
Ấn tượng với các ý tưởng
Bộ thiết bị hỗ trợ lái xe an toàn chống đạp nhầm chân ga, cảnh báo nồng độ cồn trên xe của Phạm Gia Huy - Nguyễn Văn Như (Trường THCS Lê Lợi, TP.Tam Kỳ) được đánh giá có nhiều ưu điểm nổi bật, cùng với 2 sản phẩm khác, vượt qua hơn 60 sản phẩm tham gia cuộc thi để đoạt giải Nhất.
Chia sẻ về ý tưởng hình thành sản phẩm tham gia cuộc thi, hai cậu học trò lớp 9 đến từ xã Tam Thăng cho biết, giải pháp xuất phát từ thực trạng tai nạn giao thông do ô tô mà nguyên nhân phổ biến là do chủ quan của con người, tài xế đạp nhầm chân ga, sử dụng rượu bia và buồn ngủ vào ban đêm.
“Từ thực tế đáng lo ngại đó, chúng em quyết định nghiên cứu và thiết kế sản phẩm thiết bị hỗ trợ lái xe an toàn chống đạp nhầm chân ga, cảnh báo nồng độ cồn trên xe, cảnh báo ngủ gật cho tài xế nhằm góp phần khắc phục tai nạn giao thông” - Văn Như nói.
Gia Huy cho biết, có nhiều người lựa chọn các giải pháp khác nhau nhưng đến nay chưa giảm thiểu được tai nạn giao thông. Vì vậy, sản phẩm với mô đun cảm biến, dù không phải lần đầu tiên, nhưng chúng em tự tin có cách thực hiện khác và có thể ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.
Quy trình hoạt động để chống đạp nhầm chân ga là sử dụng Arduino, biến trở và servo. Khi tài xế đạp ga đều, xe hoạt động bình thường nhưng khi đạp mạnh, đột ngột tăng ga trong thời gian ngắn thì hệ thống sẽ tự ngắt động cơ và kích hoạt phanh tự động.
Hoặc khi tài xế vào xe, nếu có nồng độ cồn thì hệ thống sẽ phát còi cảnh báo và ngắt điện khởi động khiến xe không thể vận hành. Tương tự, nếu tài xế ngủ gật (nhắm mắt quá 3 giây) thì hệ thống loa phát cảnh báo.
Trong khi đó, sản phẩm Phần mềm tự học giáo dục địa phương lớp 8 và cẩm nang số về văn hóa - lịch sử - du lịch tỉnh Quảng Nam của Phan Đỗ Xuân Phúc - Nguyễn Ngọc Gia Quỳnh - Võ Quốc Thắng (Trường THCS Quang Trung - Điện Bàn) cũng đã thuyết phục Ban giám khảo trao giải Nhất.
Đây là phần mềm được đánh giá hiện đại, hữu ích cho học sinh và cộng đồng. Ứng dụng của phần mềm giúp nâng cao hứng thú, chất lượng và hiệu quả dạy và học môn giáo dục địa phương. Việc số hóa nội dung không chỉ hỗ trợ giáo dục mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của tỉnh; khơi gợi tình yêu quê hương, bản sắc văn hóa địa phương.
Ứng dụng không chỉ giúp nâng cao tính chủ động trong học tập mà còn tạo động lực tìm hiểu quê hương thông qua công nghệ số, phù hợp với chiến lược chuyển đổi số giáo dục hiện nay.
Lan tỏa
Đánh giá về cuộc thi, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT - ông Châu Văn Thủy cho biết, số lượng sản phẩm tham gia năm nay có sự gia tăng và đồng đều hơn ở nhiều lĩnh vực, thu hút tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh tham gia, nhất là các huyện miền núi dự thi nhiều sản phẩm.

Chất lượng năm nay cũng cao hơn với nhiều sản phẩm mới, đa dạng cho thấy HS tự tin, làm chủ kiến thức. Hệ thống đề tài năm nay cũng phong phú, bám sát nội dung các môn học STEM của chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Nhiều sản phẩm có chất lượng khá tốt, vận dụng tốt kiến thức liên môn, thân thiện với môi trường, đáp ứng các tiêu chí của sản phẩm STEM.
Điều đó thể hiện qua các sản phẩm được trao giải cao như Bộ thiết bị hỗ trợ lái xe an toàn chống đạp nhầm chân ga, cảnh báo nồng độ cồn trên xe của Phạm Gia Huy - Nguyễn Văn Như hay Mô hình Smart Parking của Huỳnh Mạnh Quỳnh - Nguyễn Trần Khánh Ngân (Trường Tiểu học và THCS Quang Trung, TP.Hội An).
Cũng theo ông Thủy, ưu điểm của cuộc thi năm nay là có đủ cả 6 lĩnh vực công nghệ, vật lý, hóa học, sinh học, kể cả toán học, mỹ thuật. Nhìn chung các sản phẩm cho thấy có sự thay đổi khá nhiều về cách tiếp cận việc dạy và học STEM nên đa số đề tài phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, vận dụng được kiến thức nền mà các em đã học.
Nhiều sản phẩm gắn với đời sống thực tiễn, mở ra ý tưởng mới. Tiêu biểu như Phần mềm tự học giáo dục địa phương lớp 8 và cẩm nang số về văn hóa - lịch sử - du lịch tỉnh Quảng Nam của Phan Đỗ Xuân Phúc - Nguyễn Ngọc Gia Quỳnh - Võ Quốc Thắng (Trường THCS Quang Trung - Điện Bàn) đã kết nối công nghệ số, hỗ trợ việc học cho học trò.
Theo ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, dạy học STEM là mô hình giáo dục tích hợp liên môn, giúp học sinh áp dụng kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn; qua đó hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho các em.
Trước đây sở tổ chức cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho bậc THPT và THCS nhưng sau đó tổ chức cuộc thi riêng dành cho HS THCS mang tên cuộc thi sản phẩm dạy học STEM.
Tham gia cuộc thi năm nay có 64 sản phẩm của 168 học sinh đến từ 17 phòng GD-ĐT các huyện, thị xã, thành phố và 3 trường phổ thông dân tộc nội trú. Đáng chú ý, qua cuộc thi cho thấy phong trào ngày càng lan tỏa rộng rãi trong học sinh THCS trên cả tỉnh; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Ban tổ chức đã trao 3 giải Nhất, 10 giải Nhì và 16 giải Ba và 35 giải Khuyến khích cho các sản phẩm tham gia cuộc thi. Bên cạnh các địa phương đồng bằng, điều đáng nói năm nay các địa phương miền núi cũng có nhiều sản phẩm dự thi được đầu tư rất nhiều và đoạt giải cao như Phước Sơn (2 giải Nhì), Đông Giang (1 giải Nhì), Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang (mỗi huyện có 1 giải Ba).
Nguồn: https://baoquangnam.vn/lan-toa-stem-trong-hoc-tro-xu-quang-3155122.html
Bình luận (0)