Vietnam.vn - Nền tảng quảng bá Việt Nam

Nguồn cầu thủ chưa dồi dào và khác biệt

Bóng đá VN đang mở rộng vòng tay thu hút các cầu thủ Việt kiều hồi hương, nhưng phải thừa nhận nguồn lực rất quan trọng và giàu tiềm năng này vẫn chưa được như kỳ vọng.

Báo Thanh niênBáo Thanh niên22/05/2025

RÀO CẢN TỪ KHÂU CHUẨN BỊ

Khi Liên đoàn Bóng đá VN (VFF) lần đầu tiên mở quota cho các CLB đăng ký 1 cầu thủ Việt kiều chưa có quốc tịch VN theo tư cách nội binh, V-League 2023 - 2024 lập tức bùng nổ với tổng cộng 12 cái tên. Đến V-League 2024 - 2025, con số giảm còn 10 dù mỗi CLB được đăng ký đến 2 suất Việt kiều, trước khi nâng lên thành 13 sau 3 sự bổ sung Damoth (CLB Thanh Hóa), Mark Huỳnh (CLB Hải Phòng) và Kevin Phạm Ba (CLB Nam Định). Điều này cho thấy một số cầu thủ Việt kiều đã không thể hiện được năng lực và phải rời đi. Thực tế sân cỏ chỉ ra V-League mở rộng vòng tay nhưng cũng sàng lọc và đào thải khắc nghiệt. Rất nhiều cái tên tự tin đến với mục tiêu đá cho đội tuyển VN, nhưng gặp cú sốc văn hóa và bóng đá nên phải rời đi lặng lẽ khi chưa phù hợp với chất lượng và văn hóa V-League. Trường hợp Viktor Lê bắt đầu khẳng định mình ở mùa thứ 2, đồng thời được gọi lên đội U.23 VN là đáng tham khảo.

Nguồn cầu thủ chưa dồi dào và khác biệt- Ảnh 1.

Viktor Lê là trường hợp cầu thủ Việt kiều trẻ hiếm hoi chứng tỏ được năng lực ở V-League

ẢNH: MINH TÚ

Có một thực tế, các đội bóng VN vẫn đang săn cầu thủ Việt kiều mỗi người một cách, theo kiểu trăm hoa đua nở. Bóng đá VN vẫn quá thiếu những công ty đại diện có chứng chỉ hành nghề chính thức của FIFA để tạo ra mạng lưới hiệu quả. Đa phần ông chủ hoặc ban huấn luyện đội bóng vẫn chủ yếu săn tìm cầu thủ Việt kiều bằng cách mày mò trên Transfermarkt rồi tìm cách liên hệ, hay thông qua các kênh cá nhân, hoặc hiệu ứng rỉ tai nhau. Rất nhiều người đang tham gia vào làn sóng mới này một cách tự phát, thiếu bài bản hay thậm chí là thiếu nền tảng kiến thức chuyên môn để có những đánh giá, tư vấn chính xác ban đầu. Điều này dẫn đến độ vênh nhất định giữa kỳ vọng và thực tế, cũng như chất lượng tìm kiếm các cầu thủ Việt kiều. Quá trình đánh giá và chuẩn bị chưa tốt khiến rất nhiều cầu thủ Việt kiều buộc phải khăn gói rời đi như đã kể trên.

