Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Ngành nông nghiệp phấn đấu để đạt mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững

Báo Đồng ThápBáo Đồng Tháp15/07/2025

 

ĐTO - 6 tháng đầu năm 2025, ngành nông nghiệp Đồng Tháp tăng trưởng ổn định với GRDP nông - lâm - thủy sản tăng 3,94%, giá trị sản xuất tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng vẫn còn nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch và những khó khăn cần được tháo gỡ để bứt phá trong 6 tháng cuối năm...


Tỉnh Đồng Tháp sẽ thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại xã Mỹ Thành gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh

Nhiều điểm sáng tích cực

6 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP khu vực nông - lâm - thủy sản đạt 3,94%, tiệm cận mục tiêu 4%. Giá trị sản xuất cũng tăng mạnh 4,03%. Đặc biệt, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó nước sạch đạt 94,99% cho thấy sự cải thiện rõ rệt về điều kiện sống của người dân nông thôn. Tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024, một thành tựu đáng tự hào.

Về sản xuất, diện tích gieo sạ lúa đạt 48,34% kế hoạch, rau màu thực phẩm và cây ăn trái đều có mức tăng trưởng về diện tích và sản lượng so với cùng kỳ năm trước. Chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt đàn heo tăng 17,6%. Thủy sản duy trì đà tăng trưởng ổn định, diện tích nuôi đạt 83,03% kế hoạch và sản lượng nuôi, khai thác tăng 4,9%.

Công tác quản lý vùng trồng, chất lượng và an toàn thực phẩm được chú trọng với việc xác lập 2.433 mã vùng trồng và cấp giấy xác nhận cho 541 cơ sở nuôi đối tượng chủ lực. Nhiều diện tích cây trồng, vật nuôi được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, ASC, GlobalGAP, BAP, VietGAP góp phần nâng cao giá trị và uy tín sản phẩm.

Ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong nông nghiệp được tỉnh đẩy mạnh với việc tăng cường hệ thống giám sát sâu rầy thông minh, ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi, quản lý mã số vùng trồng và triển khai các chương trình khoa học công nghệ liên quan. Các hệ thống dữ liệu ngành như phần mềm kết nối nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nền tảng nông nghiệp số VDAPES đang được vận hành hiệu quả.


Nông dân thu hoạch lúa

Công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là xâm nhập mặn đã được chủ động triển khai sớm hơn, mang lại hiệu quả hơn so với năm trước, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Công tác chống khai thác IUU được thực hiện nghiêm túc, 100% tàu cá xuất nhập bến và hồ sơ cấp biển được thực hiện trên hệ thống eCDT. Tỷ lệ tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%.

Kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố và phát triển, với 6 hợp tác xã nông nghiệp mới được thành lập. Chương trình OCOP tiếp tục gặt hái thành công với 942 sản phẩm OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 5 sao, khẳng định chất lượng và thương hiệu nông sản Đồng Tháp.

Bên cạnh những điểm sáng, ngành nông nghiệp Đồng Tháp vẫn đối mặt với không ít thách thức. Giá lúa và một số loại trái cây chủ lực thấp hơn cùng kỳ, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân. Việc tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm còn gặp khó khăn do tập quán canh tác nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ về quy trình sản xuất và chất lượng chưa đồng nhất; việc thu thập và nhập liệu báo cáo trên nền tảng nông nghiệp số chưa đầy đủ và kịp thời. Công tác phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn còn gặp vướng mắc do hạ tầng và giải pháp chưa đồng bộ, cùng với thói quen của người dân...


Đồng Tháp luôn quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu

Tạo đà bứt phá cho ngành nông nghiệp

Để đạt được các chỉ tiêu quan trọng trong 6 tháng cuối năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Tháp đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, tập trung vào các lĩnh vực then chốt nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

Tỉnh tập trung tổ chức sản xuất linh hoạt vụ lúa thu đông 2025 tại các vùng đủ điều kiện, gia tăng sản lượng. Đặc biệt sẽ thí điểm mô hình canh tác lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại xã Mỹ Thành (50ha), gắn với mục tiêu tăng trưởng xanh. Việc quản lý sâu bệnh hại cây trồng được chú trọng thông qua gieo sạ tập trung né rầy, khuyến cáo sử dụng giống lúa xác nhận và ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa theo mô hình “1 phải, 5 giảm”. Đối với cây màu, người dân được khuyến cáo chủ động ứng phó thời tiết bất lợi. Cây ăn trái được cải tạo, áp dụng kỹ thuật rải vụ, tăng cường bón phân hữu cơ và quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, đồng thời khắc phục tình trạng nhiễm Cadimi trên sầu riêng.

Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ người nuôi chuyển đổi sang quy mô trang trại, tuân thủ Luật Chăn nuôi và Thú y. Việc cung cấp vắc xin miễn phí và tuyên truyền phòng bệnh cho vật nuôi được ưu tiên. Khi dịch bệnh xảy ra, các biện pháp phòng, chống dịch cần được triển khai quyết liệt để dập dịch kịp thời.


Tỉnh khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế thuận thiên trong sản xuất nông nghiệp

Đồng Tháp sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, hướng tới giảm giá thành, ứng dụng công nghệ thông minh, truy xuất nguồn gốc và phát triển chuỗi giá trị. Các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, sản xuất hữu cơ trên cây trồng, vật nuôi chủ lực sẽ được triển khai và nhân rộng. Đặc biệt, tỉnh khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn và kinh tế thuận thiên trong canh tác nông nghiệp. Để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn kịp thời, các hoạt động tiếp xúc với doanh nghiệp thu mua, chế biến và người sản xuất nông sản được duy trì, cùng với việc phân công cán bộ chuyên môn hỗ trợ địa phương trong khâu tổ chức sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, phân phối nông sản.

Bên cạnh đó, tỉnh còn đẩy mạnh xúc tiến thương mại và kết nối cung cầu. Tiếp tục quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói. Hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP, hoàn thiện hồ sơ sản phẩm OCOP đạt sao, đặc biệt là các sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đồng Tháp, để ngành nông nghiệp tỉnh nhà đạt được các chỉ tiêu đề ra, từ nay đến cuối năm 2025 cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành, địa phương và đặc biệt là sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp. Việc tập trung vào sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, cùng với việc hoàn thiện các chính sách hỗ trợ sẽ là chìa khóa để ngành nông nghiệp Đồng Tháp không chỉ đạt được các mục tiêu trước mắt mà còn hướng đến phát triển bền vững trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và đảm bảo an sinh xã hội.

Mỹ Nhân

Nguồn: https://baodongthap.vn/kinh-te/nganh-nong-nghiep-phan-dau-de-dat-muc-tieu-tang-truong-va-phat-trien-ben-vung-132871.aspx


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cảnh huyền ảo trên đồi chè 'bát úp' ở Phú Thọ
3 hòn đảo ở miền Trung được ví như Maldives, hấp dẫn du khách dịp hè
Ngắm phố biển Quy Nhơn của Gia Lai lung linh về đêm
Hình ảnh ruộng bậc thang ở Phú Thọ dốc thoai thoải, sáng đẹp tựa gương soi trước vụ cấy

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm