Cuộc họp của các bảo tàng
Ngay đầu tuần, một trong những nội dung trong cuộc họp của Bảo tàng Mỹ thuật VN chính là tăng cường bảo vệ ra sao với những tác phẩm đang trưng bày; trong số đó có nhiều bảo vật quốc gia như: tượng Phật bà Quan Âm Hội Hạ, tranh Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng, tranh Em Thúy của Trần Văn Cẩn, bức Bình phong của Nguyễn Gia Trí… "Chúng tôi đều đang trưng bày bản gốc của tác phẩm. Giá trị của bảo tàng chính là ở tác phẩm gốc. Bảo tàng Louvre (Pháp) cũng trưng bày tác phẩm gốc đấy thôi…", ông Nguyễn Anh Minh, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật VN, cho biết.
Việc trưng bày ngai vua đã cho thấy chỗ hổng khi bảo vật bị tấn công
ẢNH: CỤC DI SẢN VĂN HÓA CUNG CẤP
Bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn
Vấn đề là sau khi ngai vàng triều Nguyễn bị bẻ gãy trong điện Thái Hòa (Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế), việc tăng cường bảo vệ với các bảo vật quốc gia đang là câu hỏi với nhiều đơn vị. Đơn vị của ông Minh hiện có tới 9 bảo vật quốc gia đang trưng bày. "Chúng tôi sẽ tăng cường bảo vệ hơn", ông Minh nói. Tuy nhiên, việc tăng cường bảo vệ không hề đơn giản.
Với trường hợp của Bảo tàng Mỹ thuật VN, các tác phẩm đang được trưng bày ở những phòng khác nhau, tương đương với các thời kỳ mỹ thuật. Vì thế, có thể nói, chúng nằm rải rác ở nhiều phòng. Nếu có thể gom các tác phẩm này vào một phòng, để duy trì cơ chế bảo vệ đặc biệt hơn, sẽ thuận tiện hơn cho bảo tàng. Mặc dù vậy, điều này lại khó thực hiện do kết cấu nội dung hiện nay. Phòng của Bảo tàng Mỹ thuật VN cũng tương đối nhỏ, các tác phẩm bày khá sát nhau. Do vậy, nếu muốn có những lớp bảo vệ khác nhau cũng sẽ khó khăn.
Cùng lúc, nguồn tin cho biết Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng có cuộc họp tương tự. Đây là bảo tàng hàng đầu cả nước về số lượng bảo vật quốc gia, cũng là đơn vị có kho giữ hiện vật và các tủ trưng bày với yêu cầu kỹ thuật cao, đảm bảo bảo vệ tốt. Mặc dù vậy, sau vụ việc của ngai vàng triều Nguyễn tại điện Thái Hòa, cán bộ bảo tàng cũng cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường ý thức về việc bảo vệ hiện vật thêm.
Cân nhắc cơ chế trưng bày bản sao
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, cho biết từ trước tới giờ các bảo tàng lớn khi trưng bày các bảo vật quốc gia, hiện vật quý vẫn thường trưng bày bản gốc. "Trưng bày bản gốc là sức mạnh của bảo tàng. Nó cũng tạo cảm xúc cho người xem. Nhìn chung, nên tăng cường các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ hiện vật để có thể trưng bày hiện vật gốc. Các bảo tàng ở VN cũng có hệ thống chuông báo nếu có sự cố", PGS-TS Đặng Văn Bài nói.
Phương án trưng bày bảo vật quốc gia hộp vàng Yên Tử
ẢNH: TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU KINH THÀNH
Tuy nhiên, có một điều đã thay đổi trong luật Di sản văn hóa sửa đổi bổ sung năm 2024. Đầu tiên, đó là việc có quy định về yêu cầu bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia tại điều 46. Theo đó, phải "bảo đảm đầy đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị kỹ thuật, công nghệ để kiểm soát môi trường bảo quản, ứng phó thiên tai, phòng, chống cháy nổ, trộm cắp và nguy cơ khác có thể ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia".
Về việc tăng cường bảo vệ mà PGS-TS Bài nhắc đến, hiện tại theo luật Di sản văn hóa sửa đổi đang có nhiều thuận lợi. Còn nhớ, khi hộp vàng Ngọa Vân Yên Tử chuẩn bị được trưng bày, một phương án trưng bày đã được PGS-TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh thành, đưa ra dựa trên mô hình trưng bày tại Hàn Quốc. Trong phương án trưng bày này, ánh sáng căn phòng sẽ rất nhẹ, còn tủ kính trưng bày hiện vật sẽ được chiếu sáng mạnh. Đèn sẽ được hắt từ trần lẫn đế tủ. Kính bảo vệ sẽ là loại chịu lực, búa tạ đập vào cũng không có vết gì.
PGS-TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, cho biết: "Lần này luật Di sản mới có quy định để mở đường cho ngân sách chi để bảo quản bảo vật quốc gia, chứ trước là không có". Đây là một điều thuận lợi cho việc lên kế hoạch bảo vệ các bảo vật quốc gia khi trưng bày.
Thêm vào đó, luật Di sản mới có thêm quy định cho việc thực hiện bản sao các bảo vật quốc gia, tại điều 52. Theo đó: "Việc làm bản sao di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chỉ được thực hiện nhằm mục đích bảo vệ và phát huy giá trị trong trường hợp di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia dễ bị hư hại, cần hạn chế sử dụng".
Điều này, với các bảo vật quốc gia như những bức tranh của Bảo tàng Mỹ thuật VN, sẽ mở ra việc bảo vệ tác phẩm. Nhiều tác phẩm bằng lụa, sơn dầu qua thời gian sẽ bị ảnh hưởng và việc có những bản sao sẽ giúp bản gốc được "nghỉ ngơi". Những bản sơn mài sẽ tránh được nguy cơ bị tấn công bằng vật cứng khiến có thể bị xước.
Về điều này, PGS-TS Lê Thị Thu Hiền cho hay: "Tất nhiên bảo vật quốc gia thì đều độc bản rồi. Sau này có thể cũng phải cân nhắc có cơ chế để trưng bày bản sao, chẳng hạn có thể trưng bày bản sao với các không gian không có bảo quản trong tủ".
Phó thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính đã yêu cầu UBND TP.Huế khẩn trương chỉ đạo thực hiện kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật của bảo vật quốc gia ngai vua triều Nguyễn và đề xuất giải pháp bảo quản, phục hồi. Chính quyền địa phương tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức liên quan, không để xảy ra trường hợp tương tự; gửi báo cáo về Bộ VH-TT-DL để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1.6.
Phó thủ tướng Mai Văn Chính cũng chỉ đạo rà soát tổng thể, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ an ninh, an toàn di tích cố đô Huế và các di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và các di tích trên địa bàn; xây dựng phương án phòng ngừa, phát hiện từ sớm và sẵn sàng ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại, phá hoại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức về bảo vệ di sản văn hóa trong cộng đồng.
Bùi Ngọc Long - Lê Hoài Nhân
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngai-vang-trieu-nguyen-bi-be-gay-sao-khong-trung-bay-ban-sao-bao-vat-185250526220711678.htm
Bình luận (0)