CẦN XÂY DỰNG KÊNH KẾT NỐI HIỆU QUẢ

Vài năm trước và gần đây, nhiều gia đình cầu thủ Việt kiều chưa hiểu đúng chất lượng bóng đá VN, mặc định con mình hồi hương sẽ nhanh chóng là ngôi sao. Có không ít phụ huynh còn ra điều kiện VFF sẽ phải mặc định trao cơ hội thi đấu ở các đội tuyển quốc gia thì mới đem con về tập thử. Điều này thậm chí vẫn còn đang tồn tại ở cả bóng đá nam lẫn nữ. Thậm chí, nhiều gia đình vẫn cho rằng VFF phải (và có đủ năng lực) để nhập tịch cho con em mình, trong khi thủ tục quy định điều kiện cần là phải có xác nhận cư trú dài hạn tại VN. Những điều này chỉ ra rằng chúng ta vẫn thiếu một kênh thông tin hiệu quả để những gia đình Việt kiều, VFF và CLB VN có sự hiểu nhau nhiều hơn. Nỗ lực của VFF, thành công của các đội tuyển VN, khát vọng World Cup và sức hút của V-League đang giúp tạo ra sự quan tâm ngày một lớn của những cầu thủ và gia đình Việt kiều. Nhưng sự chuẩn bị và kết nối vẫn chưa hiệu quả, dẫn đến chất lượng và số lượng nguồn cầu thủ Việt kiều vẫn chưa như kỳ vọng.

Nhu cầu và khát khao có những cầu thủ Việt kiều chất lượng của bóng đá VN là rất lớn, với dẫn chứng từ câu chuyện thú vị của trang Vietnam Football Scout. Quản trị của trang này chia sẻ đã phải bỏ rất nhiều công sức để tìm kiếm thông tin, săn lùng những bạn Việt kiều tiềm năng đang chơi bóng ở châu Âu hoặc Mỹ, nhưng bước tiếp cận rất gian nan: "Có người rất dễ nói chuyện, hỏi là trả lời ngay, hỏi gì đáp nấy. Nhưng cũng có những người họ chỉ đọc chứ không hồi âm hoặc chỉ trả lời ậm ừ cho xong. Nói chung, cầu thủ càng nổi tiếng càng khó bắt chuyện. Cũng có người phải kiên trì, theo đuổi cả năm họ mới cởi mở".

Phải thẳng thắn rằng khi VN chưa dự World Cup thì cầu thủ Việt kiều sẽ có xu hướng ưu tiên phát triển ở môi trường bóng đá trình độ cao. Indonesia cũng từng như VN, cho đến khi tỉ phú Erick Thohir (từng mua gã khổng lồ nước Ý Inter Milan) vào cuộc mạnh mẽ tạo ra làn sóng ngôi sao nhập tịch. VN có thể học theo Indonesia để sớm tiếp cận những cầu thủ trẻ có tiềm năng, chia sẻ thông tin và xây đắp sợi dây tình cảm với quê hương. Kết quả thi đấu của đội tuyển VN ở châu lục như Asian Cup, vòng loại World Cup cũng sẽ là động lực thôi thúc quan trọng. Sức hút của V-League về đãi ngộ và cách VN hỗ trợ cầu thủ Việt kiều nhập tịch cũng rất quan trọng để họ về nước. Trên hết, bản thân các cầu thủ Việt kiều - có lợi thế thể hình, sức mạnh - cũng phải chứng tỏ được năng lực bằng hoặc cao hơn nhiều đồng nghiệp VN, điển hình như Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm, Patrik Lê Giang… Để thành công, sẽ cần chiến lược đồng bộ, nhịp nhàng từ khâu thông tin, kết nối, chuẩn bị, triển khai… như Thái Lan và Indonesia đang thực hiện rất hiệu quả. (còn tiếp) 

Indonesia có lịch sử kết nối nhiều thế kỷ với Hà Lan vốn có nền bóng đá mạnh nên có số lượng cầu thủ mang 2 dòng máu đông đảo và chất lượng. Trong khi bóng đá là môn thể thao vẫn còn mới ở Mỹ vốn có lượng Việt kiều đông đảo nhất. Hiện tại, khu vực châu Âu đang là cái nôi ấn tượng cả về số lượng lẫn chất lượng của những cầu thủ trẻ Việt kiều đang đá đội trẻ hoặc ký hợp đồng chuyên nghiệp với các CLB ở Pháp, Đức, Bỉ, Anh…

Nguồn: https://thanhnien.vn/nguon-cau-thu-chua-doi-dao-va-khac-biet-185250521203437009.htm


Bình luận (0)

No data
No data

Di sản

Nhân vật

Doanh nghiệp

No videos available

Thời sự

Hệ thống Chính trị

Địa phương

Sản phẩm