Sự kiện hứa hẹn sẽ tạo dấu ấn mạnh mẽ, không chỉ mang đến trải nghiệm thiết thực cho doanh nghiệp và người dân, mà còn khẳng định quyết tâm đổi mới và vai trò tiên phong của ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số quốc gia.
“Các ngân hàng đang đẩy mạnh số hoá quy trình vay vốn, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) trong thẩm định, cung cấp gói vay tín chấp linh hoạt, nhanh chóng. Hệ sinh thái số cho doanh nghiệp cũng được xây dựng, tích hợp thanh toán, nộp thuế qua API kết nối với phần mềm kế toán.
Phát biểu tại Họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng nhấn mạnh: “Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai Nghị quyết số 66 -NQ/TW và 68 - NQ/TW , Tổng Bí thư Tô Lâm xác định Nghị quyết 57 là một trong bốn trụ cột thể chế nền tảng, có ý nghĩa chiến lược nhằm thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.Tinh thần đó đã được cụ thể hóa thành chủ đề chuyển đổi số Quốc gia năm 2025 là “Chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số”.
“Việc tổ chức sự kiện: ‘Hệ sinh thái số thông minh trong kỷ nguyên mới’ chính là minh chứng cho quyết tâm ấy. Chủ đề này không chỉ bám sát tinh thần chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, mà còn thể hiện rõ thông điệp: Ngành Ngân hàng lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, thúc đẩy ứng dụng các sản phẩm dịch vụ đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái số thông minh, kết nối liên thông và an toàn hướng tới mục tiêu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện, toàn trình để tăng tốc, bứt phá phát triển kinh tế số”, bà Lê Thị Thúy Sen cho biết.
Đề cập về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) cho biết:“Hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) hoạt động ổn định, an toàn. Năm 2024, hệ thống TTĐTLNH xử lý tăng 7,43% về số lượng và 32,90% về giá trị so với năm 2023. Trung bình một ngày hệ thống xử lý hơn 534.000 món với giá trị bình quân khoảng 820.000 tỷ đồng”.
Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử (CMTC&BTĐT) có khả năng xử lý giao dịch thanh toán tức thời, vận hành liên tục 24 giờ x 7 ngày. Năm 2024, hệ thống CMTC&BTĐT xử lý tăng 29,69% về số lượng và 15,12% về giá trị so với cùng kỳ 2023 bình quân xử lý khoảng hơn 26 triệu giao dịch/ngày, tăng 30,34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến nay, toàn thị trường có hơn 21.000 ATM và 737.000 (điểm bán hàng) POS; mạng lưới chấp nhận thanh toán (POS/QR Code) phủ đến hầu hết các địa phương trên toàn quốc. Việt Nam đã hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới qua QR Code với Thái Lan, Campuchia, Lào, cho phép khách hàng thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ tại nước ngoài thông qua mã QR ngay trên ứng dụng di động (Mobile app) của ngân hàng Việt Nam và ngược lại. NHNN đang triển khai kết nối thanh toán QR với Trung Quốc, Hàn Quốc và một số quốc gia khác.
Đăng ký chữ ký số trên App VNeID và app VCB Digibank
Theo NHNN, nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Nhiều nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...).
Nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) tại Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch trên kênh số. Các TCTD tập trung chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh truyền thống cùng với việc có thêm nhiều kênh tương tác đã đem lại các sản phẩm dịch vụ mới, tiện ích và hoàn toàn khác biệt so với trước đây như: Phát triển tính năng nộp/rút tiền trên máy giao dịch tự động; giải ngân trực tuyến dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; mở thẻ tín dụng qua tương tác giao dịch với Rô-bốt, thanh toán chạm bằng điện thoại thông minh (Tap to pay), thanh toán phi tiếp xúc, thanh toán bằng giọng nói, khuôn mặt...
Đại diện Vietcombank cho biết, kể từ nay, người dân có thể đăng ký chứng thư chữ ký số trên VNeID và ứng dụng VCB Digibank. Việc triển khai thí điểm Giải pháp “Cổng ký số từ xa tập trung trên VNeID” góp phần thúc đẩy các giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả và minh bạch - từ dịch vụ công, tài chính, thương mại đến y tế - từng bước xây dựng một xã hội số hiện đại, an toàn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.
Vietcombank được coi là ngân hàng tiên phong kết nối với nền tảng “Cổng ký số từ xa tập trung trên VNeID”, giúp khách hàng có thể đăng ký chữ ký số chỉ trong một vài phút trên ứng dụng VCB Digibank và sử dụng chữ ký số trong các giao dịch ngân hàng như đăng ký khoản vay, giải ngân… và các thủ tục khác trong tương lai.
Để đăng ký chữ ký số, khách hàng chỉ cần cập nhật ứng dụng VCB Digibank phiên bản mới nhất và gõ tìm kiếm “chữ ký số” để đăng ký.
Bà Nguyễn Thị Ngoan - Giám đốc Tài chính Công ty Cổ phần MISA kiêm Giám đốc Nền tảng MISA Lending:
Đã giải ngân cho vay vốn được 22.500 tỷ đồng MISA đã phát triển nền tảng MISA Lending với vai trò giúp kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với ngân hàng và tổ chức tài chính. Gần 300.000 khách hàng của MISA đều phần lớn dùng các giải pháp trên cloud của MISA do vậy, các chỉ số cần thiết cung cấp để ngân hàng đánh giá rủi ro là trực tiếp và có thể lấy được bất kể khi nào, hạn chế được nhiều rủi ro cho ngân hàng. MISA Lending đặt mục tiêu giúp doanh nghiệp vay vốn chỉ trong 5 phút nộp hồ sơ, 1 ngày phê duyệt, không cần tài sản đảm bảo.Dựa trên kho dữ liệu sẵn có cùng với công nghệ, MISA phối hợp cùng các ngân hàng thiết kế nhiều sản phẩm vay phù hợp như: vay tín chấp, vay hóa đơn, vay vốn lưu động, vay theo hạn mức. Đến nay, MISA Lending đã ghi nhận những kết quả tích cực như: 10.500 tỷ đồng hạn mức được phê duyệt; 22.500 tỷ đồng đã giải ngân; 30% doanh nghiệp vay vốn thành công, cao gấp 10 lần mô hình truyền thống. Tỷ lệ rủi ro ở mức ngân hàng chấp nhận được. Chúng tôi kỳ vọng Chính phủ có thể xây dựng mô hình tam giác: Chính phủ có quỹ bảo lãnh vay tín dụng cho các SMEs, ngân hàng thương mạicho vay vốn, còn MISA là đơn vị có thể cung cấp dữ liệu để giảm thiểu rủi ro. |
Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/doanh-nhan/ngan-hang-day-manh-so-hoa-viec-vay-von-ap-dung-ai-trong-tham-dinh/20250527060925019
Bình luận (0)