Không chỉ mộ vua Lê Túc Tông
PGS-TS Bùi Văn Liêm, Phó chủ tịch Hội Khảo cổ học VN, không dám khẳng định cụ thể về mức độ quý giá của những đồ vật trong ngôi mộ vua Lê Túc Tông vừa bị đào trộm. "Vua Lê Túc Tông mất sớm nên bây giờ cũng không thể khẳng định có nhiều hay có ít đồ quý. Những người có vị thế trong xã hội thường có những hiện vật quý, có thể bằng kim loại quý hoặc đồ tùy táng quý. Nhưng khảo cổ học chưa khai quật thì chưa thể trả lời được là nhiều hay ít hoặc quý ở mức độ nào", PGS-TS Bùi Văn Liêm nói.
Bảo vật quốc gia Cây đèn hình người quỳ, được tìm thấy trong một ngôi mộ Hán mà trộm chưa đào
ẢNH: T.L
Trước khi mộ vua Lê Túc Tông bị đào trộm đầu tháng 5 này, từng có nhiều vụ đào trộm mộ. Đầu tháng 1.2025, lăng Trường Thái của chúa Nguyễn Phúc Khoát tại TP.Huế có dấu hiệu bị đào bới. Trước đó, lăng này cũng từng bị đào trong thời chiến tranh để tìm đồ quý. Lăng Hoàng thái hậu Từ Dũ bị đào trộm hồi những năm 1980. Lăng Vĩnh Thái nơi có mộ vợ chúa Nguyễn Phúc Khoát bị đào trộm năm 1990…
Khu di chỉ Vườn Chuối (Hà Nội) với tập hợp nhiều mộ cổ cũng bị đào trộm suốt thời gian 2010 - 2020. Những ngôi mộ này bị kẻ trộm dùng máy dò kim loại để tìm vết tích và đào bới lấy các đồ tùy táng. Địa điểm khảo cổ học quan trọng này có nhiều lớp văn hóa, từ Phùng Nguyên muộn đến hậu Đông Sơn. "Các mộ sớm như mộ Đông Sơn cũng hay bị dùng máy rà kim loại tìm", PGS-TS Bùi Văn Liêm nói.
Lăng vua Lê Túc Tông bị kẻ trộm xâm hại
ẢNH: HẢI NGUYỄN
PGS-TS Bùi Văn Liêm chia sẻ, thông thường những mộ vua chúa như mộ ở Hoa Lư, Lam Kinh, Hà Nội được bảo vệ khá tốt và việc đào trộm ít xảy ra. Mộ thuyền cũng hay giữ được nguyên, ít khi bị đào trộm.
Tuy nhiên, những ngôi mộ Hán thì thường bị đào trộm nhiều, ở Bắc Ninh, Hải Phòng… "Tùy từng mộ, có những mộ còn bị đào đi đào lại, người ta đào một lần nhưng chưa lấy được hết, lần thứ hai họ lại mót…", PGS-TS Liêm nói.
Thứ trưởng VH-TT-DL Hoàng Đạo Cương đã ký Công văn 2096 gửi UBND tỉnh Thanh Hóa. Trong đó, bên cạnh yêu cầu đánh giá thiệt hại vụ trộm mộ vua Lê Túc Tông, Bộ yêu cầu tăng cường biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn với di tích, cổ vật. Văn bản cũng yêu cầu vận động người dân phối hợp phát hiện, xử lý hành vi vi phạm.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương toàn tỉnh thực hiện nghiêm công tác bảo vệ các di tích văn hóa, đặc biệt là các lăng mộ vua, chúa sau khi lăng mộ vua Lê Túc Tông bị xâm hại.
"Huyền thoại" mộ Hán
Trong các loại mộ cổ, PGS-TS Bùi Văn Liêm cho biết: "Mộ Hán thường bị đào trộm nhất vì hay có các hiện vật gốm sứ, lư hương, bát đĩa, tước quý".
