Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nâng cao năng lực cán bộ, công chức, đáp ứng tình...

Qua gần một tháng vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, với khối lượng công việc lớn, phức tạp và chưa có tiền lệ, nhưng tỉnh Lâm Đồng đã thể hiện quyết tâm...

Báo Lâm ĐồngBáo Lâm Đồng24/07/2025

Qua gần một tháng vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, với khối lượng công việc lớn, phức tạp và chưa có tiền lệ, nhưng tỉnh Lâm Đồng đã thể hiện quyết tâm chính trị lớn, sự nỗ lực vượt bậc và đạt kết quả đáng ghi nhận.

Để bộ máy hành chính hoạt động suôn sẻ, đồng bộ, phục vụ tốt nhân dân, việc nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức là nhiệm vụ rất quan trọng.

Nâng cao năng lực quản trị

Trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, xây dựng cán bộ, công chức có phẩm chất đạo đức tốt và kỹ năng thực tiễn là tất yếu và cấp thiết để vận hành hiệu quả, thông suốt chính quyền hai cấp trong tình hình mới. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền và các sở, ngành tỉnh Lâm Đồng đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản trị, năng lực thực tế cho đội ngũ cán bộ, công chức; cùng phẩm chất đạo đức, lối sống, trách nhiệm với công việc và thái độ phục vụ nhân dân.

Thực tế tại Lâm Đồng cho thấy, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được chỉ định, bố trí tại 124 xã, phường, đặc khu sau sáp nhập cơ bản bảo đảm về trình độ chuyên môn và năng lực thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, từ khi mô hình chính quyền địa phương hai cấp chính thức vận hành trong cả nước, quá trình triển khai mô hình mới bước đầu xuất hiện một số khó khăn, vướng mắc.

Ghi nhận tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Lạc Dương, đơn vị hành chính cấp xã lớn nhất tỉnh Lâm Đồng, địa phương có hơn 82% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nửa tháng vận hành chính quyền địa phương hai cấp, các hoạt động diễn ra tương đối suôn sẻ. Song, theo Phó Giám đốc Trung tâm Phạm Hồng Thái, số lượng văn bản mới quá nhiều, thủ tục hành chính một số lĩnh vực chưa hoàn thiện, nên gây khó khăn trong việc tiếp cận của cán bộ, công chức; ảnh hưởng đến quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Với khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu nhiệm vụ cao, cho nên một số cán bộ, công chức vẫn còn lúng túng trong thực thi nhiệm vụ.

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều trung tâm phục vụ hành chính công tại tỉnh Lâm Đồng. Do vậy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức là một yêu cầu rất cấp bách để thực hiện việc chuyển đổi hoàn toàn từ quản lý hành chính sang quản trị phục vụ nhân dân, như chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, tại lễ công bố thành lập tỉnh: Từ ngày 1/7, tất cả công việc theo thẩm quyền của hai cấp (tỉnh, xã) phải được vận hành thông suốt, không chậm trễ, không sót việc, đồng thời giữ gìn hình ảnh, tác phong của người cán bộ phục vụ nhân dân.

Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng luôn yêu cầu các địa phương quan tâm phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng quản lý, điều hành cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã.

Từ ngày 13 đến 26/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng tổ chức các hội nghị tập huấn vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình tổ chức chính quyền mới cho cán bộ, công chức thuộc các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Qua đó, nhằm hướng dẫn, giúp cán bộ, công chức tiếp cận nhanh, sử dụng thành thạo các bước, vận hành hệ thống dịch vụ công theo mô hình mới. Anh Cil Ha Niên, công chức Trung tâm phục vụ hành chính công xã Lạc Dương cho biết: “Khi tham gia tập huấn, tôi được hướng dẫn cụ thể các bước, quy trình tiếp nhận hồ sơ đăng ký đất đai lần đầu để áp dụng vào thực tế công việc, qua đó giúp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh hơn”.

Xây dựng nền hành chính vì dân

Từ khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp đến nay, đất đai là lĩnh vực phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Từ thực tế đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về thi hành Luật Đất đai năm 2024 và hướng dẫn thực hiện nội dung phân cấp, phân quyền theo quy định; cùng một số nội dung thuộc lĩnh vực nông nghiệp và môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cho rằng, giai đoạn đầu triển khai mô hình mới, chính quyền cấp xã còn gặp khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật Đất đai và thực hiện thủ tục hành chính, như quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương hai cấp; phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai; xây dựng bảng giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã; trình tự cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu… Do đó, tỉnh phải chỉ đạo tổ chức hội nghị trực tuyến nhằm trao đổi, hướng dẫn các xã, phường, đặc khu trên địa bàn để bảo đảm vận hành thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tôn Thiện San, sở đã giao Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh tăng cường một viên chức, người lao động của Văn phòng về làm nhiệm vụ hướng dẫn, hỗ trợ các xã, phường, đặc khu trong thời gian ba tháng, bắt đầu từ ngày 22/7. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng thành lập ba tổ công tác, thành phần gồm các sở: Nội vụ (tổ trưởng), Nông nghiệp và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp, Tài chính để trực tiếp làm việc, hỗ trợ các địa phương tháo gỡ vướng mắc và triển khai kịp thời các nhiệm vụ trọng tâm.

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng Phạm Thị Trà My cho biết, ngày 23/7, đơn vị phối hợp Sở Tư pháp tỉnh Khánh Hòa tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp cho cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp xã nhằm kịp thời triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương hai cấp; phân cấp, phân quyền và phân định thẩm quyền. Đồng thời, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình triển khai, bảo đảm hoạt động thống nhất, hiệu quả.

Sở Tư pháp đã thành lập nhóm “Tư pháp Lâm Đồng”, với sự tham gia của tất cả công chức tư pháp-hộ tịch của 124 xã, phường, đặc khu trong tỉnh, cùng lãnh đạo sở và các phòng chuyên môn để theo dõi, nắm bắt tình hình và kịp thời giải đáp các vướng mắc. Đặc biệt, có sự tương tác ba bên: Cán bộ hộ tịch-tư pháp cấp xã - Sở Tư pháp và Sở Tư pháp liên thông với Bộ Tư pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Các hội nghị tập huấn đều được tổ chức trực tiếp và trực tuyến đến tất cả các xã, phường và đặc khu. Qua đó, giúp cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng và phương pháp tiếp cận phù hợp với nhiệm vụ, thẩm quyền mới được phân định; từng bước nâng cao nền hành chính phục vụ nhân dân.

Nguồn: https://baolamdong.vn/nang-cao-nang-luc-can-bo-cong-chuc-dap-ung-tinh-hinh-moi-383589.html


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Tên lửa S-300PMU1 trực chiến bảo vệ bầu trời Hà Nội
Mùa sen nở rộ thu hút du khách đến với vùng non nước hùng vĩ Ninh Bình
 Cù Lao Mái Nhà: Nơi sự hoang sơ, hùng vĩ và bình yên cùng hòa quyện
Hà Nội lạ thường trước giờ bão Wipha đổ bộ

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm