Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sau sắp xếp địa giới hành chính, cả nước có 22 tỉnh, thành phố có biên giới đất liền, với tổng số 248 xã biên giới đất liền.
Theo thống kê của các địa phương, tại 248 xã này có 956 trường phổ thông với quy mô 625.255 học sinh. Tổng số học sinh có nhu cầu nội trú, bán trú theo thống kê sơ bộ là 332.019 học sinh, nhưng mới có gần 59.000 học sinh đang học tại 22 trường phổ thông dân tộc nội trú và 160 trường phổ thông dân tộc bán trú. Hiện các học sinh nội trú, bán trú được học tập, sinh hoạt ăn ở tại trường và hưởng các chính sách của Nhà nước (trung bình mỗi năm khoảng 23 triệu đồng/học sinh nội trú, 16 triệu đồng/học sinh bán trú).
Như vậy, còn khoảng hơn 273.000 học sinh (43,7% tổng số học sinh) có nhu cầu nhưng chưa được học tại các trường nội trú, bán trú, hiện đang học tại các trường phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất đầu tư xây mới, cải tạo các trường nội trú tại 248 xã với hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng đầy đủ, đồng bộ nhu cầu học tập, sinh hoạt nội trú, bán trú của học sinh và giáo viên.
Thời gian thực hiện từ năm 2025-2027. Nguồn vốn đầu tư xây dựng gồm ngân sách trung ương là chính, còn lại là ngân sách địa phương và các nguồn lực hợp pháp khác. Đồng thời, hoàn thiện các quy định liên quan theo hướng bảo đảm học sinh ở xã biên giới đất liền được hưởng chính sách nội trú, bán trú phù hợp với thực tiễn khó khăn về địa hình, khoảng cách địa lý; có phương án bố trí giáo viên phù hợp; đảm bảo ngân sách duy trì hoạt động của các trường và chế độ cho giáo viên phù hợp điều kiện mới.

Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu mở chiến dịch thần tốc triển khai xây dựng 100 trường học cho các xã biên giới từ nay đến ngày 30/8/2026, nghĩa là thời hạn chỉ có 13 tháng, cho nên phải thần tốc, táo bạo hơn, do đó cách ứng xử cũng phải thần tốc, táo bạo chứ không thể trì trệ.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 81, các quy định hiện hành, đến ngày 10/8/2025 phải hoàn thành việc xây dựng dự thảoNghị quyết của Chính phủ về vấn đề này, trong đó đề ra mục tiêu xây dựng 100 trường, đến ngày 30/8/2026 phải hoàn thành.

Thủ tướng lưu ý các địa phương phải quy hoạch, tìm địa điểm, ít nhất 5-10ha/trường, tính toán cả diện tích trồng rau, chăn nuôi phục vụ các cháu học sinh, tự cung tự cấp một phần; bảo đảm thuận tiện về các hạ tầng điện, nước viễn thông; kêu gọi người dân hiến đất cho xây trường.
Bộ Xây dựng thiết kế mẫu trường học có tính nguyên tắc, tương đối mở, không quá cứng nhắc; chú ý các yếu tố yếu tố vùng miền, khí hậu, địa hình, văn hoá; huy động các kiến trúc sư cả ba miền; tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên (nắng, gió, chống sạt lở, chống biến đổi khí hậu), có nhiều mẫu mã để địa phương lựa chọn; diện tích thì tùy nơi với tinh thần tận dụng hợp lý địa hình. Thủ tướng lưu ý, có xã biên giới có thể có cả trường cấp liên cấp; “làng trong phố, phố trong làng”, tránh việc bê tông hoá trường học.

Nhấn mạnh nguồn lực của Nhà nước là chính, Thủ tướng cho rằng cũng cần huy động tối đa sự tham gia của lực lượng quân đội, công an, thanh niên, các đoàn thể tham gia việc này. Trong Nghị quyết phải xây dựng cơ chế đấu thầu, chỉ định thầu, giao thầu, giao việc.
Thủ tướng lưu ý, trong thiết kế trường có đầy đủ các công năng như chỗ ăn ở cho giáo viên, học sinh, nhà thể thao…; phải vận động, phát động phong trào người dân hiến đất cho làm trường, phát động sự chung tay giúp đỡ của xã hội, doanh nghiệp.
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính phải có phương án bố trí nguồn kinh phí, trước mắt có phương án bố trí vốn cho đầu tư xây dựng 100 trường; khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành thì phải bố trí kịp thời vốn. Thủ tướng nhấn mạnh quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ thẩm quyền”.

Thủ tướng yêu cầu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành phải chung tay, chung sức, chung lòng; Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải vào cuộc tích cực để bảo đảm hạ tầng cho xây dựng.
Thủ tướng lưu ý sau khi hoàn thành dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thì phải lấy ý kiến của các bộ, ngành, 22 tỉnh biên giới; quá trình làm sẽ rút kinh nghiệm, mở rộng dần, tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát để chống tiêu cực, tham nhũng, trục lợi. Thủ tướng yêu cầu các chủ thể liên quan phải có tinh thần trách nhiệm cao; đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm hoàn thành dự thảo Nghị quyết…
Nguồn: https://nhandan.vn/mo-chien-dich-than-toc-xay-dung-100-truong-hoc-cho-cac-xa-bien-gioi-post896876.html
Bình luận (0)