Nhóm trộm mộ đã sử dụng máy dò và đào ở mộ vua Lê Túc Tông
ẢNH: HẢI NGUYỄN
Trong cuốn sách Bí mật cây đèn hình người quỳ, nhà khảo cổ học Thụy Điển Olov Janse chia sẻ về lần đi lạc đường ở Lạch Trường, Thanh Hóa vào một buổi chiều tối năm 1935. Khi đó, ông có trong tay một đồ gia dụng bằng sứ thời Tống và muốn tới đó để tìm thêm thông tin. Sau cùng, ông cũng tới được khu vực mà hiện vật đó được tìm thấy. "Chúng tôi phát hiện vị trí người ta tìm thấy một phần cổ vật, một khu mộ thời Tống. Tuy vậy khai quật thử cho thấy cánh đồng đã bị bọn trộm cổ vật sục sạo. Không có gì lớn đáng được quan tâm về mặt khảo cổ. Chúng tôi thất vọng ra về", ông ghi lại trong nhật ký khảo cổ của mình.
Mặc dù vậy, những gò đất cao khác trên con đường đi lạc lại hấp dẫn Olov Janse quay lại. Ngay từ khi nhìn thấy, ông đã nhận định đó là những ngôi mộ Hán. Sau khi thỏa thuận với chủ đất để khai quật, hai ngôi mộ đầu tiên đã cho thấy những kẻ trộm cổ vật đã nhanh chân hơn các nhà khảo cổ. Bù lại, ngôi mộ thứ ba chưa hề bị động đến. Cuốn sách của ông để lại cho biết ngay khi đào còn nông, họ đã phát hiện một lượng lớn bát sành bóng còn nguyên vẹn và phần lớn màu trắng, được nung già lửa. Đó đều là gốm do người Trung Hoa sản xuất.
Điều đáng kể nhất trong ngôi mộ này chính là một cây đèn bằng đồng hình người quỳ. Cây đèn sau đó đã được công nhận bảo vật quốc gia ngay từ đợt xét đầu tiên hồi 2012. Hồ sơ bảo vật cho biết dù người đàn ông ở tư thế quỳ nhưng đây không phải người ở vị trí thấp, mà là một bá tước hoặc một vị thánh. Những cành cây chữ S của đèn tạo hình rất tự nhiên. Điều này gợi nhớ đến vị thần cổ đại Hy Lạp trông nom cái chết và sự sống thường được vẽ với những cành cây cắm sau lưng.
Theo PGS-TS Bùi Văn Liêm, khi các nhà khảo cổ khai quật, nhiều ngôi mộ Hán chỉ còn lại cấu trúc tiền thất, trung thất, hậu thất của mộ. Tuy nhiên, chính những dấu tích kiến trúc này cũng có thể là món quà vô giá.
Một trong những trường hợp đó là hầm mộ "Hố Của" tại Quảng Ninh. Thông tin từ Trung tâm tiền sử Đông Nam Á cho biết chỏm đỉnh hầm mộ này được phát hiện từ khoảng 1978, trong quá trình người dân làm nhà và đường. Sau đó, năm 2002, khi san ủi sân, thợ đã phát hiện hai hầm mộ gạch. Mộ sau đó được khai quật. Một chuyên gia mộ táng của Trung Quốc, TS Yang Yong, khi thăm mộ cũng xác nhận đây là một ngôi mộ hiếm có với gần 100 đồ án khuôn in hoa văn gạch khác nhau. Những viên gạch ở mộ có nét in sâu sắc, nhiều viên có ký tự khác lạ, khiến hầm mộ càng trở nên đáng quan tâm.
KHUNG HÌNH PHẠT CHO TỘI XÂM PHẠM MỒ MẢ
Theo bộ luật Hình sự, hiện có 2 khung hình phạt cho tội xâm phạm mồ mả. Khung 1, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm nếu có hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm mồ mả.
Khung 2, phạt tù từ 2 - 7 năm nếu phạm tội một trong các trường hợp: gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử văn hóa...
Nguồn: https://thanhnien.vn/mo-co-bi-xam-hai-hien-vat-quy-that-thoat-185250519233847405.htm
Bình luận (0)