Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Người dân đang dần thay đổi, chọn “sống xanh - an toàn” (Bài 1)

Chuyển đổi giao thông xanh là một yêu cầu cấp thiết, một xu thế không thể đảo ngược và hiện xu thế này đã giúp thay đổi thói quen, nhận thức của nhiều người dân. Tại Hà Nội, một bằng chứng là số lượng người dân đi làm, đến công sở bằng phương tiện công cộng (xe buýt, tàu điện…) ngày càng nhiều.

Báo Công an Nhân dânBáo Công an Nhân dân21/07/2025

Chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 12/7/2025 nêu rõ tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng tại nhiều địa phương, đặc biệt là ô nhiễm không khí ở đô thị lớn, ô nhiễm nước tại khu vực đông dân cư, làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Riêng Hà Nội, mức độ ô nhiễm không khí vào một số thời điểm thuộc nhóm cao trên thế giới, chất lượng nước các dòng sông nội đô vượt giới hạn cho phép nhiều năm liên tiếp.

Trong bối cảnh ô nhiễm môi trường đe dọa sức khoẻ cộng đồng, Thủ tướng đã đề ra hệ thống giải pháp cụ thể theo từng lĩnh vực, từng cấp chính quyền, gắn với mốc thời gian thực hiện và cơ chế kiểm soát trách nhiệm. Một trong những định hướng trọng tâm của Chỉ thị 20 là kiểm soát sự gia tăng phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn, thúc đẩy phát triển giao thông công cộng và phương tiện thân thiện với môi trường.

Theo Chỉ thị 20, Hà Nội phải triển khai sớm các biện pháp mạnh nhằm giảm phát thải từ giao thông và xử lý ô nhiễm môi trường đô thị, với lộ trình cụ thể đến năm 2030. Cụ thể, từ ngày 1/7/2026, Hà Nội phải bảo đảm không còn xe môtô, xe gắn máy chạy xăng dầu lưu thông trong khu vực vành đai 1. Từ 1/1/2028, cùng với việc cấm xe máy xăng, ôtô cá nhân chạy xăng dầu cũng bị hạn chế hoạt động trong vành đai 1 và vành đai 2; đến năm 2030, phạm vi hạn chế được mở rộng đến vành đai 3.

Người dân đang dần thay đổi, chọn “sống xanh - an toàn” (Bài 1) -0
Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường không khí là do khí thải từ các phương tiện cơ giới tham gia giao thông.

Theo thống kê của Sở Xây dựng TP Hà Nội, tính đến hết tháng 4, thành phố có hơn 8 triệu phương tiện, trong đó có hơn 1,1 triệu ôtô và hơn 6,9 triệu xe máy. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn, chưa kể đến lượng xe của người dân các vùng lân cận vào Hà Nội làm ăn, buôn bán hằng ngày. Trong đó, xe máy chạy bằng xăng phần lớn thuộc sở hữu của người lao động tự do, công nhân, sinh viên, tiểu thương và người làm dịch vụ vận chuyển. Với nhiều người dân, xe máy không chỉ là phương tiện đi lại mà còn là công cụ lao động và là tài sản có giá trị lớn, tương đương 3–6 tháng thu nhập, thậm chí còn hơn.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nêu quan điểm: Đây không phải là chủ trương riêng của Hà Nội, mà là bước triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Trước cộng đồng quốc tế, Thủ tướng đã khẳng định cam kết của Việt Nam đạt phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Do đó, việc hạn chế xe máy xăng là chủ trương đúng đắn và cần thiết.

Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa và cơ giới hóa nhanh chóng dẫn đến tăng ùn tắc giao thông, ô nhiễm không khí và phát thải khí nhà kính, đặc biệt với các đô thị lớn như Hà Nội. Giao thông vận tải là lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế nhưng cũng đang là nguyên nhân lớn trong phát thải, gây ô nhiễm môi trường, chiếm khoảng 20% tổng phát thải quốc gia. Để thúc đẩy phát triển giao thông xanh, trước đó Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 876/QĐ-TTg phê duyệt chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, nhiều địa phương cũng đã ban hành Đề án phát triển giao thông xanh, với mục tiêu và lộ trình rõ ràng. TP Hà Nội đã ban hành quyết định về triển khai “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn”, trong đó đặt ra mục tiêu: Năm 2025 chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng sạch đạt 5% và dự kiến đến năm 2035, tỷ lệ chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đạt 100%...

Chuyển đổi giao thông xanh là một yêu cầu cấp thiết, một xu thế không thể đảo ngược và hiện xu thế này đã giúp thay đổi thói quen, nhận thức của nhiều người dân. Tại Hà Nội, một bằng chứng là số lượng người dân đi làm, đến công sở bằng phương tiện công cộng (xe buýt, tàu điện…) ngày càng nhiều. Chị Thu Hương, nhà ở phường Trung Văn (cũ), nay là phường Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: Từ 2 năm nay, vợ chồng chị đã bỏ xe máy xăng để chuyển sang đi xe buýt. Công ty của chị Hương ở gần Bờ Hồ, còn cơ quan chồng chị ở gần bến xe Giáp Bát nên nhà chị chọn đi xe buýt là tối ưu. Mỗi ngày cả chiều đi, chiều về, hai vợ chồng chị di chuyển khoảng 40km trên xe buýt, nếu đi xe máy sẽ rất mệt mỏi, tốn kém và cũng nhiều rủi ro.

“Có hôm ngồi trên xe buýt tôi nhìn thành phố mù mịt bụi và khói. Chiếc khẩu trang mỏng manh không giúp người đi xe máy cản được bụi, khói. Đó là chưa kể những lúc tắc đường giờ cao điểm, không khí ngột ngạt vô cùng. Nhưng ngồi trên xe buýt, tôi thấy an toàn hơn rất nhiều. Tôi luôn ước ao giá mà xe buýt hay phương tiện công cộng phủ sóng kín cả thành phố thì tốt biết mấy”, chị Thu Hương cho hay.

