Thực hiện Đề án "Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030", ngành giáo dục thành phố Phủ Lý đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cụ thể các nhà trường trên địa bàn triển khai nhiệm vụ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và thống kê giáo dục; thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT, chuyển đổi số để có sự hỗ trợ kịp thời cho ngành.
Từ năm học 2023 – 2024 đến nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thành phố Phủ Lý đã triển khai thử nghiệm hệ thống phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành (VNPT iOffice). Đây là phần mềm có chức năng tạo, gửi nhận, lưu trữ và tra cứu văn bản một cách tối ưu, hiệu quả; tối ưu hoá việc phân công nhiệm vụ, theo dõi và đánh giá tiến độ công việc của cá nhân hay nhóm làm việc một cách minh bạch. Đến nay, 100% văn bản chỉ đạo điều hành của đơn vị đều được xử lý trên môi trường mạng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các đơn vị xây dựng các chương trình tập huấn nghiệp vụ về CNTT cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các nhà trường. Trong đó, tập trung tập huấn cách sử dụng các ứng dụng như: ứng dụng công nghệ AI trong công tác giảng dạy; sổ điểm điện tử trực tuyến; phần mềm kế toán (MISA); phần mềm "Điểm danh thông minh"; thống kê báo cáo EMIS, EPMIS, TEMIS, quản lý thuế, quản lý tài chính - tài sản, quản lý thư viện, quản lý thiết bị; phần mềm soạn giáo án điện tử…
Trường THCS Trần Phú hiện là một trong những đơn vị đi đầu về ứng dụng CNTT trong quản lý dạy và học của thành phố. Năm học 2024- 2025, nhà trường có hơn 1.200 học sinh với 34 lớp học. Hiện nay, 34/34 lớp học đều được trang bị máy tính, ti vi màn hình rộng được kết nối mạng internet; 100% giáo viên nhà trường đều trang bị máy tính xách tay sử dụng các phần mềm, công cụ cơ bản để soạn giáo án, thiết kế bài giảng trình chiếu thành thạo. Nhờ ứng dụng CNTT, bài giảng trở nên sinh động, học sinh hào hứng hơn với các tiết học. Trước đây, học sinh chỉ được nghe giảng trực tiếp từ thầy cô, thì giờ đây, các em vừa có thể nghe giảng vừa được nhìn những hình ảnh thực tế từ ti vi, máy chiếu, từ đó giúp hoạt động dạy học thêm phong phú, hiệu quả hơn...
Cô giáo Đỗ Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhận thức rõ tầm quan trọng về việc ứng dụng CNTT, nhà trường đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động gắn với chuyển đổi số. Năm học 2024 – 2025, nhà trường đã đưa vào sử dụng 1 phòng học thông minh - đa chức năng cấp độ 2 với 40 máy tính bảng, máy vi tính… bảo đảm tốt các tính năng truyền phát âm thanh, hình ảnh, video. Ngoài ra, phòng học còn được tích hợp các phần mềm giảng dạy điện tử giúp giáo viên có thể truyền tải những kiến thức cho học sinh nhanh chóng nhất. Học sinh cũng có thể tương tác với giáo viên thông qua các thiết bị và hệ thống bài học, dữ liệu được kết nối mạng. Sau thời gian ngắn đưa vào sử dụng, phòng học thông minh của nhà trường khẳng định được tính tích cực trong việc hỗ trợ các hoạt động dạy và học của giáo viên và học sinh.
Được biết, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, Trường THCS Trần Phú còn quan tâm nâng cao kiến thức và kỹ năng ứng dụng CNTT của giáo viên. Mỗi tiết học, giáo viên đều chú trọng khai thác hiệu quả các thiết bị dạy học, phần mềm quản lý như: MS Team, Google Meet, Zoom hay hệ thống OLM để triển khai linh hoạt các hình thức dạy học. Cùng với đó, nhà trường đã xây dựng nền tảng kho học liệu số với trên 463 bài giảng; phối hợp với đơn vị chức năng xây dựng mạng lưới sổ liên lạc điện tử, điểm danh thông minh, giúp phụ huynh có thể quản lý, tiếp nhận thông tin của học sinh trên hệ thống tin nhắn điện thoại qua ứng dụng VnEdu, qua zalo và nắm bắt các hoạt động học tập, rèn luyện của con em mình thường xuyên, liên tục... góp phần tăng cường sự kết nối giáo dục giữa nhà trường và gia đình.
Theo ông Đỗ Văn Dũng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Phủ Lý, hiện nay, 100% các trường học trên địa bàn thành phố đã có hạ tầng internet cáp quang tốc độ cao phục vụ hiệu quả công tác quản lý, hoạt động dạy và học, đáp ứng nhu cầu trao đổi thông tin trong toàn ngành. Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành và hệ thống quản lý giáo dục trực tuyến hoạt động ổn định với 100% dữ liệu về học sinh, giáo viên được cập nhật theo thời gian thực. Toàn bộ giáo viên đã được cấp tài khoản sử dụng để tự bồi dưỡng qua mạng một cách chủ động, thường xuyên. CNTT được xem là mấu chốt của đổi mới phương pháp dạy học và tạo sự hấp dẫn cho cả giáo viên và học sinh.
Việc ứng dụng CNTT trong quản lý dạy và học của các nhà trường đã đem lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần tác động không nhỏ tới tác phong làm việc của cán bộ, giáo viên và học sinh. Theo đó, hầu hết giáo viên đã chủ động tìm hiểu, rèn luyện, tìm kiếm các nguồn thông tin, tích luỹ kiến thức nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng sử dụng các thiết bị CNTT. Việc thiết kế bài giảng bằng giáo án điện tử đã tiết kiệm nhiều thời gian so với cách dạy theo phương pháp truyền thống. Những bài giảng được soạn theo giáo án điện tử thu hút sự thích thú, tạo sự hứng khởi trong học tập, tạo nên sự gắn kết, từ đó gia tăng sự tương tác đối với giáo viên và học sinh. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường qua từng năm học... Đây là yếu tố quan trọng để ngành giáo dục thành phố Phủ Lý tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới.
Bùi Linh
Nguồn: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/giao-duc/nganh-giao-duc-phu-ly-ung-dung-cntt-trong-quan-ly-day-va-hoc-160763.html
Bình luận (0)