Thi công hạng mục cầu Thống Nhất thuộc Dự án Đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa. Ảnh: P.Tùng |
Mục tiêu của Đồng Nai trong năm 2025 là phải giải ngân đạt trên 95% nguồn VĐTC theo kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
Giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa khởi sắc
Theo UBND tỉnh, tính đến ngày 22-4, tổng nguồn VĐTC của tỉnh đã được giải ngân được gần 1,5 ngàn tỷ đồng, đạt gần 9% kế hoạch vốn năm 2025 (hơn 16,5 ngàn tỷ đồng). So với thời điểm trước đó khoảng một tháng, tỷ lệ giải ngân VĐTC của tỉnh đã tăng thêm gần 4%, tương ứng với số vốn giải ngân hơn 662 tỷ đồng.
Tuy tỷ lệ vốn được giải ngân so với thời điểm cuối quý I-2025 đã gia tăng nhưng thực tế, tỷ lệ giải ngân VĐTC nói chung trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 22-4 vẫn còn thấp so với kỳ vọng. Đồng Nai đang thuộc nhóm 27 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước và xếp thứ 10 từ dưới lên, nằm trong nhóm có tỷ lệ giải ngân thấp.
Trước thực tế này, ngày 29-4 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 162/KH-UBND giải ngân chi tiết từng dự án sử dụng VĐTC năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh, trong tổng vốn đầu tư công hơn 16,5 ngàn tỷ đồng của năm 2025, kế hoạch vốn bố trí năm 2025 là hơn 15,7 ngàn tỷ đồng và kế hoạch vốn kéo dài sang năm 2025 là hơn 822 tỷ đồng. |
Theo UBND tỉnh, việc ban hành kế hoạch giải ngân chi tiết từng dự án sử dụng VĐTC năm 2025 trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện đạt mục tiêu giải ngân nguồn vốn đạt kế hoạch từ 95% trở lên, nâng cao hiệu quả sử dụng VĐTC. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và đạo đức công vụ. Tăng cường công tác phối hợp theo dõi, kiểm tra, thanh tra và thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025.
Trong kế hoạch này, UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị liên quan phải tuân thủ nghiêm kế hoạch giải ngân từng tháng, quý và cả năm. Lãnh đạo được phân công đối với từng dự án theo dõi tiến độ thực hiện, bám sát, kịp thời tháo gỡ khó khăn và chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của từng dự án, coi đây là căn cứ đánh giá xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2025.
Tháo gỡ sớm các điểm nghẽn
Theo kế hoạch đã được ban hành, đối với các dự án do UBND tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch, đến hết ngày 30-11-2025, UBND tỉnh yêu cầu 28 đơn vị chủ đầu tư phải cơ bản đạt tỷ lệ giải ngân khoảng 90% kế hoạch vốn. Đồng thời, đến ngày 31-1-2026, hoàn thành mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch vốn.
Đối với nguồn vốn do UBND cấp huyện giao chỉ tiêu kế hoạch, mục tiêu đến hết ngày 31-11-2025, phải giải ngân trên 91% kế hoạch vốn và đến hết ngày 30-1-2026 phải hoàn thành giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2025.
Riêng với các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đặt yêu cầu phải giải ngân toàn bộ nguồn vốn được bố trí theo kế hoạch năm 2025.
Cụ thể, đối với 2 dự án trọng điểm quốc gia gồm: Dự án Thành phần 3, Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh và Dự án Thành phần 1, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, mục tiêu đặt ra là đến hết quý IV-2025, phải giải ngân đạt hơn 90% số vốn hơn 379 tỷ đồng của Dự án Thành phần 3, Dự án Đầu tư xây dựng đường vành đai 3
- Thành phố Hồ Chí Minh và giải ngân trên 92% tổng nguồn vốn gần 865 tỷ đồng của Dự án Thành phần 1, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Đồng thời, đến ngày 30-1-2026, phải hoàn thành giải ngân toàn bộ nguồn vốn bố trí cho các dự án này trong năm 2025.
Tương tự, hàng loạt dự án trọng điểm của tỉnh như: Hương lộ 2 (đoạn 1, giai đoạn 1); Đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa (đoạn từ đường Võ Thị Sáu đến đường Đặng Văn Trơn); Đường ven sông Cái (đoạn từ đường Hà Huy Giáp đến đường Trần Quốc Toản); Đường tỉnh 25B, Đường tỉnh 25C đều được đặt mục tiêu giải ngân đạt 100% nguồn vốn bố trí trong năm 2025.
Theo Phó giám đốc Sở Tài chính Phan Trung Hưng Hà, thời gian qua, các địa phương và các đơn vị liên quan tuy đã có nhiều nỗ lực trong giải ngân vốn tại các dự án trọng điểm nhưng một số dự án vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng ở các dự án tại thành phố Biên Hòa. Trong khi đó, một số dự án khác như: nâng cấp đường 25B (đoạn từ trung tâm huyện Nhơn Trạch ra quốc lộ 51), Dự án Thành phần 1, Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu gặp khó khăn do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thành di dời. Với các dự án này, đơn vị chủ đầu tư phải thành lập tổ phối hợp, theo sát các địa phương để cùng đồng hành trong việc vận động, triển khai công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng” - ông Phan Trung Hưng Hà cho biết.
Tại cuộc họp về tình hình giải ngân VĐTC trên địa bàn tỉnh cuối tháng 4 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà yêu cầu các đơn vị liên quan rà soát, chia nhóm vấn đề để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhóm về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng do Sở Nông nghiệp và môi trường tổng hợp; nhóm công tác tổ chức nghiệm thu, di dời hạ tầng, quy hoạch do Sở Xây dựng tổng hợp; nhóm công tác thẩm định dự án, kế hoạch đấu thầu, tất toán do Sở Tài chính tổng hợp và nhóm rà soát nhân lực, sắp xếp bộ máy thực hiện công tác giải ngân VĐTC do Sở Nội vụ tổng hợp.
Phạm Tùng
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202505/len-duong-gantt-giai-ngan-von-cac-du-an-dau-tu-cong-604290a/
Bình luận (0)