Lễ hội Dinh cô được tổ chức hàng năm tại Khu di tích lịch sử - văn hóa Dinh Cô, tọa lạc trên bãi biển thuộc thị trấn Long Hải, Huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Đây là di tích vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia năm 1995 và vừa được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thế quốc gia vào tháng 2/2023.
Theo tương truyền, Dinh cô là nơi thờ một vị trinh nữ tên Lê Thị Hồng, quê ở Tam Quan, tỉnh Bình Định, cách đây 2 thế kỷ người con gái này đã lâm nạn tại hòn Hang sau một lần theo cha ra biển, lúc đó cô vừa tròn 16 tuổi. Sau khi mất người dân địa phương đã chôn cất và lập miếu thờ cô ngoài bãi biển và bà hiện linh về giúp giúp dân làng vượt qua khó khăn, vững tay chèo trong những chuyến biển xa khơi. Dân làng tôn xưng bà danh hiệu “Long Hải thần nữ bảo an chính trực nương nương chi thần” và dời miếu lên núi Kỳ Vân đây chính là nơi Dinh cô tọa lạc cho đến ngày nay.
Lãnh đạo UBND huyện Long Điền và Ban Quản lý Di tích Lịch sử - Văn hóa Dinh Cô nhận Quyết định ghi danh Lễ hội truyền thống – Lễ hội Dinh Cô vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh Internet.
Lễ hội Dinh Cô được tổ chức trong 03 ngày từ ngày 10 đến 12/2 (Âm lịch). Theo nghi thức cổ truyền long trọng và trở thành một trong những lễ hội lớn của người dân miền biển tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Theo quan niệm của người dân, lễ hội là dịp để tạ ơn cô sau một năm làm ăn và cầu cho mưa thuận, gió hòa, bình an bám biển.
Sáng sớm ngày 12/2 (Âm lịch) các ghe thuyên sẽ ra biển làm lễ Nghinh cô, các ghe được trang trí ngai, long vị Cô cùng các vị bô lão, cao niên trong ban tương tế với trang phục trang nghiêm. Sau khi ghe thuyền tiến ra chỗ nhắm chừng nơi Cô tử nạn ngày xưa thì sẽ bắt đầu nghi lễ rước cô và các vị thần linh về dinh ăn giỗ.
Dinh Cô nơi diễn ra lễ hội Dinh Cô hàng năm. Ảnh Internet.
Ông Lâm Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Long Điền cho biết: Lễ hội Dinh Cô năm 2023 được công nhận là di sản văn phi vật thể. Đây là niềm tự hào, là động lực tinh thần cho bà con, bên cạnh đó cũng là trách nhiệm để trong thời gian tới phải bảo tồn, phát huy xứng tầm danh hiệu mới. Trên lợi thế này, chúng tôi sẽ đầu tư, bảo tồn xứng tầm với di sản. Thứ hai là nâng cao chất lượng lễ hội, nhất là phần hội để thu hút du khách gần xa.
Trong những ngày Lễ hội, Dinh Cô được trang hoàng rực rỡ, trang nghiêm, có chăng đèn kết hoa. Các nhà trong vạn ghe đều đặt bàn hương, trên có nhang đèn, bánh trái, mâm xôi… ban đêm thì có treo đèn lồng. Các tàu thuyền của ngư phủ đều đậu ở bến, mỗi chiếc đều treo đèn giấy nhiều màu, kết hoa từ mũi cho đến lái, cả cột buồm. Những chiếc thuyền ghe từ các làng cá, như: Long Hải, Phước Hải, Phước Tỉnh, Vũng Tàu và một số thuyền ghe từ miền Trung vào đây đều trở nên lộng lẫy. Thuyền ghe nào ở đây cũng hướng mũi vào trước Dinh Cô để thực hiện nghi thức “Chầu Cô”.
Ông Trần Quốc Nhẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, cho biết: Người dân kỳ vọng rằng khi đến lễ hội Dinh Cô là cầu cho quốc thái dân an, cầu mua thuận gió hòa để người dân được an tâm ra khơi, đánh bắt được nhiều hải sản. Đó là kỳ vọng của người dân. Sau năm nay, chúng tôi sẽ nâng tầm lễ hội trong năm 2024 để có nhiều hoạt động hơn để xứng đáng là lễ hội văn hóa quốc gia.
Vào năm 1995, Dinh Cô cũng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử -Văn hóa cấp quốc gia. Lễ hội Dinh Cô cũng được xếp vào một trong những sự kiện văn hóa - du lịch lớn trong năm của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Sau 2 thế kỷ bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của Lễ hội Dinh Cô, người dân huyện Long Điền cũng đã có được niềm vinh dự, sự tự hào khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 237 ngày 14/02/2023 về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Dinh Cô, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy ngành du lịch của địa phương trong thời gian tới./.
Diêm Giang
Bình luận (0)