Năm 2022, Vĩnh Phúc đứng thứ 5 cả nước về tỷ trọng kinh tế số trên tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), đạt 22,87%. Để kinh tế số phát triển, trở thành động lực tăng trưởng mới của tỉnh, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn, rất cần sự chủ động vào cuộc của người dân, doanh nghiệp.
Hoạt động sản xuất linh kiện điện tử ứng dụng công nghệ cao tại Công ty TNHH Jahwa Vina (KCN Khai Quang). Ảnh: Chu Kiều
Vĩnh Phúc hiện nằm trong nhóm tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về kinh tế số đồng thời cũng nằm trong nhóm những địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước. Xác định CĐS là nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, tỉnh đã đẩy mạnh công tác truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức về CĐS cho người dân, doanh nghiệp đặc biệt là kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột quan trọng của CĐS.
Một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hoạt động kinh tế số là sự phát triển của lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT).
Chú trọng phát triển TMĐT, những năm qua, tỉnh đã ban hành và thực thi có hiệu quả các Kế hoạch phát triển TMĐT giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, hạ tầng số được xác định cần phải "đi trước một bước".
Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và dịch vụ internet, truyền hình trả tiền. Các doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư vào chất lượng dịch vụ, phát triển mạnh các dịch vụ giá trị gia tăng hướng tới khách hàng; đồng thời, hạ tầng truyền dẫn đã được cáp quang hóa 100%, tạo ra ưu thế tuyệt đối về băng thông, tốc độ và chất lượng đáp ứng đầy đủ nhu cầu về sử dụng các dịch vụ viễn thông của người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tại các siêu thị, cửa hàng lớn và cả các chợ truyền thống, các thiết bị quét mã vạch, QR code được sử dụng ngày càng phổ biến, giúp thời gian xử lý các đơn hàng được chính xác và nhanh chóng.
Phương thức thanh toán qua tài khoản hoặc các ví điện tử như: Momo, VNPAY, Zalo Pay hay Viettel Money đã được người dân khai thác sử dụng rộng rãi trong thanh toán trực tuyến và trực tiếp.
Đến nay, tỉnh đã hình thành 1 sàn TMĐT - Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến tỉnh Vĩnh Phúc hoạt động trong lĩnh vực cung ứng máy móc, công nghệ và thiết bị với hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia.
Các sàn TMĐT như Lazada, Shopee, Sendo, Tiki… và mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo… được người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng phổ biến trong hoạt động mua sắm.
Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp lên 2 sàn TMĐT Postmart.vn của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Voso.vn của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel.
Có thể khẳng định, lĩnh vực TMĐT trên địa bàn tỉnh đã từng bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt từ năm 2021 - 2023, Vĩnh Phúc luôn duy trì vị trí tốp 15 tỉnh, thành phố có chỉ số phát triển TMĐT tốt nhất cả nước; giúp các doanh nghiệp và người tiêu dùng tiếp cận được thông tin thị trường, giảm đáng kể thời gian và chi phí giao dịch, tiếp thị, phát triển quan hệ, tìm kiếm đối tác, chi phí sản xuất, giúp thanh toán nhanh chóng, chính xác và tiện lợi.
9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm (theo giá hiện hành) của một số ngành liên quan kinh tế số trên địa bàn tỉnh đạt hơn 24.000 tỷ đồng, chiếm trên 21% tổng GRDP. Đến thời điểm hiện tại, 100% các cơ sở giáo dục, cơ sở y tế đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, một số cơ sở y tế đã triển khai thiết bị đọc thẻ căn cước công dân gắn chip thay cho việc khai báo thẻ bảo hiểm y tế.
Có hơn 10.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh (chiếm 72%); tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử trên địa bàn tỉnh đạt 100%; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác đạt 65 - 70%; tỷ lệ người dân sử dụng ứng dụng định danh điện tử đạt 75 %;...
Mặc dù nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố có chỉ số phát triển TMĐT tốt nhất cả nước, song, so với các tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước Vĩnh Phúc còn có khoảng cách khá xa về điểm số phát triển TMĐT. Tỷ lệ số lượng doanh nghiệp có trang web, có chức năng mua, bán, tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng trên website so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Phát triển kinh tế số là trọng tâm của quá trình CĐS. Với những lợi thế khi nằm trong nhóm các tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút dòng "vốn ngoại", có ngành công nghiệp điện tử tương đối phát triển, Vĩnh Phúc đã và đang có nhiều cơ hội để đẩy mạnh phát triển kinh tế số, tạo động lực tăng trưởng mới trong tương lai.
Để nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của tỉnh và phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 300 doanh nghiệp công nghệ số, năm 2030 có tối thiểu 1.100 doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, mỗi ngành phải xác định các nền tảng số để triển khai và công bố giúp doanh nghiệp phát triển.
Xây dựng và triển khai có hiệu quả các chính sách khuyến khích về phát triển doanh nghiệp công nghệ số, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển sản phẩm số, nội dung số phù hợp với nhu cầu phát triển KT - XH.
Đặc biệt, phát triển nhanh TMĐT trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực, dựa trên nền tảng số, công nghệ mới, lấy đó là công cụ quan trọng để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại của tỉnh tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước trong giai đoạn tới.
Lưu Nhung
Nguồn
Bình luận (0)