Nga đang triển khai một tên lửa dẫn đường phóng từ trên không mới có chứa đầu đạn hạt nhân chiến thuật, và Mỹ đã tiến hành đánh giá sơ bộ về vũ khí này.
Báo Khoa học và Đời sống•24/05/2025
Theo đánh giá mới của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Lầu Năm Góc (DIA), Nga đã triển khai một tên lửa không đối không mới được trang bị đầu đạn hạt nhân. Ảnh: @Wikipedia.
Vũ khí này có khả năng là một biến thể của R-37M, một tên lửa không đối không tầm xa được NATO gọi là AA-13 Axehead. Tiết lộ này vừa được nêu chi tiết trong Báo Cáo Đánh Giá Mối Đe Dọa Toàn Cầu Năm 2025 của DIA, trình lên Tiểu ban Tình báo và Hoạt động đặc biệt của Hạ viện Mỹ. Ảnh: @Military Watch Magazine.
Trong khi tên lửa không đối không mang đầu đạn hạt nhân là một phương án quân sự đã có trong kho vũ khí Chiến tranh Lạnh của Liên Xô, nhưng tình trạng hiện tại của chúng trong Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga (VKS) phần lớn vẫn chưa được biết rõ. Điều đó khiến cho tiết lộ mới này từ phía Mỹ trở nên đặc biệt đáng chú ý. Ảnh: @ EurAsian Times.
Sự phát triển này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với NATO và các hoạt động quân sự đang diễn ra của Nga, làm dấy lên câu hỏi về ý định chiến lược và khả năng sẵn sàng hoạt động của loại vũ khí bí ẩn này. Và bài viết này khám phá các thông số kỹ thuật, những tác động tiềm tàng của loại tên lửa mới này đối với chiến tranh trên không hiện đại. Ảnh: @Military Watch Magazine.
R-37M được cho là nền tảng cơ sở là của tên lửa hạt nhân bí ẩn này. Đây là một vũ khí đáng gờm được thiết kế để tấn công các mục tiêu ở khoảng cách cực xa. Ảnh: @Army Recognition.
Được phát triển bởi Cục Thiết kế Vympel của Nga, tên lửa này là nền tảng cho khả năng không chiến tầm xa, có phạm vi hoạt động vượt quá 300 km, vượt xa tầm với của hầu hết các tên lửa không đối không hiện đại. Ảnh: @ Defence Blog.
R-37M được trang bị hệ thống dẫn đường radar chủ động, bổ sung thêm tính năng hệ thống dẫn đường quán tính và dẫn đường giữa chặng bay, cho phép tên lửa theo dõi và tấn công các mục tiêu cực kỳ nhanh nhẹn và chính xác. Ảnh: @Army Recognition.
Hệ thống đẩy của tên lửa này bao gồm một động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, giúp đẩy tên lửa R-37M lên tốc độ siêu thanh, được cho là vượt quá tốc độ Mach 6 (tương đương 7.408 km/h), khiến các mục tiêu khó có thể trốn tránh. Ảnh: @Military Watch Magazine.
Đầu đạn của tên lửa này ở dạng thông thường, là loại nổ mạnh, phân mảnh, được thiết kế để tiêu diệt máy bay chỉ bằng một phát bắn. Ảnh: @ EurAsian Times.
R-37M thường được triển khai từ các nền tảng tiên tiến của Nga, bao gồm Sukhoi Su-35S Flanker-E - một máy bay chiến đấu đa năng có radar Irbis-E cực kỳ mạnh mẽ, hay Mikoyan MiG-31BM Foxhound - một máy bay đánh chặn tốc độ cao được tối ưu hóa cho các cuộc giao tranh tầm xa. Ngoài ra, còn có suy đoán rằng, tên lửa này có thể được tích hợp với Sukhoi Su-57 Felon tàng hình, mặc dù không có xác nhận công khai nào. Ảnh: @ Defence Blog.
Có thể thấy, việc đưa đầu đạn hạt nhân vào tên lửa R-37M là một sự thay đổi đáng kể so với vai trò thông thường của nó. Mặc dù báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Lầu Năm Góc không nêu rõ đương lượng nổ của đầu đạn hạt nhân này, nhưng có khả năng nó được thiết kế để có đương lượng nổ thấp, nằm trong khoảng từ 1 đến 5 kiloton. Ảnh: @ Defense Express.
Đầu đạn hạt nhân như vậy có thể được dùng cho các cuộc giao tranh diện rộng, có khả năng vô hiệu hóa nhiều mục tiêu trong bán kính nổ, chẳng hạn như đội hình máy bay ném bom, máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không (AWACS), hoặc thậm chí là cả đàn máy bay không người lái. Ảnh: @Military Watch Magazine.
Không giống như đầu đạn thông thường được dẫn đường chính xác, đầu đạn hạt nhân không yêu cầu độ chính xác tuyệt đối, vì sức công phá của nó bù đắp cho những hạn chế về mục tiêu, đặc biệt là đối với máy bay tàng hình hoặc các hệ thống sử dụng biện pháp đối phó điện tử tiên tiến. Ảnh: @ EurAsian Times.
Việc bổ sung đầu đạn hạt nhân vào tên lửa R-37M có thể nhắm vào các mục tiêu có giá trị cao như máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry của NATO, hoặc máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider của Không quân Mỹ, mặc dù tính thực tế của loại vũ khí này trong không chiến hiện đại vẫn còn chưa chắc chắn, do những tiến bộ trong chiến tranh điện tử và công nghệ tàng hình. Ảnh: @Army Recognition.
Những thách thức về mặt hoạt động khi triển khai tên lửa không đối không hạt nhân này là rất đáng kể. Chiến tranh không quân hiện đại nhấn mạnh vào độ chính xác, tàng hình và chiến tranh điện tử, những lĩnh vực mà NATO vẫn đang giữ được lợi thế lớn. Ảnh: @Defence Blog.
Thế nên, hiệu quả của tên lửa hạt nhân R-37M sẽ phụ thuộc vào khả năng vượt qua các biện pháp đối phó điện tử và mồi nhử, vốn đã trở thành tiêu chuẩn trong các lực lượng không quân phương Tây. Ảnh: @ Defense Express.
Ngoài ra, những lo ngại về hậu cần và độ an toàn khi triển khai đầu đạn hạt nhân trên máy bay chiến đấu hoặc máy bay đánh chặn là rất đáng kể, đòi hỏi phải có các giao thức lưu trữ, xử lý và chỉ huy an toàn, để ngăn ngừa việc sử dụng trái phép, cũng như phải ngăn chặn các sự cố tai nạn không mong muốn xảy ra. Ảnh: @Army Recognition.
Sự phát triển của vũ khí này có thể phản ánh mong muốn của Nga, nhằm bù đắp cho những lợi thế về công nghệ quân sự mà NATO đang có. Tuy nhiên, tính hữu ích thực tế của nó vẫn chưa chắc chắn. Việc tiết lộ của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Lầu Năm Góc, mặc dù có ý nghĩa quan trọng, nhưng vẫn để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp, bao gồm cả khả năng sẵn sàng của tên lửa này, tình trạng triển khai và vai trò dự kiến. Ảnh: @Military Watch Magazine.
Bình luận (0)