Dọc đường về xã Muổi Nọi mùa này là những vườn cà phê xanh tốt; những ruộng lúa chín vàng óng đang được bà con khẩn trương thu hoạch. Xã Muổi Nọi được thành lập trên cơ sở sáp nhập các xã: Muổi Nọi, Bon Phặng, Bản Lầm; có tổng diện tích tự nhiên hơn 128 km2, quy mô dân số 15.633 người.
Dẫn chúng tôi thăm mô hình trồng cây cà phê xen cây ăn quả, ông Cà Văn Pản, bản Bó Nguồng, chia sẻ: Năm 2007, gia đình đã chuyển đổi 1,5 ha đất trồng cây lương thực ngắn ngày sang trồng cây cà phê, nhãn, mận hậu. Theo thời gian, những diện tích cà phê già cỗi được cán bộ xã hướng dẫn đốn, ghép cải tạo bằng một số giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao; đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm và sử dụng phân bón hữu cơ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình thu về gần 400 triệu đồng.
Ông Lò Văn Hậu, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Bó Nguồng, cho biết: Trước kia, nhân dân chủ yếu là trồng ngô, sắn, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2007, xã triển khai thí điểm đưa cây cà phê vào trồng, nhờ hợp đất, khí hậu, cây phát triển tốt, đầu ra sản phẩm ổn định, mang lại nguồn thu nhập cho nhân dân. Bên cạnh đó, Chi bộ, Ban quản lý bản tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trồng các loại cây ăn quả xen cây cà phê. Đến nay, bản có 85 ha cà phê, 44 ha cây ăn quả các loại; kết hợp nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều hộ đã thoát nghèo và có cuộc sống khá giả, bản chỉ còn 35 hộ nghèo.
Tiếp tục đến bản Buống Khoang, thăm mô hình chăn nuôi gia súc của ông Lò Văn Sương, chuồng nuôi được bố trí một khu riêng biệt, chất thải được xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường. Ông Sương chia sẻ: Sau khi đi tham quan các mô hình kinh tế hiệu quả trong và ngoài xã, năm 2017, gia đình vay 50 triệu đồng của tổ chức tín dụng, đầu tư xây dựng chuồng nuôi nhốt bò. Quá trình chăn nuôi, được cán bộ thú y xã hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, phòng chống dịch bệnh. Đến nay, gia đình có 20 con bò; thâm canh 2 ha cà phê trồng xen canh cây mận hậu; mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Trước thời điểm sáp nhập, các xã đều đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, vật nuôi; chỉ đạo các tổ chức đoàn thể triển khai sâu rộng các phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”, “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”... Đến nay, nhân dân trong xã tập trung chăm sóc hơn 2.000 ha cây cà phê, gần 600 ha cây ăn quả; duy trì gần 100.000 con gia súc, gia cầm; quản lý, bảo vệ hơn 4.000 ha rừng. Ngoài ra, địa phương có gần 1.000 lao động đi làm việc tại các công ty, nhà máy ngoài tỉnh, thu nhập ổn định từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nguyễn Hữu Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Muổi Nọi, thông tin: Thời điểm này, cùng với việc đảm bảo các điều kiện thực hiện vận hành bộ máy chính quyền 2 cấp, xã tập trung nắm tình hình nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; rà soát, đánh giá tiềm năng thế mạnh của từng địa bàn để có hướng phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả hơn. Tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác theo hướng hữu cơ, sạch, an toàn. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ nhân dân chuyển đổi diện tích kém hiệu quả sang trồng cây cà phê, cây ăn quả. Vận động thành lập HTX, liên kết sản xuất theo quy trình VietGAP, bao tiêu sản phẩm; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả, quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động.
Với sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền xã mới và mở rộng không gian phát triển sau khi sáp nhập, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, tin rằng, Muổi Nọi sẽ có những bứt phá mạnh mẽ hơn, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
Nguồn: https://baosonla.vn/kinh-te/muoi-noi-chuyen-doi-co-cau-cay-trong-vat-nuoi-0M6RmIsHR.html
Bình luận (0)