanh nghiệp sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng có thể chuyển sang dùng nhiên liệu ít carbon thay vì nhiên liệu hóa thạch", ông dẫn chứng. 

Kinh nghiệm quốc tế

Về phía cơ quan quản lý, để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, TS Hoàng Quốc Bảo cho rằng thể chế và hỗ trợ phía cơ quan quản lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp. 

Ông dẫn chứng Chính phủ Mỹ có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh. Những chính sách này bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch hay tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các nguồn tín dụng xanh. 

"Chính phủ Mỹ còn cung cấp quỹ và hỗ trợ việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ sạch. Hiện nay Mỹ vẫn đang dẫn đầu thế giới về công nghệ xanh và công nghệ sạch", ông Bảo nói.

Từ góc nhìn của một học giả Mỹ trong lĩnh vực phát triển bền vững, TS Bảo cho rằng cơ quan quản lý Việt Nam nên có các chương trình ủng hộ việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ và thực hành xanh và sạch. Những nghiên cứu này tập trung và đặc thù các ngành công nghiệp và nông nghiệp tại Việt Nam. 

"Ví dụ như mô hình vườn - ao - chuồng rất hiệu quả trong việc tận dụng các phế phẩm. Và kết quả là giảm được phát thải khí nhà kính. Mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh cũng là thực hành giảm thải hiệu quả. Mô hình nông nghiệp này sử dụng ít điện và ít thức ăn nên đóng góp nhiều về việc giảm phát thải khí nhà kính", vị chuyên gia dẫn chứng.

Làm sao để chuyển đổi xanh không phải là gánh nặng với doanh nghiệp? - 5

TS Hoàng Quốc Bảo cho rằng thể chế và hỗ trợ phía cơ quan quản lý đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh của doanh nghiệp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Theo ông, cơ quan quản lý cũng nên hoàn thiện bộ quy chuẩn hướng dẫn các ngân hàng và các quỹ tín dụng xanh quốc tế tại Việt Nam. Các chính sách mới này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam tiếp cận các nguồn vốn xanh trong nước và quốc tế. 

“Đồng thời, cơ quan quản lý cũng nên có các ưu đãi về thuế (tax credits) cho các doanh nghiệp áp dụng các công nghệ sạch để giảm thải”, ông đề xuất.

Một yếu tố quan trọng khác là nguồn nhân lực. Theo ông Bảo, Việt Nam hiện thiếu đội ngũ chuyên gia thực thụ trong lĩnh vực ESG và phát triển bền vững để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hành đúng chuẩn quốc tế. "Chuyển đổi xanh không chỉ là yêu cầu về trách nhiệm xã hội, mà còn là yếu tố sống còn để doanh nghiệp cạnh tranh và tồn tại trên các thị trường lớn như châu Âu hay Mỹ trong tương lai", ông Bảo nhấn mạnh.

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/lam-sao-de-chuyen-doi-xanh-khong-phai-la-ganh-nang-voi-doanh-nghiep-20250725151134205.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chủ đề

Cùng chuyên mục

Đội hình mũi tên 5 tiêm kích SU-30MK2 đầy uy lực chuẩn bị cho đại lễ A80
Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm