Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nghị quyết 68-NQ/TW: Bệ phóng cho kinh tế tư nhân bứt phá

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN), xác lập tầm nhìn chiến lược và những định hướng cụ thể nhằm khơi thông, thúc đẩy tiềm năng to lớn của khu vực KTTN - lực lượng sản xuất quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân. Việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết này được kỳ vọng sẽ mở ra không gian mới cho khu vực KTTN phát triển nhanh, bền vững, đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Báo Thái BìnhBáo Thái Bình12/05/2025

Hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới công nghệ sẽ tạo cú hích cho doanh nghiệp tư nhân bứt phá phát triển. (Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư và xây lắp Tiến Thịnh)

Tư duy mới về phát triển kinh tế tư nhân

Nghị quyết số 68 được xây dựng trên cơ sở tổng kết gần 40 năm đổi mới, với tư duy phát triển mới, toàn diện hơn về KTTN. Văn kiện nhấn mạnh: “Phát triển KTTN nhanh, bền vững, hiệu quả, chất lượng cao là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, cấp bách; là yêu cầu khách quan và là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết cũng đã xác lập 5 quan điểm chỉ đạo lớn, trong đó điểm nhấn quan trọng là xóa bỏ định kiến, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; khơi thông và bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng cho khu vực tư nhân. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định rõ vai trò của Đảng trong lãnh đạo, Nhà nước trong kiến tạo phát triển và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể.

Mục tiêu của Nghị quyết đặt ra, đến năm 2030, cả nước có khoảng 2 triệu doanh nghiệp tư nhân, khu vực này đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách nhà nước; đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp trên 60% GDP. Cùng với đó là đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, bản lĩnh, văn hóa và tinh thần trách nhiệm cao với đất nước, xã hội. Đây là những mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng rất kỳ vọng, thể hiện sự nhìn nhận rõ ràng và quyết tâm đổi mới từ Trung ương để giải phóng các nguồn lực quan trọng trong xã hội phục vụ phát triển đất nước.

Cơ hội lớn cho doanh nghiệp và khởi nghiệp

Với tinh thần đổi mới mạnh mẽ, Nghị quyết số 68-NQ/ TW không chỉ là văn kiện định hướng mà còn là lời hiệu triệu hành động, mở ra cơ hội lớn cho khu vực KTTN bứt phá. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp toàn diện. Doanh nghiệp tư nhân sẽ được tiếp cận công bằng hơn với các nguồn lực: vốn, đất đai, công nghệ, thông tin, nhân lực chất lượng cao.

Đáng chú ý, Nghị quyết số 68-NQ/TW đề cập trực diện đến việc phát triển KTTN gắn với các lĩnh vực then chốt như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo. Song song với đó, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, tạo sân chơi bình đẳng và khích lệ thế hệ doanh nhân trẻ tham gia mạnh mẽ vào công cuộc dựng xây đất nước. Chính từ các định hướng này, kỳ vọng sẽ hình thành nên lớp doanh nghiệp tư nhân vừa và lớn thay vì “dậm chân tại chỗ” quy mô vừa và nhỏ trong thời gian dài vừa qua. Các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh có khả năng cạnh tranh quốc tế, đi đầu trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao, từ đó tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế bền vững, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành nước phát triển, tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Kỳ vọng của doanh nhân Thái Bình

