Trí nhớ của con người tiến hóa không nhằm mục tiêu ghi nhớ chính xác, mà để phục vụ việc sinh tồn. Vì thế, não chỉ ưu tiên lưu trữ thông tin có giá trị giúp con người thích nghi với môi trường sống - Ảnh: Freepik
Nhiều người than nhiều lúc cảm thấy đầu óc "không thể nhớ thêm" khi học thi hay thiếu ngủ, nhưng các nhà khoa học khẳng định bộ não của con người không dễ bị "quá tải". Trí nhớ con người được thiết kế để thích nghi và hỗ trợ sinh tồn, chứ không phải để lưu giữ mọi chi tiết cuộc sống.
Trí nhớ con người không giống ổ cứng
Theo giáo sư Elizabeth Kensinger, chuyên ngành tâm lý học và thần kinh học tại Đại học Boston (Mỹ), bộ não không có giới hạn thực sự về lượng thông tin có thể lưu trữ. Ký ức không nằm trong một "ngăn tủ" riêng biệt mà được rải đều qua nhiều tế bào thần kinh liên kết với nhau.
Một ký ức như buổi tiệc sinh nhật tuổi 12 sẽ kích hoạt đồng thời nhiều vùng não khác nhau: màu sắc từ vỏ thị giác, vị bánh kem từ vùng vị giác, tiếng hát từ hệ thính giác và cảm xúc từ trung tâm cảm xúc. Khi nhớ lại, não "đánh thức" lại toàn bộ mô hình hoạt động ấy.
Chính cách lưu trữ phân tán này cho phép não bộ hình thành số lượng ký ức gần như không giới hạn, theo Live Science. Dù một vài tế bào bị tổn thương, ký ức vẫn có thể được phục hồi vì không bị phụ thuộc vào một vị trí duy nhất.
Nếu trí nhớ không bị giới hạn, vì sao con người hay quên?
Giáo sư Paul Reber (Đại học Northwestern) giải thích: não người không thể ghi lại tất cả mọi thứ vì tốc độ xử lý của trí nhớ chậm hơn dòng chảy cuộc sống. "Hãy hình dung bộ nhớ như một máy quay chỉ ghi được 10% nội dung. Chúng ta chỉ lưu lại được một phần nhỏ trong số rất nhiều trải nghiệm hằng ngày".
Những gì được lưu giữ lâu dài sẽ trải qua một quá trình gọi là củng cố trí nhớ, nơi thông tin dần dần chuyển hóa thành ký ức bền vững. Chính quá trình này mới là điểm nghẽn thực sự, chứ không phải vì não hết chỗ.
Giáo sư Lila Davachi (Đại học Columbia) cho rằng trí nhớ của con người tiến hóa không nhằm mục tiêu ghi nhớ chính xác, mà để phục vụ việc sinh tồn. Vì thế, não chỉ ưu tiên lưu trữ thông tin có giá trị giúp con người thích nghi với môi trường sống.
"Chúng ta tình cờ quá giỏi trong việc ghi nhớ, nên mới giữ lại được những chuyện hồi đại học", bà nói. "Nhưng thực ra đó là thứ không cần thiết cho sinh tồn. Có thể chỉ là một 'sản phẩm phụ' của quá trình tiến hóa".
Não bộ còn sử dụng chiến lược nén thông tin. Khi ta đi làm cùng một tuyến đường mỗi ngày, nó không lưu riêng từng chuyến đi mà tổng hợp thành một mẫu hình chung. Chỉ khi có điều gì bất thường xảy ra, như tắc đường hay suýt tai nạn, bộ não mới lưu riêng trải nghiệm đó.
Trí nhớ con người không bao giờ "đầy", chỉ ngày càng linh hoạt hơn
Các nhà khoa học đồng thuận rằng thay vì chứa đầy ký ức như ổ cứng, bộ não luôn sắp xếp, liên kết và điều chỉnh lại thông tin để thích nghi tốt hơn với hiện tại và dự đoán tương lai.
Nhờ cách hoạt động phân tán và linh hoạt này, con người có thể học suốt đời mà không sợ "hết chỗ nhớ".
Vậy nên, lần sau nếu bạn lỡ quên để cà phê ở đâu, đừng quá lo lắng. Bộ não của bạn có thể đang ưu tiên những điều quan trọng hơn, và đó là điều bình thường.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nao-nguoi-co-bi-het-dung-luong-ghi-nho-khong-20250716193400223.htm
Bình luận (0)