Trước khi được biết đến là người đi đầu với mô hình trồng rau má thủy canh đầu tiên tại Quảng Ninh, anh Cao Văn Hùng đã trải qua không ít thất bại. Trồng rau thủy canh (rau muống, rau cải) thử sức với mô hình nho công nghệ cao… đều không mang lại kết quả như kỳ vọng. Thất bại nối tiếp thất bại, nhưng chưa bao giờ anh Hùng từ bỏ niềm đam mê với nông nghiệp sạch.
Năm 2022, sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về đặc tính của các loại cây phù hợp với phương pháp thủy canh, anh quyết định chọn cây rau má sữa - hay còn gọi là rau má ta để trồng thử nghiệm. Đây là loại cây dễ sống, có thể trồng quanh năm và thu hoạch bốn mùa, phù hợp với điều kiện trong nhà màng và hệ thống chăm sóc tự động. “Rau má vốn là loại cây quen thuộc, nhưng ít người nghĩ có thể trồng thủy canh. Tôi muốn chứng minh điều đó hoàn toàn khả thi, đồng thời tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng”, anh Hùng chia sẻ.
Trên diện tích 750m², anh Hùng đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống trồng rau má thủy canh hiện đại, sử dụng năng lượng mặt trời, tự động hóa khâu chăm sóc và tưới tiêu. Từ việc chọn giá thể xơ dừa, đến hệ thống bơm dinh dưỡng tuần hoàn, mọi công đoạn đều được thiết kế bài bản, khép kín. Nhờ cách làm bài bản và sự kiên trì, mô hình bắt đầu cho những lứa rau má chất lượng, được thị trường đón nhận tích cực. Năng suất đều đặn, chất lượng rau má tươi đảm bảo an toàn thực phẩm, ít sâu bệnh do cách ly hoàn toàn với đất và các tác nhân ký sinh tự nhiên.
Tuy nhiên, khi mô hình bắt đầu ổn định thì cơn bão số 3 quét qua khu vực Đông Triều vào tháng 9/2024 đã phá hủy hoàn toàn hệ thống nhà màng, giàn trồng rau má thủy canh. Hơn 1 tỷ đồng đầu tư và hai năm tâm huyết gần như mất trắng. “Mình đã đổ tất cả vốn liếng và thời gian vào đó. Nhìn khu vườn rau má thủy canh đổ nát mà xót xa” anh Hùng nhớ lại.
Thế nhưng, chính trong lúc khó khăn nhất, tinh thần kiên cường và niềm tin mãnh liệt vào nông nghiệp sạch đã kéo anh Hùng trở lại. Chỉ sau vài tuần dọn dẹp và tính toán lại mô hình, anh bắt đầu khởi dựng lại từ đầu. Gần một năm sau ngày "tái sinh", mô hình rau má thủy canh của anh Hùng đã trở lại đầy mạnh mẽ với hơn 20 giàn rau má thủy canh hiện đại.
Hiện, trung bình mỗi ngày, trang trại cung cấp 40-50kg rau má tươi và 150-200 lít nước ép nguyên chất ra thị trường. Sản phẩm không chỉ được người tiêu dùng đánh giá cao về độ sạch, mùi vị tự nhiên mà còn ổn định về nguồn cung. Không dừng lại ở đó, anh Hùng còn mở rộng hướng đi bằng cách cung cấp cây giống, giá thể trồng cho các hộ dân có nhu cầu, đồng thời tạo việc làm cho 2 lao động địa phương.
“Mỗi bước đi tôi đều cân nhắc rất kỹ, từ chọn giống, kỹ thuật trồng cho đến cách sơ chế, bảo quản. Tôi luôn nghĩ rằng sản phẩm mình làm ra không chỉ để bán mà còn là trách nhiệm với người tiêu dùng” anh nói.
Hiện anh Hùng đang đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng chế biến sâu nước ép rau má, hướng đến tạo chuỗi giá trị khép kín từ gieo trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Quy trình sản xuất tại trang trại được kiểm soát nghiêm ngặt từ việc đo chỉ số pH, EC của dung dịch dinh dưỡng hằng ngày, vệ sinh đường ống sau mỗi chu kỳ thu hoạch đến sơ chế - đóng gói - bảo quản đều tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn. Nhờ kỹ thuật trồng thủy canh, rau má tại trang trại gần như không có sâu bệnh, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tiêu chuẩn rau sạch và an toàn thực phẩm.
“Làm nông nghiệp hiện nay không thể làm theo cách cũ. Muốn thành công phải ứng dụng công nghệ, cần học hỏi liên tục và dám thử, dám làm. Mục tiêu tới đây của tôi là xây dựng thương hiệu nước ép rau má sạch, uy tín, có thể đứng vững không chỉ tại Quảng Ninh mà còn vươn ra các thị trường lớn” - anh Hùng chia sẻ đầy quyết tâm.
Nguồn: https://baoquangninh.vn/nguoi-khoi-nghiep-tu-mo-hinh-rau-ma-thuy-canh-3358407.html
Bình luận (0)