Là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về trồng rừng, tuy nhiên, trên địa bàn huyện Lệ Thủy hiện chỉ có 5 cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp (trong đó có 1 cơ sở đang tạm dừng sản xuất do liên quan đến giải phóng mặt bằng, thi công đường bộ cao tốc Bắc-Nam ngang qua địa bàn). Bình quân mỗi năm, các cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn huyện chỉ phân bổ nguồn giống khoảng 1,8 triệu cây (chủ yếu là giống cây keo lai giâm hom).
Do đó, ngoài nguồn giống tại các cơ sở sản xuất, cung cấp tại địa phương, trên địa bàn còn có các nguồn giống được nhập về từ ngoại tỉnh thông qua các hộ kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp.
|
Bà Lê Thị Luyền, chủ một cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp tại địa bàn xã Trường Thủy cho biết: “Hiện nay, thị trường cung ứng giống cây lâm nghiệp đang có sự cạnh tranh cao; hầu hết các hộ trồng rừng đều rất quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng, giá cả của cây giống lâm nghiệp. Để cây giống đến tay người dân có tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt, giá cả phù hợp, cơ sở chúng tôi luôn nhập phôi đầu dòng ở địa chỉ uy tín, nguồn gốc rõ ràng và được cấp có thẩm quyền công nhận. Trong quá trình chăm sóc, nếu thấy cây đầu dòng phục vụ cho việc sản xuất giống có biểu hiện còi cọc, sâu bệnh sẽ được thải loại ngay, tránh để ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả sản xuất, cung ứng giống cây lâm nghiệp ra thị trường”.
Thực hiện chức năng thực thi về pháp luật lâm nghiệp, thời gian qua, Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy đã tăng cường phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện, UBND các xã tổ chức kiểm tra, các cơ sở kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp; các nguồn giống được nhập về từ ngoại tỉnh. Qua công tác kiểm tra, cơ bản các cơ sở sản xuất giống cũng như hộ kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp tại địa phương, xe vận chuyển cây giống vào địa bàn đều cung cấp đầy đủ hồ sơ, nguồn gốc giống cây trồng theo quy định của pháp luật. Nhờ đó, huyện Lệ Thủy đã kiểm soát chặt chẽ các nguồn giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc làm ảnh hưởng đến chất lượng, năng suất giống cây trồng trên địa bàn.
Tổng diện tích có rừng của huyện Lệ Thủy hiện tại là 90.261,48ha, trong đó: Rừng tự nhiên 60.777,49ha, rừng trồng đã thành rừng 29.483,99ha... Tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn huyện đạt 64,39%. |
Hiện, nhiều đơn vị chủ rừng và hộ gia đình trồng rừng ở Lệ Thủy đã từng bước tổ chức sản xuất lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong lâm nghiệp. Bước đầu, đã hình thành liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp gắn với quản lý rừng bền vững. Ngoài ra, nhiều đơn vị chủ rừng và hộ gia đình trồng rừng ở Lệ Thủy còn mạnh dạn chuyển dần phương thức trồng rừng từ quảng canh sang trồng thâm canh; đẩy mạnh xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lệ Thủy Phạm Văn Bút cho biết: Những năm gần đây, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với Phòng Phòng Nông nghiệp và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm túc các nội dung về công nhận giống và nguồn giống; đẩy mạnh công tác quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định... Bên cạnh đó, hạt thường xuyên giám sát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng để khai thác lâm sản, phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật; kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, tổ chức ngăn chặn và xử lý theo quy định, nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản.
V.Minh
Nguồn: https://baoquangbinh.vn/kinh-te/202505/le-thuy-tang-cuong-quan-ly-chat-luong-giong-cay-lam-nghiep-2226463/
Bình luận (0)