Trên địa bàn tỉnh An Giang, sau năm 1954, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu giai đoạn này, các đội vũ trang “Quân đội Thất Sơn”, “Đội Vũ trang tuyên truyền số 8”, từng bước phát triển, hình thành đơn vị cấp tiểu đoàn, như: Tiểu đoàn 510, Tiểu đoàn 512, Tiểu đoàn 364. Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh từng bước được củng cố, phát triển, thực hiện kết hợp binh vận nội tuyến gỡ đồn bót, lấy vũ khí địch trang bị cho ta, xây dựng củng cố căn cứ và đẩy mạnh vũ trang tuyên truyền, diệt ác, phá kềm, phát động Nhân dân nổi dậy giành chính quyền làm chủ từng phần.
Sau phong trào Đồng Khởi (1960), LLVT tỉnh được củng cố phát triển, căn cứ địa được mở rộng gắn liền với nhiều vùng giải phóng rộng lớn; hệ thống căn cứ “lõm” được xây dựng đều khắp, liên hoàn từ vùng núi biên giới đến đồng bằng nông thôn. LLVT và Nhân dân An Giang tổ chức nhiều trận đánh tiêu hao, tiêu diệt địch, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế đan cài với địch. Tiêu biểu trong giai đoạn này là trận quyết chiến 128 ngày đêm (từ ngày 7/11/1968 - 23/2/1969) tại đồi Tức Dụp, núi Cô Tô (huyện Tri Tôn). Chúng ta đương đầu với lực lượng quân địch đông gấp 400 lần, chịu hàng ngàn tấn bom pháo ròng rã suốt hơn 3 tháng liền. Cuối cùng, kẻ thù đã phải trả giá đắt với hơn 2.000 sinh lực bị tiêu hao, tiêu diệt và hàng triệu đô-la chiến phí. Chiến thắng Tức Dụp là nỗi kinh hoàng của “Lầu năm góc” và nhiều tướng, tá Mỹ ngụy. Tức Dụp đã trở thành biểu tượng lịch sử đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân dân An Giang với 8 chữ vàng “Kiên cường bám trụ, giữ vững Núi Tô”.
Năm 1974, hòa cùng khí thế cách mạng của cả nước, 2 tỉnh Long Châu Tiền và Long Châu Hà (tách từ An Giang theo tên gọi của chính quyền cách mạng) khẩn trương lên kế hoạch hành động với tinh thần “1 ngày bằng 20 năm”, củng cố, phát triển LLVT từ tỉnh đến xã, ấp; tiêu diệt từng phân chi khu địch, mở rộng vùng kiểm soát, kết hợp quân chủ lực giải phóng toàn tỉnh. Ngày 28/4/1975, Quân khu 9 chỉ đạo cho tỉnh Long Châu Hà đưa LLVT của tỉnh về giải phóng Hà Tiên - nơi yếu nhất của địch. Hành quân đến Nam Thái Sơn, được tin Dương Văn Minh đầu hàng, Tỉnh ủy quyết định chia lực lượng, một cánh tiếp tục tiến về Hà Tiên, cánh thứ 2 quay lại Ba Thê để giải phóng Long Xuyên.
Chiều tối 30/4/1975, ta về đến Ba Thê. Ở đây, lực lượng khởi nghĩa của huyện đã kiểm soát hoàn toàn. Sáng 1/5/1975, LLVT tỉnh bao vây, gọi hàng Chi khu Núi Sập. Trưa cùng ngày, sau khi làm chủ hoàn toàn quận Huệ Đức, LLVT tỉnh tiến về TX. Long Xuyên. Từ ngày 26/4/1975, lực lượng nội ô với 2 tiểu đội tự vệ mật đã bám mục tiêu, chờ lực lượng phối hợp. Chiều 30/4/1975, Tỉnh trưởng An Giang rời nhiệm sở bỏ trốn. Tận dụng thời cơ, chiều ngày 1/5, một đại đội chủ lực của LLVT Quân khu 9 công phá các tuyến phòng ngự của địch, kết hợp LLVT tỉnh, thị xã giải phóng hoàn toàn Long Xuyên vào lúc 18 giờ 30 phút.
Ở Châu Đốc, sáng 1/5/1975, lực lượng cách mạng tại chỗ khởi nghĩa chiếm công sở chính trong nội ô, kết hợp LLVT giành chính quyền thị xã vào buổi trưa. Huyện Châu Thành, Châu Phú, Tri Tôn… cũng lần lượt được giải phóng. Đến 15 giờ, ngày 6/5/1975, huyện Chợ Mới - địa phương cuối cùng của tỉnh An Giang - được giải phóng hoàn toàn. Sau đó, bộ đội tiếp tục tiến lên Châu Thành. Chiều tối 30/4/1975, ta đánh chiếm cầu số 5, hỗ trợ lực lượng tại chỗ giành chính quyền xã Vĩnh Hanh, Cần Đăng. Sáng 1/5, ta đánh tan rã đám bảo an ngụy từ Tri Tôn chạy ra. Đến trưa, ta bao vây gọi hàng Chi khu Châu Thành, một bộ phận địch chạy qua đồn Bình Thủy lập phòng tuyến “tử thủ”. Ta chiếm chi khu lúc l6 giờ, đưa một bộ phận xuống bao vây trại công binh Mê Linh. Chiều tối, phối hợp lực lượng từ Long Xuyên lên, ta chiếm trại Mê Linh và sáng hôm sau đánh dứt điểm địch ở đồn Bình Thủy. Tiếp đến, ta tiến lên Châu Phú. Ngày 2/5/1975, giải phóng hoàn toàn Châu Phú.
Như vậy, đến chiều ngày 2/5/1975, tỉnh Long Châu Hà được giải phóng hoàn toàn. Chính quyền quân quản được thiết lập, truy quét tàn quân, ổn định cuộc sống đồng bào. Từ ngày 28 - 30/4/1975, tỉnh Long Châu Tiền ráo riết chấn chỉnh lại lực lượng, vũ khí, đạn dược, chuẩn bị cơ sở, kế hoạch và phương án tác chiến. Ở Tân Châu, chiều 30/4, ta giải phóng xã Vĩnh Xương. Sáng 1/5, tiếp tục chiếm Tân An, Vĩnh Hòa, chi khu, căn cứ hải quân Vịnh Đồn, giải phóng quận lỵ. Ở An Phú, từ chiều 30/4, lực lượng huyện chia làm 3 mũi tiến về thị trấn từ phía Phú Hội, Khánh Bình, Phú Hữu. Chiều tối 1/5, ta vào đến thị trấn và sáng 2/5 tiếp quản quận lỵ, tiến hành truy quét tàn quân cặp biên giới. Ngày 4/5, tàn quân ở Bình Thạnh Đông, Hiệp Xương, Hưng Nhơn lần lượt đầu hàng, Phú Tân được giải phóng hoàn toàn…
Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, LLVT An Giang hôm nay tích cực học tập, nâng cao trình độ huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, chiến sĩ nêu cao trách nhiệm trong xây dựng đơn vị, xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh”, đến năm 2030 xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; đưa nước ta tiến vào kỷ nguyên phát triển mới.
GIA KHÁNH
Nguồn: https://baoangiang.com.vn/luc-luong-vu-trang-an-giang-trong-dai-thang-mua-xuan-1975-a419249.html
Bình luận (0)