Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội: Bảo đảm quyền tiếp cận nguồn lực và cạnh tranh bình đẳng

Ở góc độ doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, tôi đặc biệt ấn tượng với ba thông điệp của Nghị quyết 68.
Thứ nhất, Nghị quyết đã chuyển dịch tư duy, xóa bỏ mọi định kiến đối với kinh tế tư nhân, công nhận doanh nhân là “chiến sĩ trên mặt trận kinh tế”, bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản và quyền tự do kinh doanh.
Thứ hai, Nghị quyết đặt ra mục tiêu định lượng rõ ràng, đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, đóng góp 55‑58% GDP, năng suất lao động tăng 8,5‑9,5%/năm; tầm nhìn đến năm 2045 vượt 3 triệu doanh nghiệp và đóng góp trên 60% GDP.
Thứ ba, thông điệp “song hành - xanh ‑ số”, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đưa năng lực công nghệ vào nhóm 3 ASEAN, tốp 5 khu vực châu Á trước năm 2030.
Những điểm này không chỉ củng cố niềm tin thị trường, mà còn đặt doanh nghiệp tư nhân vào tâm thế là đối tượng được bảo hộ, đồng thời là lực lượng phải dẫn đầu đổi mới. Trong đó, điều khoản tâm đắc nhất là “bảo đảm quyền tiếp cận nguồn lực và cạnh tranh bình đẳng”.
Tại Nghị quyết 68, Bộ Chính trị đã đặt nhiệm vụ về cắt bỏ rào cản tiếp cận đất đai, tín dụng, dữ liệu và nhân lực chất lượng cao, điều mà cộng đồng doanh nghiệp trông đợi nhất.
Thực tế cho thấy, hơn 82% lao động đang làm việc trong khu vực tư nhân, song 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn phải dựa vào tài sản thế chấp truyền thống để vay vốn. Nếu các cam kết “minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế” được luật hoá trong giai đoạn 2025‑2028, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí tuân thủ.
Do đó, Nghị quyết 68 không chỉ tháo gỡ thể chế, mà còn đặt lên vai doanh nhân trách nhiệm trở thành kiến trúc sư của mô hình tăng trưởng mới – tăng trưởng dựa trên công nghệ, giá trị xanh và năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Muốn xứng đáng là "động lực quan trọng nhất", mỗi doanh nghiệp phải sớm hành động, minh bạch, liên kết và đổi mới không ngừng. Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội sẵn sàng tiên phong, cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước cụ thể hoá các mục tiêu của Nghị quyết ngay từ hôm nay.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân: Doanh nghiệp được thụ hưởng cơ chế, chính sách cụ thể, thiết thực

Những chỉ đạo, định hướng, giải pháp quan trọng tại Nghị quyết 68 chính là những điều cộng đồng doanh nghiệp cần. Nhìn vào cơ cấu khối doanh nghiệp kinh tế tư nhân có thể nhận ra, đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 98% tổng số doanh nghiệp tư nhân.
Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận đổi mới khoa học công nghệ, năng lực sản xuất, chưa biết định hướng xuất khẩu, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu... Chưa kể những khó khăn khác liên quan tới nguồn vốn, đất đai, hạ tầng cũng tạo ra rào cản cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Đối với riêng doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh những vấn đề nêu trên, chúng tôi còn đối mặt với một số khó khăn có tính đặc thù khác, như máy móc còn thô sơ, chưa hiện đại, thiếu lao động trình độ cao, nhất là đội ngũ kỹ sư.
Vì vậy, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu trong Nghị quyết sẽ trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Cùng với đó, từ cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, sắp xếp địa giới hành chính đang được thực hiện quyết liệt, doanh nghiệp được thụ hưởng những cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu cụ thể, thiết thực.
Điển hình như chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tài chính, hạ tầng, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số… vừa góp phần giải quyết những khó khăn vừa thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực sản xuất cho doanh nghiệp.
Giám đốc điều hành Công ty CP Chăm sóc sức khỏe đường ruột Việt Nam Nguyễn Tuấn Dương: Doanh nghiệp phải chủ động để xứng đáng là “động lực quan trọng nhất” của nền kinh tế

Nghị quyết 68 có ba thông điệp tôi rất tâm đắc gồm: Giảm phiền hà; bảo vệ quyền, tài sản và việc thực thi hợp đồng cho doanh nghiệp; khơi thông nguồn lực với kinh tế tư nhân. Đây là bước ngoặt trong quá trình phát triển khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam.
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về tiếp cận vốn, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, Nghị quyết 68 đã hướng tới việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh và tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận công bằng các nguồn lực.
Nhưng cùng với những nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra, các doanh nghiệp cũng phải chủ động nâng cao trách nhiệm đổi mới năng lực hoạt động và khả năng cạnh tranh, để xứng đáng với vị thế "động lực quan trọng nhất" của nền kinh tế.
Vì vậy, với những cơ hội mới từ chính sách, trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân cũng ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Các doanh nghiệp cần có hành động cụ thể để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết, bao gồm việc tuân thủ và minh bạch trong các vấn đề thuế, tài chính, lao động, môi trường, tăng cường liên kết và không ngừng đổi mới.
Nguồn: https://hanoimoi.vn/nghi-quyet-so-68-nq-tw-buoc-ngoat-quan-trong-trong-chinh-sach-doi-voi-khu-vuc-kinh-te-tu-nhan-701682.html
Bình luận (0)