Ngay khi Nghị quyết số 68- NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Thái Bình hồ hởi đón nhận và hy vọng đây sẽ là một làn gió mới mát lành thổi bùng lên khát vọng phát triển của khu vực KTTN lâu nay trì trệ, chậm lớn mạnh. Là người đã gắn bó với Công ty Cổ phần Gốm sứ Long Hầu hơn 30 năm, hiểu rõ những thăng trầm, khó khăn của ngành sản xuất công nghiệp vật liệu xây dựng, ông Nguyễn Quốc Phòng, Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty cho rằng: Chưa bao giờ doanh nghiệp khối KTTN được đánh giá cao, quan tâm mạnh mẽ và đồng bộ như hiện nay. Chúng tôi rất kỳ vọng Nghị quyết sẽ sớm được thể chế hóa thành chính sách cụ thể, nhất là về vốn tín dụng ưu đãi, mặt bằng sản xuất, chính sách đổi mới công nghệ... Đây đều là những tồn tại, vướng mắc lâu nay khiến cho doanh nghiệp tư nhân thiếu sức sống, năng lực cạnh tranh khi gia nhập thị trường. Nghị quyết đi vào cuộc sống sớm sẽ cởi bỏ được gánh nặng đó, giúp doanh nghiệp có thể mở rộng quy mô, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Dưới góc nhìn của một doanh nghiệp thương mại và nhà đầu tư bất động sản công nghiệp, ông Lương Văn Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Thuận Cường đánh giá cao quan điểm của Trung ương trong đổi mới tư duy về KTTN. Theo đó, xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về KTTN Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của KTTN đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế... tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi. Ông Thuận chia sẻ: Đi cùng với đổi mới tư duy, Nghị quyết cũng chỉ rõ những nhiệm vụ giải pháp cụ thể để thúc đẩy KTTN phát triển, trong đó có tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho KTTN. Khi được đối xử công bằng và tiếp thêm nguồn lực, chúng tôi tin rằng, các doanh nghiệp tư nhân sẽ có cơ hội để bứt phá vươn lên. Còn ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Đại Nghĩa (Tiền Hải) cho biết: Một trong những nhiệm vụ, giải pháp để giúp KTTN phát triển mà Nghị quyết chỉ ra là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững. Chúng tôi đánh giá đây chính là chìa khóa tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học công nghệ như chúng tôi có điều kiện nghiên cứu, sáng tạo, đưa sản phẩm khoa học công nghệ vào phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn, doanh nghiệp sẽ mở rộng được cả quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ.

Việc xác định KTTN là động lực của nền kinh tế là bước chuyển tư duy rất lớn. Nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp mới khởi nghiệp mong muốn các cấp chính quyền đồng hành nhiều hơn, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục đầu tư, đấu thầu, thuê đất, phát triển công nghệ... giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư, hoạt động lâu dài. Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Manda Farm, người sáng lập thương hiệu nông sản sạch tiêu chuẩn hữu cơ tại Thái Bình cho biết: Nghị quyết này đã khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp. Chúng tôi mong sẽ có nhiều chương trình hỗ trợ chuyên sâu về kết nối thị trường, tư vấn pháp lý, phát triển thương hiệu và tiếp cận các nguồn vốn đầu tư, từ đó tạo niềm tin và động lực cho các doanh nghiệp trẻ kiên trì theo đuổi lý tưởng khởi nghiệp bền vững.

Ở góc độ đại diện tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, ông Đỗ Văn Vẻ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đánh giá: Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị là một dấu mốc lớn. Điều quan trọng hiện nay là sớm tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Nghị quyết đến các doanh nhân, đồng thời tích cực tham mưu, kiến nghị chính sách đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương, từng ngành nghề. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ là cầu nối tích cực để gắn kết doanh nghiệp với cơ quan nhà nước, thể chế hóa Nghị quyết thành chính sách, cơ chế thiết thực, chung tay hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra.

Nghị quyết số 68-NQ/TW là minh chứng rõ nét cho quyết tâm chính trị và tư duy phát triển đột phá của Đảng ta trong việc khẳng định vai trò, vị thế của KTTN. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, việc cụ thể hóa, triển khai hiệu quả Nghị quyết là yêu cầu cấp thiết để khơi thông nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế. Với sự đồng hành của chính quyền các cấp, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội và sự quyết tâm, đổi mới, sáng tạo của đội ngũ doanh nhân, khu vực KTTN đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển, trở thành một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược tăng trưởng xanh, bền vững và hội nhập quốc tế của quốc gia và địa phương.

Không gian làm việc sạch sẽ và máy móc, công nghệ hiện đại hỗ trợ sản xuất giúp công nhân Công ty TNHH Sản xuất và thương mại bảo hộ Lan Phú yên tâm gắn bó lâu dài. 

Hà Thành

Nguồn: https://baothaibinh.com.vn/tin-tuc/4/223637/nghi-quyet-68-nq-tw-be-phong-cho-kinh-te-tu-nhan-but-pha


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Khi du lịch cộng đồng trở thành nhịp sống mới bên phá Tam Giang
Những điểm du lịch Ninh Bình không thể bỏ qua
Phiêu du giữa mây mù Đà Lạt
Những bản làng bên dãy Trường Sơn

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm