Là kỹ sư IT tại một công ty công nghệ ở TPHCM, Hoài Nam (32 tuổi) luôn phải ngồi làm việc liên tục 8-10 giờ/ngày, thậm chí làm thêm giờ đến khuya cho kịp tiến độ.
Cuộc sống bận rộn gắn liền với màn hình máy tính khiến Nam hầu như không có thời gian vận động ngoài vài bước chân ngắn ngủi từ bãi đỗ xe đến văn phòng. Cuối tuần, thay vì đến phòng tập, Nam lựa chọn tụ tập giải stress với bạn bè trên những mâm nhậu.
Nam luôn nghĩ mình khỏe mạnh, hiếm khi ốm vặt nên chẳng mấy để tâm đến sức khỏe. Với chiều cao 1,75m và cân nặng 90kg, anh tự nhận mình "không béo lắm", dù chiếc áo sơ mi bắt đầu chật và vòng bụng 95cm đã vượt ngưỡng an toàn.
Trong đợt khám sức khỏe định kỳ do công ty tổ chức vào tháng trước, kết quả siêu âm khiến anh giật mình: gan nhiễm mỡ độ 1 với lượng mỡ tích tụ khoảng 7% trọng lượng gan.

Lờ đi vòng bụng đang lớn dần, Hoài Nam vẫn nghĩ sức khỏe mình bình thường cho đến khi nhận kết quả bị gan nhiễm mỡ (Ảnh minh họa: iStock).
Câu chuyện của Nam không phải là trường hợp hiếm gặp mà là thực trạng đáng báo động ở nhiều người trẻ tại Việt Nam, nơi nhịp sống đô thị và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học đang âm thầm tàn phá lá gan của họ.
50-60% dân số mắc gan nhiễm mỡ
Theo BSCKII Nguyễn Thị Diễm Hương, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cơ sở 3, hiện nay, tại các đợt khám sức khoẻ định kỳ cho nhân viên tại nhiều công ty, tỷ lệ phát hiện gan nhiễm mỡ ở người lao động rất cao, thậm chí ghi nhận ở cả người trẻ ngoài 20 tuổi.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo tích tụ quá mức trong gan, chiếm hơn 5% trọng lượng gan, làm suy giảm chức năng của cơ quan này.
Theo thống kê của Hội Gan Mật Việt Nam, khoảng 50-60% dân số trưởng thành Việt Nam mắc gan nhiễm mỡ. Trên thế giới, tỷ lệ này dao động 25-35%, các quốc gia phát triển ghi nhận con số cao hơn do lối sống hiện đại và chế độ ăn uống thiếu lành mạnh.
Bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển qua 3 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn có mức độ nghiêm trọng tăng dần.
Ở giai đoạn 1, lượng mỡ trong gan chiếm 5-10% trọng lượng. Ở giai đoạn này, bệnh thường không có triệu chứng rõ ràng và chỉ được phát hiện qua siêu âm hoặc xét nghiệm. Nhiều người phát hiện bệnh trong giai đoạn này nhờ khám sức khỏe định kỳ.
Đến giai đoạn 2, mỡ tích tụ tăng lên, chiếm 10-20% trọng lượng gan. Người bệnh bắt đầu có các dấu hiệu như chán ăn, khó tiêu, đầy bụng, mệt mỏi và đôi khi buồn nôn. Nếu không can thiệp, bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn nặng hơn.
Giai đoạn 3 là giai đoạn nguy hiểm, khi mỡ chiếm hơn 30% trọng lượng gan. Các triệu chứng lúc này rõ rệt hơn như vàng da, vàng mắt, đau hạ sườn phải, sút cân và xuất hiện u mạch trên da.
Ở giai đoạn này, bệnh chỉ có thể điều trị giảm nhẹ để ngăn biến chứng như viêm gan mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan, nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Căn bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Diễm Hương, bệnh gan nhiễm mỡ có 2 loại chính.
Loại thứ nhất là gan nhiễm mỡ do rượu, xuất hiện ở những người tiêu thụ nhiều rượu bia.
Loại thứ hai là gan nhiễm mỡ liên quan chuyển hóa (MAFLD), phổ biến ở người thừa cân, béo phì, mắc tiểu đường type 2, hội chứng chuyển hóa (kháng insulin, tăng huyết áp, tăng cholesterol, tăng triglycerid) hoặc sử dụng một số thuốc. MAFLD đang trở thành vấn đề đáng lo ngại ở người trẻ do lối sống ít vận động, chế độ ăn nhiều đường và chất béo.

Gan nhiễm mỡ xuất hiện nhiều ở những người thường xuyên sử dụng rượu bia (Ảnh minh họa: HL).
Hậu quả của gan nhiễm mỡ không hề đơn giản. Khoảng 25% người bệnh nếu không điều trị có thể tiến triển thành viêm gan nhiễm mỡ (NASH), trong đó 50% sẽ dẫn đến xơ hóa gan. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới ung thư gan.
Ngoài ra, gan nhiễm mỡ còn làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Một nghiên cứu trên Tạp chí Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (JAHA) chỉ ra rằng người mắc viêm gan nhiễm mỡ có nguy cơ cao bị suy tim, đặc biệt là suy tim tâm trương. Khi gan không xử lý tốt cholesterol, chất béo rất dễ tích tụ ở động mạch, gây tắc nghẽn và tăng nguy cơ đau tim.
Để ngăn ngừa gan nhiễm mỡ, bác sĩ Hương nhấn mạnh, công thức điều trị gồm 3 yếu tố: thay đổi lối sống, sử dụng thuốc theo chỉ định và kiểm soát các bệnh lý đi kèm.
Thay đổi lối sống là yếu tố quan trọng, chiếm 50% hiệu quả điều trị. Với gan nhiễm mỡ độ 1, chỉ cần thay đổi lối sống đúng cách, người bệnh có thể đảo ngược bệnh mà không cần thuốc.
Cụ thể, người bệnh nên tăng cường vận động hàng ngày, giảm lượng calo nạp vào, ưu tiên chế độ ăn nhiều rau củ, trái cây ngũ cốc nguyên hạt, cá, dầu ô liu, hạn chế thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đồ uống có đường và tuyệt đối tránh rượu bia.
Người thừa cân nên giảm 7-10% trọng lượng cơ thể, kết hợp tập luyện 150-200 phút mỗi tuần, chia thành 3-5 buổi, tránh giảm cân cực đoan vì thiếu protein có thể làm giảm khả năng vận chuyển mỡ ra khỏi gan.
Đối với người mắc gan nhiễm mỡ trung bình đến nặng, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để hỗ trợ. Người bệnh cũng có thể kết hợp Đông - Tây y nhưng dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra, kiểm soát bệnh lý đi kèm như như rối loạn lipid máu, tiểu đường type 2 hoặc tăng huyết áp cũng là phương án hiệu quả hỗ trợ quá trình điều trị gan nhiễm mỡ.
Nguồn: https://dantri.com.vn/suc-khoe/nam-thanh-nien-vong-bung-95cm-la-gan-keu-cuu-20250723161350157.htm
Bình luận (0)