Cũng là một “tín đồ” của xe buýt, chị Hồng Ngọc, nhà ở đường Tố Hữu, phường Đại Mỗ, Hà Nội chia sẻ: “Năm năm nay, tôi và các con đi học, đi làm đều bằng xe buýt. Lợi ích rõ nhất là từ lâu, bệnh viêm xoang mãn tính của tôi đỡ hẳn. Trước đi xe máy, hầu như tháng nào tôi cũng tái phát căn bệnh mệt mỏi này”.

Thông tin từ Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đơn vị đã vận hành 1.611.337 lượt xe buýt, bằng 95,7% kế hoạch. Tổng sản lượng khách vận chuyển đạt trên 125 triệu lượt hành khách, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước và chiếm trên 56% sản lượng khách toàn mạng, trong đó sản lượng vé tháng tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm 2024. Còn theo khảo sát của Trung tâm quản lý và điều hành giao thông TP Hà Nội vào cuối năm 2024, sau 3 năm thành phố đưa xe buýt điện vào vận hành đã giảm phát thải 41.000 tấn CO2, tương đương trồng hơn 1,9 triệu cây xanh. Khảo sát cũng cho thấy, có tới 90% hành khách Thủ đô hài lòng với xe buýt điện.

Khi tiếp thu thông tin xe máy chạy xăng sắp bị cấm lưu thông trong vành đai 1, nhiều người dân còn băn khoăn. Nhưng khi nhắc đến vấn đề ô nhiễm không khí đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, gây ra nhiều bệnh tật thì nhiều người dân cho biết, họ vẫn chọn phương án sống “xanh – an toàn”. Đó là cách bảo vệ giống nòi, vì tương lai con em chúng ta.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam cho biết, qua các số liệu quan trắc của nhiều năm, chúng ta đều nhận thấy chất lượng môi trường không khí ở trong nội đô, đặc biệt là Hà Nội và các thành phố lớn đang bị suy giảm nghiêm trọng trong rất nhiều ngày, nhiều tháng và đặc biệt là từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, vào mùa đông, chỉ số chất lượng không khí AQI nhiều ngày màu đỏ, màu tím rồi màu nâu. Một điều lo ngại nữa là xu thế đó có chiều hướng không giảm mà lại tăng qua nhiều năm. “Ô nhiễm môi trường là vấn đề nóng của Hà Nội, của nội đô Hà Nội”, ông Hoàng Dương Tùng nói.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm không khí đang đe dọa trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng, đầu năm 2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về đề cương giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”. Đây là chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2025, dự kiến 4 đoàn công tác sẽ giám sát trực tiếp từ cuối tháng 6 đến trước ngày 31/7 tại 15 địa phương, trong đó có Hà Nội. Dự kiến báo cáo kết quả giám sát và dự thảo nghị quyết giám sát chuyên đề sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10.

Dưới góc nhìn của người làm y tế, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế đánh giá, ô nhiễm không khí và môi trường tác động nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng cũng như ảnh hưởng tới đời sống, nhất là đô thị lớn như Hà Nội. Các tác nhân gây ô nhiễm gồm bụi PM2.5, gây tác động lên hệ hô hấp, đặc biệt là gây ra hoặc ảnh hưởng nặng đến người đang mắc các bệnh như bệnh hen cũng như các bệnh đường hô hấp khác, đặc biệt với các đối tượng như trẻ em, người già và phụ nữ mang thai.

Còn theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội: 56,1% nguyên nhân gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội đến từ khoảng 7 triệu xe máy chưa được kiểm soát khí thải (trong đó riêng vành đai 1 có khoảng 450.000 xe), 800.000 ôtô chạy bằng xăng dầu, cùng với bụi đường do ma sát từ lốp xe… Từ thực tế nêu trên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, "cần cú hích chuyển đổi xanh" để giải quyết vấn đề ô nhiễm tại Hà Nội.

Vành đai 1 - vùng phát thải thấp trọng điểm của Thủ đô

Vành đai 1 được xác định khép kín qua các tuyến: Trần Khát Chân - Đại Cồ Việt - Đê La Thành - Bưởi - Cầu Giấy - Võ Chí Công - Nghi Tàm - Yên Phụ - Trần Quang Khải. Chu vi toàn tuyến khoảng 25km, diện tích khoảng 31km², trong đó Hồ Tây chiếm khoảng 5,2km². Vành đai 1 đi qua 9 phường mới (sau sắp xếp), gồm 6 phường nằm trọn: Ba Đình, Ngọc Hà, Hoàn Kiếm, Cửa Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hai Bà Trưng và 3 phường một phần: Tây Hồ, Ô Chợ Dừa, Giảng Võ. Dân số trong khu vực vào khoảng 600.000 người. Hiện có gần 450.000 xe máy do người dân trong khu vực sở hữu. Trong toàn thành phố, tổng số phương tiện xe máy là khoảng 6,9 triệu chiếc.

Nguồn: https://cand.com.vn/Giao-thong/nguoi-dan-dang-dan-thay-doi-chon-song-xanh-an-toan-bai-1--i775420/


Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Lạc bước giữa thế giới hoang dã tại vườn chim ở Ninh Bình
Ruộng bậc thang Pù Luông mùa nước đổ đẹp nao lòng
Những thảm nhựa 'nước rút' trên cao tốc Bắc - Nam qua Gia Lai
PIECES of HUẾ - Mảnh ghép của Huế

Cùng tác giả

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm